Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Chấn thương nghệ sĩ Thương Tín gặp phải nguy hiểm thế nào?

Chấn thương nghệ sĩ Thương Tín gặp phải nguy hiểm thế nào?

bởi Admin
0 Lượt xem

Mới đây, nhạc sĩ Tô Hiếu – người đang cưu mang nghệ sĩ Thương Tín – cho biết đang gấp rút tìm người giúp việc để chăm sóc cho nam nghệ sĩ Thương Tín, báo Người Lao Động đưa tin.

Trước Tết, nghệ sĩ Thương Tín có đợt tái khám tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, kết quả cho thấy sức khỏe cũng như thương tật tạm ổn. Do vậy, sau kỳ nghỉ Tết, nam nghệ sĩ mong muốn được trở lại TP.HCM.

Hiện tại, Thương Tín vẫn còn đang ở quê nhà Phan Rang. Để có thể cải thiện tốt hơn tình hình, ông cần một người chăm sóc.

Nhạc sĩ Tô Hiếu đang gấp rút tìm người chăm sóc cho nghệ sĩ Thương Tín.

Nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết anh “sẵn sàng trả lương cao hơn thị trường để đảm bảo việc chăm sóc cho anh Tín (nghệ sĩ Thương Tín) khi anh ấy trở lại TP.HCM”.

Giờ, nghệ sĩ Thương Tín không còn phải ngồi xe lăn nữa. Ông đi lại nhờ một dụng cụ hỗ trợ.

“Bác sĩ nói chân viêm khớp gối đã ổn rồi, còn chân bể bánh chè khớp gối thì khó thực hiện vì sức khỏe Thương Tín yếu, tạm thời vẫn phải theo dõi thêm”, nhạc sĩ Tô Hiếu chia sẻ với Người Lao Động.

Trước đó, vào ngày 07/12/2024, báo Vietnamnet đưa tin nghệ sĩ Thương Tín bị vỡ xương bánh chè phải, không còn khả năng hồi phục, chân trái bị viêm khớp gối nặng, cần uống thuốc điều trị lâu dài.

Sức khỏe ông yếu, không thể tiến hành phẫu thuật nạo, lấy xương ngay. Diễn viên lúc đó không thể tự đi lại, phải ngồi xe lăn hoặc nhờ người ẵm bồng. Thương tật xảy ra sau khi ông bị té xe ở Phan Rang, Ninh Thuận vào tháng 10/2024, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua kiểm tra sơ bộ, ông mệt, khó thở, tay chân trầy xước nhưng không có gì nguy hiểm nên được cho về.

Ở nhà, khi ngủ trên đệm trải dưới sàn, ông phát hiện không thể tự đứng dậy nữa và chân đau nhức âm ỉ. Gia đình tưởng vấn đề do đệm nên đổi sang giường nhưng ông vẫn không tự đứng được. Khi chân Thương Tín ngày càng đau, gia đình mới đưa vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM kiểm tra, phát hiện xương bánh chè bị vỡ.

Nghệ sĩ Thương Tín tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Ảnh: gia đình cung cấp

Vỡ xương bánh chè nguy hiểm thế nào?

Theo website của bệnh viện Vinmec, xương bánh chè là xương vừng lớn nhất trong cơ thể, nằm trong gân và có hình dạng tam giác. Phần đáy của xương gắn với gân cơ tứ đầu đùi, trong khi đỉnh hoặc phần cực dưới gắn với gân bánh chè.

Ngoài ra, xương bánh chè nằm ngay dưới da, phía trước đầu gối và mặt sau tựa vào nền cứng là các lồi cầu xương đùi. Vị trí này là nguyên nhân khiến xương bánh chè dễ bị tổn thương khi có va chạm mạnh vào gối. 

Xương bánh chè nằm ngay dưới da, phía trước đầu gối và mặt sau tựa vào nền cứng là các lồi cầu xương đùi.

Khi xương bánh chè vỡ, người bệnh thường trải qua những triệu chứng đau nhức ở mặt trước của khớp gối và không thể co hoặc duỗi đầu gối một cách linh hoạt. Ngoài ra, những dấu hiệu khác bao gồm:

– Sưng nề ở vùng gối và có những vết bầm tím dưới da.

– Khi nhấn vào vùng xương bánh chè, người bệnh cảm thấy đau nhức.

– Trong một số trường hợp, người bệnh nhận thấy được khe khoảng cách ở giữa hai phần xương bánh chè bị gãy.

Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân thường có thể phục hồi chức năng khớp gối trong 3-4 tháng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:

– Viêm mủ khớp gối

– Teo cơ tứ đầu đùi

– Xơ hóa và vôi hóa các dây chằng bao quanh khớp làm hạn chế vận động, đặc biệt là khó khăn trong việc gấp và duỗi gối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của chi.

– Liền lệch xương bánh chè và biến chứng của khớp giả xương bánh chè…

Do đó, khi chưa rõ tình trạng chấn thương khớp gối, người bệnh cần nghỉ ngơi và không di chuyển để quan sát. Người bệnh có thể sử dụng khăn lạnh hoặc gói đá trong khăn và chườm lên vùng chấn thương trong khoảng 20 phút, sau đó nghỉ 20 phút và tiếp tục lặp lại quá trình này (lưu ý không đặt đá lạnh trực tiếp lên da).

Sau đó, người bệnh cần tiếp tục quan sát xem liệu triệu chứng sưng đau và phù nề có giảm đi hoặc liệu có càng ngày càng đau hay không. Nếu không cải thiện hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đây có thể là dấu hiệu của tổn thương hoặc gãy xương.

Đối với trường hợp được xác định là gãy xương, người bệnh cần được tiến hành sơ cứu bằng cách cố định tạm thời ở vị trí từ 1/3 giữa đùi đến trên bàn chân, bằng cách sử dụng nẹp gỗ trong tư thế duỗi gối hoàn toàn, hoặc sử dụng nẹp ORBE duỗi gối hiện rất phổ biến tại các nhà thuốc. Ngay sau đó, người bệnh cần được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện bước kiểm tra và điều trị tiếp theo. Đặc biệt, người bệnh không nên tự mình điều trị hoặc tìm cách khác như đắp thuốc, đắp lá, bôi cao dầu nóng… vì điều này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan