Nội dung chính
“Bệnh nhân không có tiền cũng phải được cấp cứu”
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc kiêm nhiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đã chia sẻ câu chuyện về chính sách viện phí tại nơi ông từng và đang công tác.
Theo PGS Hiếu, ngay từ khi tham gia Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các lãnh đạo đã thống nhất chủ trương: Bệnh nhân không có tiền vẫn phải được cấp cứu. Thực tế cũng ghi nhận có trường hợp người bệnh không thanh toán viện phí, nhưng con số không nhiều.
“Phần lớn người bệnh và gia đình luôn tôn trọng những người đã chữa khỏi cho họ”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Khi giữ vai trò giám đốc bệnh viện, ông đã đưa ra quyết định bỏ quy định nộp tiền khám trước. Thay vào đó, bệnh nhân được vào thẳng phòng khám. Sau khi có chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh mới ra quầy viện phí để thanh toán một lượt.
“Ban đầu, nhiều người phản đối vì lo sợ bệnh nhân khám xong sẽ bỏ về mà không trả tiền. Nhưng tôi lý luận rằng nếu họ bỏ về, có thể họ không hài lòng với chất lượng khám bệnh, như vậy cũng là hợp lý. Thực tế đã chứng minh số người bỏ về sau khi vào khám là rất hãn hữu”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

PGS Nguyễn Lân Hiếu.
Thách thức bệnh viện phải đối mặt
Tuy nhiên, PGS Hiếu nhấn mạnh, tuyến Trung ương và tuyến dưới có nhiều khác biệt. Với kinh nghiệm điều hành ở cả hai cấp bệnh viện, ông hiểu rõ những thách thức hiện hữu.
Khi được mời về làm giám đốc kiêm nhiệm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, PGS Hiếu nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo tỉnh: “Không để bệnh nhân nghèo không được cấp cứu kịp thời”.
Theo ông, chỉ đạo này được toàn bệnh viện quán triệt nghiêm túc, song đây thực sự là một gánh nặng đối với các cơ sở y tế có nguồn thu chủ yếu từ bảo hiểm y tế (BHYT).
Vị PGS dẫn chứng trong 4 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận 55 ca không có thân nhân, trong đó có 9 bệnh nhân là người nước ngoài (1 người cư trú bất hợp pháp đã được báo cáo để trục xuất) và 10 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong số này có 11 trường hợp được điều trị thành công, bệnh nhân khoẻ mạnh xuất viện mà không đóng bất kỳ chi phí nào.
Ngoài ra còn có nhiều trường hợp bệnh nhân có người thân nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và cũng không thể chi trả viện phí nên phòng Công tác xã hội của bệnh viện và các nhà hảo tâm đã vào cuộc hỗ trợ.
“Số bệnh nhân trốn viện thì ngày nào cũng có. Tuy nhiên, chưa từng có nhân viên y tế nào phải bỏ tiền túi để bù vào phần viện phí thất thu. Nếu có xử lý kỷ luật thì cũng vì thái độ chưa phù hợp, vi phạm quy trình, hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả. Mức xử lý dao động từ phê bình, trừ thu nhập tăng thêm, điều chuyển vị trí công tác, đến nặng nhất là buộc thôi việc”, ông Lân Hiếu cho biết.
Từ những ví dụ cụ thể, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định: “Bệnh viện công lập vẫn đang là điểm tựa cuối cùng cho người nghèo và người yếu thế“.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng hệ thống y tế đang quá tải, nguồn lực hạn chế, thủ tục hành chính chồng chéo, trong khi chính sách tự chủ bệnh viện gây áp lực ngày càng lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều ca cấp cứu bị trì hoãn, bị hiểu nhầm là “không có tiền thì không được cứu”, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là nguy cơ chẩn đoán và điều trị không chính xác do thiếu điều kiện chuyên môn.
“Chúng tôi không cần sự thương hại”
Từ thực tiễn điều hành, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng điều cần thiết nhất hiện nay là nâng cao chất lượng phòng cấp cứu, không chỉ về năng lực chuyên môn mà còn về cả cơ chế hoạt động. Cụ thể như sau:
– Cần xây dựng quy trình cấp cứu – hồi sức phù hợp với năng lực từng tuyến, thậm chí từng bệnh viện.
– Cần có chủ trương “bù lỗ” cho các đơn vị cấp cứu – hồi sức vì đây là khu vực không thể áp dụng mô hình tự chủ tài chính. Nếu có thất thu, đơn vị cần được ngân sách địa phương hoặc chính bệnh viện chi trả sau khi kiểm toán định kỳ.

Vụ hành hung bác sĩ tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Nam Định. (Ảnh chụp từ clip)
PGS Lân Hiếu cũng đề nghị pháp luật cần xử lý nghiêm những hành vi hành hung nhân viên y tế – điều vẫn thường xuyên xảy ra ở nơi “ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc”.
“Các bạn thử đặt mình vào vị trí của chúng tôi khi xem những đoạn clip ghi lại cảnh đồng nghiệp bị bạo hành thể xác và tinh thần trong lúc đang cứu chữa cho người thân của họ”, ông nói.
“Chúng tôi không cần sự thương hại. Ngành Y tế cần hướng đến sự chuyên nghiệp và tường minh. Trước những kẻ vô lương tri, chúng tôi sẵn sàng đoàn kết để đấu tranh đòi lại lẽ công bằng”.
Đọc bài gốc tại đây.