Nội dung chính
Khoa Phỏng – Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vừa thực hiện ghép da cho bệnh nhân P.T.T.H (SN 1986, ngụ TP Thủ Đức). Chị H. là nạn nhân vụ phỏng cồn y tế trong lúc nhóm lửa để nấu thức ăn hồi đầu tháng 3-2025. Chị bị phỏng toàn bộ vùng mặt và tứ chi, phải phẫu thuật ghép da nhiều lần.
Tai nạn không báo trước
Nằm trên giường bệnh, chị H. cho biết: “Hôm đó, tôi nhóm lò than để chuẩn bị nấu nồi lẩu. Tôi dùng quạt nhưng không thấy khói, cũng không thấy lửa nên đã lấy bình cồn y tế chế vào lò than. Không ngờ, một đốm lửa nhỏ bên dưới đã bắt lửa phựt lên rồi gây nổ bình cồn. Do tôi cầm bình cồn nên bị phỏng nặng nhất, em trai tôi đứng gần đó cũng bị nặng còn anh tôi bị nhẹ hơn”.
Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng khi nhớ lại cảnh hôm gặp nạn, anh P.V.H (SN 1995, em trai chị H.) giọng vẫn còn run: “Hôm đó tôi đến nhà chị H. để cả gia đình cùng nấu ăn. Lúc chị đổ cồn vào bếp thì tôi đứng gần đó. Khi vừa nghe tiếng nổ, tôi đã thấy người mình bị phỏng nặng do lửa cồn gây ra”. Nhẹ hơn chị gái nhưng anh H. vẫn bị phỏng toàn bộ hai chân, một phần tay và ngực.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho chị N.T (SN 2001, quê Đồng Nai). Chị bị phỏng cồn 42% kèm theo phỏng hô hấp nên được theo dõi đặc biệt. Lúc T. nhập viện, người nhà cho biết mọi việc là do chị đổ cồn vào đĩa để nướng thức ăn. Do ngọn lửa trắng xanh chưa tắt hẳn, chị không để ý, vừa chế thêm cồn vào thì lửa bùng lên. Hoảng quá, chị ném bình cồn nhưng không may trúng vào người, bị phỏng nặng.

Một bệnh nhân bị phỏng cồn y tế đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Nhiều năm trước, chị T.N.V (SN 1995, ngụ TP HCM) cũng là nạn nhân một vụ phỏng cồn ở quán lẩu tại quận Bình Tân, TP HCM; phải điều trị nhiều tháng liền. Sáng hôm đó, chị nhận bằng cử nhân. Sau lễ tốt nghiệp, gia đình chị đến quán lẩu gần nhà tổ chức ăn mừng.
“Trong bữa ăn, nhân viên quán thấy lửa yếu nên mang chai cồn nước đến châm thêm. Khi nhân viên vừa bóp chai cồn thì lửa phựt mạnh nên hoảng hốt ném trúng người tôi. Bị phỏng vùng mặt và ngực, tôi phải điều trị nhiều tháng. Dù không để lại di chứng nhiều nhưng bây giờ tôi thấy bếp cồn là ám ảnh” – chị V. nhớ lại.
Phỏng cồn, gas gia tăng
Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn liên quan việc người dân sử dụng bếp cồn, bếp gas để nấu thức ăn hoặc khi san chiết gas đã xảy ra. Rất nhiều người bị phỏng toàn thân và có trường hợp nặng đã tử vong.
Thống kê mới nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy phỏng cồn và phỏng gas chiếm gần 22% số vụ nhập viện điều trị. Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Lộc, Khoa Phỏng – Bệnh viện Chợ Rẫy, nguyên nhân phỏng là do tai nạn lao động hoặc tai nạn sinh hoạt. Nhóm phỏng do tai nạn lao động chủ yếu là từ san chiết gas.
“Tuy nhiên, số vụ phỏng cồn, phỏng gas do tai nạn sinh hoạt lại chiếm con số áp đảo. Các vụ tai nạn sinh hoạt thì nạn nhân thường bị phỏng nhẹ hơn do chỉ là bếp cồn với lượng cồn ít hoặc bếp gas mini, song thường kèm theo tổn thương do các mảnh kim khí từ bình gas nổ gây ra. Phỏng gas và cồn trong tai nạn sinh hoạt chủ yếu là trên bàn tiệc. Ngoài việc bị phỏng gas và cồn, nhiều người còn bị phỏng nước sôi” – bác sĩ Lê Văn Lộc cho biết.
Đáng lưu ý, khi chế cồn vào bếp mà lửa phựt lên thì theo phản ứng, nhiều người sẽ vung ném bình cồn trúng những người xung quanh. Do đó, những người ngồi gần thường bị phỏng nặng hơn. Một số trường hợp bị phỏng còn do cồn khô gây ra. Nhiều bệnh nhân cho hay do trong bếp còn cồn và lửa, nhân viên quán ăn thả cồn khô vào gây cháy, làm khách bị phỏng.
Khi bị phỏng do cồn và gas, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Theo bác sĩ Lê Văn Lộc, đầu tiên, nạn nhân cần được loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây phỏng càng sớm càng tốt. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người, cởi bỏ quần áo bị cháy…
“Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị phỏng vào nước sạch càng sớm càng tốt, trong 30 phút sau khi gặp nạn. Nước để ngâm cần có nhiệt độ tiêu chuẩn từ 16-20 độ C. Tuy nhiên, vì là cấp cứu nên cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi nạn nhân gặp nạn. Không dùng nước đá vì sẽ gây nhiễm lạnh cho nạn nhân. Cũng không dùng nước ấm, có nhiệt độ cao vì ít có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau. Cần nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật, nhẫn, đồng hồ… trước khi phần cơ thể bị phỏng sưng nề. Vừa ngâm rửa vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây phỏng còn bám dính trên bề mặt da” – bác sĩ Lê Văn Lộc hướng dẫn.
Nạn nhân cần được ngâm nước cho tới khi hết đau rát, song không làm trợt vỡ vòm nốt phỏng và giữ ấm phần cơ thể không bị phỏng. Sau đó, che vùng phỏng bằng vật liệu sạch: gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn… và quấn phủ lên, rồi băng bó nhẹ bằng băng sạch; tránh băng bó quá chặt gây chèn ép vùng phỏng. Với vùng mặt và bộ phận sinh dục thì chỉ cần phủ một lớp gạc.
Các bác sĩ lưu ý nếu nạn nhân vừa bị phỏng vừa bị chấn thương hay gãy xương, cần cố định tạm thời vùng chấn thương và xương gãy trước khi đưa đến cơ sở y tế. Nếu nạn nhân phỏng kèm theo chấn thương cột sống thì cần vận chuyển trên ván cứng, cố định đầu nhằm hạn chế biến chứng xảy ra trên đường đưa tới cơ sở điều trị.
Cẩn trọng khi rò rỉ gas
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nhiều vụ rò rỉ gas tại gia đình cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều trường hợp nửa đêm phát hiện mùi gas thì theo thói quen, người dân sẽ bật đèn điện kiểm tra. Bác sĩ Lê Văn Lộc giải thích: “Khi chúng ta bật đèn điện thì phát sinh tia lửa điện nên sẽ bén gas gây cháy. Trường hợp phát hiện rò rỉ gas thì người dân nên mở cửa sổ và cửa chính, đưa người thân ra khỏi nhà rồi tìm cách khóa van gas để hạn chế rủi ro”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-4
Đọc bài gốc tại đây.