Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Ca phẫu thuật lần đầu tiên Việt Nam làm được, giúp trái tim người bệnh “tái sinh”

Ca phẫu thuật lần đầu tiên Việt Nam làm được, giúp trái tim người bệnh “tái sinh”

bởi Admin
0 Lượt xem

Lần đầu tiên Việt Nam cấy ghép thành công tim nhân tạo bán phần

Mới đây, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca cấy ghép tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3 (LVAD – Heart Mate3), đánh dấu lần đầu tiên kỹ thuật cao này được áp dụng tại Việt Nam.

Tháng 3/2025, chị H.T.X (46 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối, với phân suất tống máu chỉ còn 19%, kèm theo nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu não cũ, tắc động mạch dưới đòn phải.

Trước đó, chị đã được điều trị bằng các phương pháp tiên tiến nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

- Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện ca ghép phẫu thuật kéo dài 4 giờ.

Sau hội chẩn với các chuyên gia trong và ngoài nước, bệnh nhân được chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái thế hệ thứ 3 – HeartMate 3, một công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Thiết bị này hoạt động như một máy bơm cơ học giúp tim trái bơm máu hiệu quả hơn, giảm nguy cơ huyết khối và tan máu. Thiết bị được kết nối với hệ thống pin bên ngoài cơ thể.

Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ được thực hiện bởi các bác sĩ Việt Nam dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ GS. Jan D. Schmitto – Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, người đã tiên phong cấy thành công thiết bị này từ năm 2014. Sau hai tuần hồi phục, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, sinh hoạt cá nhân bình thường và đang chuẩn bị xuất viện.

Theo TS. Đặng Việt Đức, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), LVAD – HeartMate 3 hiện là thiết bị hỗ trợ thất trái tiên tiến nhất thế giới. Nó không chỉ là phương án “cầu nối” chờ ghép tim mà còn được công nhận như một giải pháp điều trị thay thế lâu dài, cải thiện rõ rệt chất lượng và thời gian sống cho người bệnh.

Suy tim là giai đoạn cuối của nhiều bệnh lý tim mạch, có tỷ lệ tử vong cao vượt cả ung thư và đột quỵ. Khoảng 50% bệnh nhân không sống quá 5 năm sau chẩn đoán, và con số này giảm xuống chỉ còn 6–12 tháng ở giai đoạn cuối. Trong bối cảnh nguồn tạng hiến còn rất hạn chế, thiết bị như LVAD – HeartMate 3 trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân, với tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 76%.

“Trước đây, mỗi lần nhập viện tôi đều lo sợ vì không biết tim mình sẽ ngừng đập lúc nào. Tôi chỉ mong sống để được nhìn thấy con trai bước lên lễ đường Tôi thực sự cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và chuyên gia – những người đã “tái sinh” trái tim tôi. Tôi cảm thấy đang rất khoẻ mạnh và chờ đón ngày được ra viện”, chị H.T.X xúc động chia sẻ sau ca phẫu thuật.

Một bước ngoặt trong ngành y tế Việt Nam

Thành công này không chỉ mở ra hy vọng sống cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối mà còn đưa y học nước nhà tiến một bước dài, tiếp cận với các nền y học tiên tiến trên thế giới.

Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tự thực hiện ca cấy ghép dưới sự hỗ trợ quốc tế. Thành công này cũng cho thấy năng lực nội tại vững vàng của đội ngũ y tế Việt Nam, đồng thời mở ra hướng đi cho việc phát triển đồng bộ các kỹ thuật cao trong toàn hệ thống chuyên khoa.

- Ảnh 3.

Bệnh nhân sau ghép đã xuống giường vận động nhẹ nhàng.

Đáng chú ý, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã quyết định đầu tư, chi trả hơn 5 tỷ đồng/bệnh nhân cho những bệnh nhân đầu tiên thực hiện cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái thế hệ thứ 3 – HeartMate 3, nhằm thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật mới này vào thực tiễn.

Trước đó, Bệnh viện đã cử đội ngũ bác sĩ sang học tập tại các trung tâm hàng đầu thế giới như Đại học Y Hannover (Đức), St Vincent’s Hospital (Úc) – nơi vừa thực hiện ca cấy ghép tim nhân tạo toàn phần BiVACOR đầu tiên trên thế giới.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan