Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Ba bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Ba bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

bởi Admin
0 Lượt xem

Trong bối cảnh nhiều nước đang ghi nhận số ca mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng, Việt Nam dù cơ bản kiểm soát được dịch nhưng bắt đầu xuất hiện các ổ dịch nhỏ tại một số địa phương.

Ba bệnh đáng chú ý là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 đang có xu hướng tăng, đặc biệt khi thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lớn, ngập lụt xảy ra liên tiếp ngay từ đầu tháng 5 – thời điểm chưa bước vào cao điểm mùa mưa.

Theo Bộ Y tế, các hiện tượng như dông lốc, sét, sạt lở đất… tạo điều kiện cho môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Thời gian tới cũng là giai đoạn cao điểm du lịch hè, nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh, kéo theo nguy cơ dịch bệnh lan rộng nếu không được kiểm soát chặt.

Để chủ động phòng, chống dịch, Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị kích hoạt chiến dịch cao điểm phòng chống dịch trong tháng 6-7/2025, tập trung vào ba bệnh trọng điểm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các bệnh dễ phát sinh trong mùa mưa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ…

Khu vực cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: Hương Giang)

Bộ yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp ngành y tế triển khai đồng bộ nhiều biện pháp: tuyên truyền phòng dịch tới từng tổ dân phố, vận động người dân diệt lăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, ngủ màn để phòng sốt xuất huyết; hướng dẫn rửa tay thường xuyên tại nhà và trường học để ngăn bệnh tay chân miệng; khuyến khích đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi công cộng để ngăn ngừa COVID-19; tổ chức vệ sinh môi trường ngay sau các đợt mưa ngập.

Các thông điệp truyền thông phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và nhóm dân cư, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế địa phương phối hợp chặt giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị, cập nhật dữ liệu giám sát bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định, tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh bất thường, nhất là sau mưa lũ. Các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị sẵn kế hoạch phân tuyến điều trị, hạn chế tử vong và không để quá tải xảy ra.

Cùng với đó, địa phương cần rà soát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các đội cơ động chống dịch phải thường trực 24/7 để kịp thời hỗ trợ tuyến dưới giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí được yêu cầu phối hợp đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ và chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh.

Ngành giáo dục phải đặc biệt quan tâm phòng bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, tiểu học. Cơ sở giáo dục cần đảm bảo có đủ xà phòng, nước sạch rửa tay, thường xuyên vệ sinh lớp học, đồ chơi, bàn ghế và phối hợp kịp thời với y tế khi phát hiện ca bệnh.

Sở Tài chính có trách nhiệm cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Các địa phương phải chuẩn bị đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư và thiết bị y tế, đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cao. Các đội cơ động chống dịch cần được bố trí ở các điểm nóng để sẵn sàng ứng phó.

Cuối cùng, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan