Tủ lạnh là nơi lý tưởng để bảo quản thực phẩm, nhưng không phải thứ gì cho vào đó cũng tốt. Đặc biệt với trái cây, nhiều người vô tư cho nguyên cả túi vào tủ lạnh sau khi mua về mà không biết rằng việc này có thể khiến một số loại trái cây hỏng nhanh hơn, giảm hương vị, mất chất dinh dưỡng và thậm chí còn có nguy cơ nhiễm khuẩn.
5 loại trái cây không nên bảo quản trong tủ lạnh
Dưới đây là 5 loại trái cây tuyệt đối không nên bảo quản trong tủ lạnh nếu không muốn vừa nhanh hỏng lại giảm dinh dưỡng lẫn hương vị:
Chuối

Ảnh minh họa
Chuối là loại trái cây điển hình dễ bị “cóng lạnh”. Nhiệt độ thấp khiến vỏ chuối nhanh chóng chuyển sang màu nâu đen, trong khi bên trong thì mềm nhũn và mất hết vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt, chuối chưa chín hoàn toàn mà đem bảo quản lạnh sẽ khiến quá trình chín bị ức chế, kết cấu bên trong trở nên bở, không ngon và dễ bị nát. Tốt nhất nên để chuối ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng gió. Chỉ khi chín hoàn toàn và muốn kéo dài thời gian sử dụng, bạn mới nên cân nhắc cho vào ngăn mát trong thời gian ngắn.
Xoài
Xoài là loại trái cây “chín sau”, nghĩa là sau khi thu hoạch, nó cần thời gian ở nhiệt độ phòng để chuyển hóa tinh bột thành đường, giúp tăng độ ngọt và mềm mại. Nếu bạn cho xoài còn xanh vào tủ lạnh quá sớm, xoài sẽ “không chịu chín”, thậm chí khi để lại bên ngoài cũng không đạt được kết cấu và hương vị như bình thường. Khi đã chín mềm, xoài mới có thể được cho vào tủ lạnh để bảo quản thêm vài ngày.
Đu đủ
Giống như xoài, đu đủ cũng cần thời gian để chín tự nhiên sau khi thu hoạch. Nếu đu đủ vẫn còn cứng, vỏ xanh mà bạn đã vội bỏ vào tủ lạnh, quả có thể bị ức chế quá trình chín, khi ăn sẽ có vị chát hoặc đắng, không ngọt như mong muốn. Ngoài ra, đu đủ chưa chín bảo quản lạnh còn dễ bị mềm nhũn bên trong và nhanh hư thối.
Dứa
Dứa có vẻ chắc chắn, nhưng lại rất dễ bị “sốc nhiệt” nếu bỏ lạnh sai cách. Khi dứa chưa chín mà đem bảo quản lạnh, phần thịt quả sẽ không thể ngọt được như mong đợi, thậm chí xuất hiện vết đen, mềm nhũn, lên men và nhanh mốc. Nếu dứa đã được gọt sẵn, bạn có thể để trong tủ lạnh một thời gian ngắn, nhưng không nên quá 1–2 ngày để tránh nhiễm khuẩn.
Hồng
Hồng là loại trái cây nhiều người nghĩ rằng cho vào tủ lạnh sẽ giữ được lâu, nhưng thực tế thì ngược lại. Hồng chưa chín mà đem lạnh sẽ khiến quả bị sượng, không mềm, không còn vị ngọt đặc trưng và thậm chí có mùi lạ. Ngoài ra, nhiệt độ thấp còn làm vỏ bị thâm, thịt quả sớm hư và mất chất dinh dưỡng. Để hồng ở nơi khô ráo, mát tự nhiên là tốt nhất.
Lưu ý khác khi bảo quản trái cây trong tủ lạnh
– Hãy phân loại trái cây ngay sau khi mua, loại nào cần chín tiếp thì để ngoài, loại đã chín mới nên bảo quản lạnh.
– Nhớ rằng trái cây nhiệt đới nếu cho vào tủ lạnh quá sớm, nhất là khi còn xanh, dễ bị mềm nhũn, đổi màu và nhanh thối.

Ảnh minh họa
– Dùng túi giấy, hộp thoáng khí hoặc màng bọc thực phẩm: Giúp tránh mất nước mà vẫn đảm bảo không khí lưu thông, tránh đọng hơi ẩm làm trái cây bị úng.
– Tránh để chung với rau củ có mùi mạnh: Trái cây dễ hấp thụ mùi, nên nếu đặt gần hành, tỏi, hoặc củ cải… chúng có thể bị lẫn mùi khó chịu, ảnh hưởng đến hương vị.
– Không chất đống hoặc để trái cây bị đè: Trái cây mềm dễ dập, khi bị dập sẽ nhanh thối. Tốt nhất nên xếp thành từng lớp mỏng hoặc để trong khay riêng.
– Nếu muốn trái cây chín nhanh hơn, có thể đặt cùng các loại quả chín khác trong túi giấy hoặc bọc khăn, nhờ khí ethylene thúc đẩy quá trình chín.
– Khi trái cây đã có mùi thối, vỏ thâm đen hoặc mềm nhũn, hãy mạnh dạn bỏ đi. Cắt bỏ phần mốc không giúp bạn tránh khỏi độc tố vi nấm đã lan rộng bên trong.
– Không bảo quản quá lâu, kể cả trong tủ lạnh: Trái cây chỉ nên được giữ lạnh từ 2-7 ngày tùy loại. Nếu để quá lâu, dinh dưỡng và hương vị sẽ giảm dần dù chưa thấy dấu hiệu hỏng rõ ràng.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, QQ
Đọc bài gốc tại đây.