Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Bệnh do giun rồng tái xuất ở Việt Nam: ‘Sát thủ thầm lặng’ trở lại sau 20 năm

Bệnh do giun rồng tái xuất ở Việt Nam: ‘Sát thủ thầm lặng’ trở lại sau 20 năm

bởi Admin
0 Lượt xem

TS. Hoàng Đình Cảnh – Viện trưởng Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để các bệnh kí sinh trùng lưu hành và phát triển, từ khí hậu, tập quán sinh hoạt, ăn uống đến phương thức canh tác. Một số cuộc điều tra dịch tễ gần đây cho thấy tỉ lệ nhiễm bệnh kí sinh trùng ở nhiều khu vực vẫn còn cao, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng dễ tổn thương, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế – xã hội.

- Ảnh 1.

Gắp giun rồng ra khỏi cơ thể bệnh nhân

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Kí sinh trùng, Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cho biết trước đây bệnh giun rồng phổ biến trên thế giới nhưng hiện chỉ còn lưu hành chủ yếu ở châu Phi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ năm 2020, bệnh đã xuất hiện trở lại. Trong 5 năm qua, cả nước đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, tập trung tại Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Đáng chú ý, tất cả bệnh nhân đều là nam giới và có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn hoặc uống nước lã.

Mối nguy hiểm của bệnh giun rồng

Giun rồng lây lan qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào cơ thể từ nước uống hoặc thực phẩm sống chứa ấu trùng – thường là các loài thủy sinh như cá, ếch, nhái và tôm. Người mắc bệnh có thể không biểu hiện trong năm đầu tiên, nhưng khi giun cái di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy và sưng đỏ tại vị trí nhiễm. Khi giun cái thoát ra ngoài, vết tổn thương thường sưng tấy, tiết dịch vàng và để lộ đầu giun trắng.

Bệnh giun rồng có thời gian ủ bệnh dài, từ khi nhiễm ấu trùng đến khi có triệu chứng kéo dài khoảng 12 tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, khiến việc phát hiện sớm trở nên vô cùng khó khăn. Hiện tại, không có phương pháp chẩn đoán sớm hay điều trị bằng thuốc đối với bệnh giun rồng. Khi giun trưởng thành, chúng sẽ tự tìm cách chui ra khỏi cơ thể qua da, gây đau đớn và nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.

- Ảnh 2.

Một con giun rồng được bác sĩ gắp ra khỏi cơ thể người bệnh

Đáng lo ngại hơn, giun có thể di chuyển đến các vị trí nguy hiểm như ổ khớp, cột sống. Nếu giun chết và vôi hóa trong cơ thể, bệnh nhân có thể bị cứng khớp, liệt hoặc gặp các biến chứng nặng nề khác.

Sự tái xuất của bệnh giun rồng sau hơn hai thập kỉ đặt ra thách thức lớn đối với ngành y tế và cộng đồng. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức phòng bệnh, các chuyên gia kêu gọi sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh kí sinh trùng.

Biểu hiện bệnh

Khi mới mắc bệnh, thường không phát hiện có triệu chứng đặc biệt nào. Khoảng 1 năm sau khi mắc bệnh, khi giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu: sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú. Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn của con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3 – 6 tuần. Một số trường hợp người bệnh tự kéo nhưng làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan theo đường đi của giun làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết trước khi thải ra ấu trùng giun hoặc uốn ván.

Chẩn đoán xác định nhiễm giun rồng khi tìm thấy giun từ ổ áp xe hoặc biểu hiện trên X-quang của một con giun đã bị vôi hóa. Các trường hợp mắc bệnh, khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy sử dụng một que tròn rồi lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài (không cầm kéo mạnh hoặc chích rạch vết thương để lấy giun ra ngoài), không mổ, chích, rạch để lấy giun ra, kết hợp điều trị bằng mebendazole hoặc thiabendazole và dùng thêm kháng sinh, giảm đau, chống phù nề.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: ăn chín, uống sôi, không tiêu thụ thực phẩm sống hoặc chưa được nấu kĩ; vệ sinh cá nhân và môi trường, đặc biệt là nguồn nước, chất thải và thực phẩm; không sử dụng phân tươi để bón rau hoặc nuôi động vật; diệt côn trùng trung gian như ruồi, nhặng, gián để hạn chế sự lây lan của kí sinh trùng.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan