Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Cấm xe máy xăng ở nội đô Hà Nội là cứu dân khỏi khí độc bủa vây

Cấm xe máy xăng ở nội đô Hà Nội là cứu dân khỏi khí độc bủa vây

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng dầu tại khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 và từ ngày 1/1/2028, tất cả các loại xe chạy xăng dầu đều bị cấm trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 không còn xe chạy xăng dầu di chuyển tại Vành đai 3.

Là một trong mấy triệu người đi xe máy xăng ở Hà Nội, người trực tiếp chịu ảnh hưởng, tôi thấy sốc và lo lắng khi nghe tin này, với câu hỏi: Vậy hai chiếc xe máy chạy xăng của gia đình thì xử lý ra sao?. Tuy nhiên khi bình tâm lại để suy nghĩ thấu đáo, tôi nhận ra bỏ xe xăng dùng xe điện là xu thế tất yếu; đằng nào cũng phải xử lý mấy chiếc xe đó, làm sớm cũng tốt, vì chính tôi và gia đình được hưởng lợi khi bầu không khí đầy chất độc hại của Hà Nội sớm được trong lành trở lại, chí ít là mức độ ô nhiễm giảm bớt, hoặc chậm tăng lên.

“Hà Nội – thành phố xanh, sạch, đẹp” là cụm từ chúng ta vẫn luôn nhắc tới bao nhiêu năm qua nhưng dường như không phải là miêu tả chân thực về Thủ đô hiện tại, mà là hình ảnh của quá khứ hoặc mục tiêu hướng tới trong tương lai, bởi bầu không khí những năm gần đây rất bẩn; trong đó các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một trong những thủ phạm chính xả chất gây ô nhiễm.

- Ảnh 1.

Khí thải từ xe máy, ô tô chạy xăng dầu là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Đắc Huy)

Sống tại trung tâm Hà Nội, tôi càng cảm nhận rõ ràng mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến cuộc sống hằng ngày. Đó là chiếc bàn vừa lau buổi tối, chỉ cần quên đóng cửa sổ thì sáng hôm sau đã nhìn thấy rõ lớp bụi trên mặt kính khi ánh sáng đầu ngày chiếu vào.

Đó là chiếc áo trắng tinh dù tôi có giữ gìn, giặt giũ cẩn thận cách mấy thì chỉ sau vài tháng đã ngả màu cháo lòng; trong khi hồi đi học ở nước ngoài, cũng những chiếc áo như vậy mặc vài năm vẫn trắng sáng như mới. Vợ tôi thì than, dù có xịt nước hoa xịn đến mấy thì sau mấy chục phút chạy xe máy đến công ty, người cô ấy vẫn bốc mùi cay xè vì khói xăng dầu bám vào áo, vào tóc.

Tệ hơn cả là dù đeo khẩu trang, chúng tôi vẫn hít phải khói độc, họng tôi nhạy cảm nên thường xuyên bị ho hắng. Những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng hoặc bị hen thì càng khổ hơn.

Không chỉ là cảm nhận trực quan, những con số quan trắc cho thấy mức độ ô nhiễm không khí đáng sợ ở Hà Nội. Theo thống kê, Hà Nội hiện nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với 110 ngày trong một năm chỉ số không khí ở mức kém, gây nguy hại đến sức khỏe tận. Vào tháng 1/2025, tình hình ô nhiễm gây lo lắng đến mức nhiều trường thông báo sẽ xem xét cho học sinh nghỉ học vào những ngày không khí ở mức nguy hại. Mới 5 ngày trước, sáng 9/7, Hà Nội là thành phố xếp thứ 11 thế giới về ô nhiễm.

Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm thành phố có khoảng 5.800 người chết do các nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm không khí.

Con số nạn nhân của không khí bẩn còn khủng khiếp hơn khi tính trên cả nước. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 70.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, cao gần gấp 7 lần số tử vong do tai nạn giao thông (10.944 người) vào năm 2024. Con số này tương đương với việc cứ 7,5 giây lại có một người chết vì các bệnh hô hấp do tiếp xúc với khói bụi.

Theo Sở Giao thông Vận tải, đến hết năm 2024 Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương), trong đó thành phố quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ôtô và trên 6,9 triệu xe máy. Số xe chạy điện chỉ mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn trong 8 triệu xe đó vẫn đang xả khói độc ra bầu không khí mà chúng ta hít thở từng giây,

Chiếc xe máy cũng là tài sản có giá trị đáng kể trong nhà, việc phải từ bỏ nó để đổi sang xe điện có thể gây xót của, nhưng hãy nghĩ đến khoản phí cao hơn nhiều lần mà chúng ta phải bỏ ra để điều trị các bệnh do ô nhiễm. Một đứa trẻ thường xuyên bị ho hen, viêm họng tháng nào cũng phải đi bác sĩ thì riêng tiền khám, tiền thuốc mỗi năm đã bằng tiền chiếc xe máy rồi; các bệnh nan y thì khỏi bàn. Còn nỗi khổ, nỗi đau khi bản thân hay người nhà bị bệnh thì không thể đo đếm.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, và xe máy chạy xăng chiếm tới 70% lượng khí thải từ phương tiện cá nhân. Vì vậy, hạn chế và tiến tới cấm xe chạy xăng dầu là giải pháp cần phải được thực hiện khẩn trương với các mốc thời gian càng sớm càng tốt, khu vực áp dụng cũng phải nhanh chóng mở rộng, không chỉ các đường vành đai mà toàn thành phố rồi dần dần là cả các tỉnh, thành khác.

Khi các loại xe cá nhân chạy xăng dầu bị cấm, chắc chắn bầu trời Hà Nội sẽ trong xanh trở lại chứ không nhờ nhờ, xam xám như lâu nay. Từ bỏ xe chạy xăng chính là đẩy lui cái chết từ từ do chất độc trong không khí.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.


Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan