Xem phim “Sex Education”, dừng lại vì một câu nói của nhân vật chính
Giống như nhiều người khác, tôi quyết định xem phim “Sex Education” đơn giản chỉ vì sự tò mò. Khi thấy phim có lượt xem ‘khủng’ trên Netflix, tôi thực sự muốn biết nội dung của phim là gì mà lại có sức hút lớn đến vậy.
Và bộ phim này của Netflix đã khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng đây là một bộ phim hài lãng mạn thông thường, nhưng không, phim nhắc tới nhiều vấn đề giữa cha mẹ và con cái, về cách đối nhân xử thế và về tầm quan trọng của sự trung thực trong cuộc sống.
Trong phim “Sex Education”, nhân vật chính Otis Milburn – một nam sinh tại trường trung học Moordale – đã có rất nhiều câu nói thấm thía. Một trong những câu nói của cậu khiến tôi phải dừng lại khi xem phim đó là: “Ai cũng có khuyết điểm, và cơ thể chúng ta có những điều chúng ta không thể kiểm soát. Nhưng chúng ta luôn có thể kiểm soát việc trung thực.”

Otis Milburn đã có rất nhiều câu nói thấm thía trong phim “Sex Education”.
Thực vậy, khi chúng ta chọn cách sống trung thực, chúng ta có thể nhận lại những món quà tuyệt vời mà chính chúng ta còn không nghĩ tới. Đặc biệt là trong các mối quan hệ thân tình, sự trung thực sẽ giúp nuôi dưỡng lòng tin, thúc đẩy giao tiếp cởi mở và gắn kết bền chặt hơn. Nó tạo ra một không gian an toàn để thể hiện cảm xúc và khuyến khích giải quyết xung đột lành mạnh.
Tôi hiểu rõ điều này, vì chính con gái của tôi đã dạy cho tôi một bài học liên quan đến sự trung thực cách đây 6 năm. Nghe câu nói của Otis, tôi lập tức nhớ đến chuyện cũ. Giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe.

Phim “Sex Education” ẩn chứa nhiều bài học về các mối quan hệ gia đình. Trong ảnh là nhân vật Maeve Wiley và em gái Elsie trong phim “Sex Education”.
Sự trung thực đã giúp mẹ con tôi hiểu nhau hơn
Cách đây 6 năm, khi con gái tôi lên 5, tôi bắt đầu cho con học đàn piano. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình có khiếu âm nhạc nên rất trông chờ các con của tôi cũng có hứng thú với nhạc cụ.
Thế nhưng, sau vài buổi học, tôi và giáo viên nhận ra con gái tôi không có khả năng cảm thụ nhịp điệu như các bạn khác. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng luyện tập cùng con hằng ngày, ngồi cạnh con để cổ vũ. Thú thực, đã có lúc tôi hoảng sợ vì thấy con không có năng khiếu trong chuyện chơi đàn. Cả hai mẹ con đều rất căng thẳng mỗi khi cùng nhau luyện tập.
Sau khi học đàn được một năm, hai mẹ con tôi cùng nhau ngồi xem phim “Happy feet” – nói về một chú chim cánh cụt tên là Mumble. Trong phim, Mumble có một vấn đề là không thể hát được một nốt nhạc nào – trong một thế giới mà chim cánh cụt cần hát để thu hút bạn tình. Xem được nửa phim, con gái nhìn sang tôi và hỏi: “Mẹ ơi, con có giống Mumble không?”
Câu hỏi này của con khiến tôi khựng lại. Tôi kinh ngạc khi thấy chính con, dù còn rất nhỏ, cũng hiểu được rằng mình có khả năng hạn chế về âm nhạc. Hết kinh ngạc, tôi chuyển sang hoang mang. Tôi không biết phải trả lời con thế nào. Liệu tôi nên nói cho con sự thật và ảnh hưởng tới lòng tự trọng của con? Hay tôi nói dối để con học đàn tiếp như tôi mong muốn?
Tôi đã chọn nói sự thật. “Đúng vậy, con khá giống Mumble”, tôi trả lời con gái.

Sự trung thực có thể giúp ta có cái nhìn đúng đắn về bản thân. Trong ảnh là nhân vật Cal Bowman trong phim “Sex Education”.
Trước sự bất ngờ của tôi, con gái tôi bỗng cười tươi, nhận ra rằng suy đoán của con đã đúng. Đó là lúc tôi nhận ra, sự trung thực này là đúng đắn.
Con gái tôi nghỉ học piano sau 1 năm cố gắng – và tất cả mọi người đều nhẹ nhõm. Con gái tôi vẫn thích âm nhạc, sẵn sàng hát theo radio và không bao giờ xấu hổ về điều đó.
Nhờ đưa ra một câu hỏi bất ngờ, con gái đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời: “Đôi khi, sự trung thực sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể tốt ở mọi thứ, và điều quan trọng là phải nhận ra chúng ta giỏi ở đâu, chưa giỏi ở đâu để có những quyết định khôn ngoan”.
Đây là điều tôi vẫn luôn nói với con trong suốt quá trình nuôi dạy con, với hy vọng con sẽ có thể trung thực với bản thân và với người khác. Nhờ vậy, con sẽ phát triển tốt hơn, tự tin hơn và có những mối quan hệ bền chặt hơn.
Điều quan trọng không kém khi tôi quyết định nói thật với con là điều đó giúp củng cố sự tin tưởng giữa hai mẹ con tôi. Khi ấy, con biết tôi sẽ không lừa dối con chỉ để con làm theo ý muốn của mình. Khi ấy, con hiểu tôi tôn trọng sở thích và quyết định của con, thực sự mong muốn con được làm những gì con giỏi nhất.
Đến nay, khi con gái tôi đã bước sang tuổi 11, hai mẹ con vẫn giữ được mối quan hệ trung thực và tôn trọng. Các quyết định chọn trường, chọn lớp, chọn hoạt động ngoại khóa, hay thậm chí là chọn quần áo, đồ dùng học tập, đều được hai mẹ con thảo luận một cách cởi mở. Tôi tin rằng trung trực và chân thành sẽ là nền tảng tốt cho bất cứ mối quan hệ nào, kể cả mối quan hệ với những người xung quanh và mối quan hệ với chính mình.
Đọc bài gốc tại đây.