Nội dung chính
Ngày 19/3 vừa qua, hai phi hành gia của NASA là Sunita Williams (59 tuổi) và Butch Wilmore (62 tuổi) đã trở về Trái Đất sau 9 tháng sinh sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Được biết, cả hai phi hành gia đã bị mắc kẹt trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau khi tàu vũ trụ Boeing của họ bị trục trặc không thể quay trở về trái đất. Sau đó, hai phi hành gia đã phải phải chờ tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX đến để bay trở về trái đất.
Theo Business Insider, chín tháng sinh sống trong không gian đã khiến cơ thể của phi hành gia Williams và Wilmore thay đổi.
Trong buổi họp báo sau khi hai phi hành gia đáp xuống Vịnh Mexico, Steve Stich, Giám đốc chương trình bay thương mại của NASA cho biết: “Hai phi hành gia cần phải thực hiện các biện pháp phục hồi cơ và tim mạch”.
Môi trường thiếu trọng lực, phải tiếp xúc với bức xạ cao hơn, chế độ ăn uống ngoài không gian và các sự kiện khác ở ngoài vũ trụ đã ảnh hưởng đến cơ thể của các phi hành gia theo nhiều cách khác nhau, và hai phi hành gia Wilmore và Williams cũng không ngoại lệ.

Hai phi hành gia trở về Trái Đất.
Nghiên cứu của của NASA về các phi hành gia ở lại ISS trước đây đã phát hiện ra rằng, sau khi sống ngoài không gian, cơ thể của phi hành gia có thể trải qua 8 thay đổi dưới đây:
1. Tăng nguy cơ mắc ung thư
Ở ngoài không gian, không có sự bảo vệ từ từ trường của trái đất, các phi hành gia phải tiếp xúc trực tiếp với bức xạ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở các phi hành gia.
NASA hiện giới hạn mức độ tiếp xúc bức xạ trong suốt cuộc đời của các phi hành gia ở mức 3.250 millisievert đối với nam giới, tương đương với khoảng 400 lần chụp CT bụng. Các phi hành gia nữ thường có nhiều mô dễ bị nhiễm bức xạ hơn, do đó giới hạn mức độ tiếp xúc bức xạ trong suốt cuộc đời của họ là 2.500 millisievert.
2. Các vấn đề về tim
Theo trang Today.com, NASA phát hiện rằng khi ở ngoài không gian, nhiều phi hành gia trải qua những thay đổi tương tự như quá trình lão hóa tim, chẳng hạn như động mạch cứng lại và thành động mạch dày lên .
Ngoài ra, theo nghiên cứu trên 12 phi hành gia, hình dạng trái tim của họ sẽ thay đổi thành hình cầu hơn trong điều kiện vi trọng lực, khiến tim hoạt động kém hiệu quả hơn.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các phi hành gia có nguy cơ cao mắc rung nhĩ – một tình trạng rối loạn nhịp tim.

Các phi hành gia có thể phải đối mặt với các vấn đề tim mạch.
3. Phù mặt
Khi ở trên trái đất, dưới tác động của trọng lực, các chất lỏng và máu sẽ di chuyển xuống dưới chân. Tuy nhiên, ở môi trường không trọng lực máu và các chất lỏng trong cơ thể sẽ di chuyển tự do. Các nhà khoa học cho biết, sau 1 năm sống ở ngoài không gian, lượng chất lỏng ở vùng đầu có thể khiến khuôn mặt của phi hành gia bị sưng.
4. Suy giảm thị lực
Chất lỏng di chuyển lên vùng đầu có thể khiến thị lực của phi hành gia bị suy giảm do áp suất trong não thay đổi. Chất lỏng gần dây thần kinh thị giác có thể đè lên phía sau nhãn cầu và gây ảnh hưởng tới thị lực.
Bức xạ không gian sâu cũng có thể thúc đẩy bệnh đục thủy tinh thể và làm suy yếu thị lực, trang Business Insider viết.
5. Xương yếu và giòn hơn
Các nhà nghiên cứu cho rằng môi trường vi trọng lực có thể ảnh hưởng đến các mô tạo xương.
NASA cho biết: “Các tế bào tạo xương sẽ hoạt động chậm lại, trong khi các tế bào hủy vẫn tiếp tục hoạt động ở tốc độ bình thường, do đó ở ngoài không gian, tốc độ phân hủy nhanh hơn tốc độ phát triển xương, khiến xương yếu và giòn hơn”.
Theo các chuyên gia nếu phi hành gia không tập thể dục khi ở ngoài không gian, họ có thể bị mất khoảng 12% mật độ xương trong một năm.

Các phi hành gia phải tập thể dục khi ở ngoài không gian để tránh bị mất cơ và xương.
6. Ảnh hưởng tới gen di truyền
Nghiên cứu trên cặp song sinh Scott Kelly (cựu phi hành gia của NASA) và người em sinh đôi tên Mark sống ở trái đất của NASA đã phát hiện ra rằng sau một năm sống ở ngoài không gian, khoảng 7% gen của Scott Kelly biểu hiện hơi khác so với Mark. Những hậu quả do biến đổi gen này vẫn đang được các nhà khoa học khám phá.
7. Teo cơ
Trong môi trường không trọng lượng, phi hành gia không cân sử dụng cơ bắp để di chuyển hay hoạt động. Điều này khiến các cơ teo đi. Để khắc phục tình trạng này, tất cả các phi hành gia đều phải tập thể dục mỗi ngày.
8. Thay đổi chiều cao
Trong môi trường vi trọng lực, các đĩa đệm giữa các đốt sống không bị đè nén. Điều này khiến chiều cao của các phi hành gia có thể tăng thêm khoảng 3%. Tuy nhiên, khi trở về trái đất, chiều cao có thể trở lại bình thường.
(Theo Business Insider, Today.com)
Đọc bài gốc tại đây.