Ngoài ra, bệnh gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng gấp 20 lần và có tác động đến các bệnh lý ngoài gan như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ,… Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và phòng ngừa, có thể đạt được hiệu quả tốt.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Lưu Thị Minh Diệp – Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai về chủ đề này.

Nguyên nhân chính của bệnh này liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý (thực phẩm nhiều đường, chất béo, sử dụng bia rượu), thừa cân, béo phì, và ít vận động. Ảnh minh họa: Internet
Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết khái niệm bệnh gan nhiễm mỡ?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan tích tụ quá mức (trên 5% trọng lượng gan) gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Nguyên nhân chính của bệnh này liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý (thực phẩm nhiều đường, chất béo, sử dụng bia rượu ), thừa cân, béo phì, và ít vận động. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở những người gầy, do rối loạn chuyển hóa hoặc do các yếu tố di truyền.
PV: Vậy nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ là gì thưa bác sĩ?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ:
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, sử dụng rượu bia từ lượng ít đến nhiều.
Béo phì và thừa cân: Mỡ thừa trong cơ thể có thể khiến mỡ tích tụ ở gan.
Lối sống thiếu vận động: Ít vận động sẽ làm giảm khả năng đốt cháy mỡ trong cơ thể.
Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp: Các bệnh lý này có thể là yếu tố tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ (bệnh cảnh rối loạn chuyển hoá).
Di truyền: Một số người có xu hướng di truyền dễ mắc bệnh này.
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cho bạn đọc triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ gồm những gì?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Ban đầu, gan nhiễm mỡ hầu như không có biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh khó nhận biết. Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
Mệt mỏi, khó chịu.
Ngứa da, nổi mày đay, dị ứng: Da nổi mề đay hoặc ngứa cũng là dấu hiệu nhận biết gan bị nhiễm mỡ.
Đau hoặc cảm giác tức nặng ở vùng bụng phải.
Chán ăn, buồn nôn, sụt cân không rõ lý do, đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến xơ gan hoặc viêm gan, gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng, biểu hiện: vàng da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ….

Thói quen ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, sử dụng rượu bia từ lượng ít đến nhiều. Ảnh minh họa: Internet
PV: Xin bác sĩ cho biết cách để phân loại gan nhiễm mỡ?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Gan nhiễm mỡ có thể được chia thành các mức độ khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển và mức độ tổn thương của gan. Hiện nay, y học đang tạm chia thành 3 nhóm sau:
Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ (Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hoá MASLD): Chỉ có mỡ tích tụ trong gan nhưng không gây viêm hay tổn thương tế bào gan. Mức độ này có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt và có thể hồi phục bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
Gan nhiễm mỡ độ vừa (Viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hoá MASH): Mỡ tích tụ nhiều hơn và có thể bắt đầu gây viêm gan. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.
Gan nhiễm mỡ độ nặng: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, khi mỡ tích tụ nhiều và gây viêm gan, dẫn đến xơ gan và có thể phát triển thành ung thư gan . Tình trạng này đòi hỏi phải điều trị tích cực và quản lý định kì.
PV: Xin bác sĩ cho biết các xét nghiệm cần làm để kiểm tra, đánh giá tình trạng gan nhiễm mỡ?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Hiện nay chúng ta có đầy đủ phương tiện để đánh giá tình trạng, mức độ gan nhiễm mỡ.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng gan nhiễm mỡ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra sau:
Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp đầu tiên giúp phát hiện sự bất thường trong chức năng gan. Các chỉ số như AST (Aspartate Aminotransferase), ALT (Alanine Aminotransferase) và GGT (Gamma-Glutamyl Transferase) có thể cho thấy tình trạng viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ có thể phát hiện gan nhiễm mỡ khi đã có dấu hiệu viêm gan. Các xét nghiệm glucose, Cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, Triglycerid, HbA1c,… đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hoá kèm theo.
Siêu âm gan: Đây là phương pháp hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất để phát hiện gan nhiễm mỡ. Siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh gan nhiễm mỡ một cách tổng quát và đánh giá sơ bộ mức độ nhiễm mỡ.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI): Đây là các phương pháp hình ảnh tiên tiến hơn giúp đánh giá chính xác tình trạng gan nhiễm mỡ, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh tiến triển.
Sinh thiết gan: Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ nghiêm trọng và bác sĩ nghi ngờ có biến chứng như viêm gan, xơ gan, sinh thiết gan có thể được thực hiện để xác định chính xác mức độ tổn thương của gan.
FibroScan (siêu âm đàn hồi gan): Đây là một phương pháp không xâm lấn giúp đánh giá độ cứng của gan và độ nhiễm mỡ gan. Đây là một xét nghiệm quan trọng trong việc theo dõi tình trạng gan nhiễm mỡ. Phân độ nhiễm mỡ tương ứng với tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ: S0 tương ứng với tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ 0-10% (bình thường), S1 (gan nhiễm mỡ nhẹ) có tỉ lệ 11-33%, S2 (gan nhiễm mỡ vừa) có tỉ lệ 334-66% và S3 (gan nhiễm mỡ nặng) có tỉ lệ 67-100%.

Siêu âm gan là phương pháp hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất để phát hiện gan nhiễm mỡ. Siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh gan nhiễm mỡ một cách tổng quát và đánh giá sơ bộ mức độ nhiễm mỡ. Ảnh minh họa: Internet
PV: Vậy để phòng ngừa bệnh và điều trị gan nhiễm mỡ, người dân nên làm gì, thưa bác sĩ?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Bên cạnh các thuốc do bác sĩ chuyên khoa kê đơn thì lối sống, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm chứa chất xơ, hạn chế đường, dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn.
Tăng cường vận động: Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc yoga có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm mỡ trong cơ thể.
Giảm cân: Đạt và duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Mỗi mức độ giảm cân sẽ cải thiện vấn đề về gan, nếu giảm >3% sẽ cải thiện độ nhiễm mỡ, giảm > 5-7% cải thiện tình trạng viêm gan, trên 10% mới cải thiện được tình trạng xơ hoá. Mức độ này cũng áp dụng cho cả các trường hợp người gầy mắc gan nhiễm mỡ, tuy nhiên đó là giảm mỡ và tăng cơ.
Kiểm soát bệnh lý nền: Nếu bạn có các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao, cần kiểm soát tốt bệnh lý này để ngăn ngừa biến chứng gan nhiễm mỡ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ, hãy đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ vô cùng hữu ích của bác sĩ. Trước khi khép lại bài phỏng vấn, bác sĩ có Lời khuyên nào dành cho cộng đồng?
ThS. BS. Lưu Thị Minh Diệp: Bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Để bảo vệ sức khỏe gan, mỗi người chúng ta cần chú trọng vào việc duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý và thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên.
Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến gan, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và khám xét kỹ lưỡng. Một khi bệnh được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ lá gan của bạn!
Bệnh gan nhiễm mỡ không phải là một căn bệnh không thể chữa trị, nhưng nó đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ chính mỗi chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người!
Xin cảm ơn bác sĩ
Đọc bài gốc tại đây.