Tôi có một cậu con trai đang học lớp 9. Vợ chồng tôi chia tay đã được 3 năm và con ở với tôi. Những ngày gần đây, tôi thấy con thường không quan tâm tới bất cứ điều gì tôi nói. Dù cho tôi có làm gì, con cũng phớt lờ tôi. Tâm sự chuyện này với một người bạn đồng nghiệp, tôi đã được khuyên thử xem phim “Sex Education”. Bởi đây là một bộ phim khai thác rất nhiều thông tin về lứa tuổi ẩm ương như con trai tôi. Thế rồi xem phim “Sex Education” mới tới tập 3, tôi đã tìm ra câu trả lời cho điều mà tôi thắc mắc bấy lâu nay. Hóa ra không phải tự dưng mà con phớt lờ tôi. Chỉ là con đang bị tổn thương sau khi bị tôi mắng là “đứa vô ơn”. Chỉ là con đang học cách tự bảo vệ mình.
Xem phim Sex Education, tôi đau nhói khi nghĩ tới con
Phân đoạn khiến tôi phải dừng lại ở tập 3 của phim “Sex Education” là phân đoạn Otis dẫn Maeve về nhà sau khi Maeve làm xong thủ thuật với cái thai ngoài ý muốn. Lúc này, cả hai nhân vật đều đã nảy sinh sự yêu mến đối phương nhưng đều chưa dám thổ lộ. Otis lúng túng, rụt rè làm thân với Maeve nhưng cô gái ấy luôn cố tỏ ra mình không cần sự quan tâm của người khác. Khi nhận thấy sự chân thành của Otis, Maeve cũng đã lần đầu tiên tiết lộ về hoàn cảnh gia đình mình. Hóa ra cô là đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi và phải tự lớn lên một mình. Mẹ của cô là một người nghiện ngập còn anh trai cô thì lông bông, không đáng tin cậy. Cô tuyệt nhiên không nhắc tới bố.

Phân đoạn Otis đưa Maeve về nhà (Ảnh: Netflix).
Sau khi nghe Maeve thổ lộ, Otis rất bất ngờ và tỏ ra thương cảm. Nhưng ngay lập tức, Maeve lại dùng chính sự lạnh băng của mình để chống lại sự ấm áp ấy từ Otis. Maeve hệt như một con nhím xù lông lên không phải trước những điều nguy hiểm mà ngay từ tình yêu thương. Có lẽ, cô không muốn lại bị tổn thương thêm một lần nữa.
Nhìn thấy hình ảnh của Maeve lúc ấy, tôi dừng phim lại ngay lập tức. Tim tôi nhói lại khi nghĩ tới con trai tôi.
Sau khi vợ chồng tôi ly hôn, con tôi không còn ríu rít kể chuyện, gần gũi với tôi nhiều như trước. Con trầm lặng hơn, ít nói hơn. Những thói quen, sở thích của con cũng thay đổi. Lo con bị khủng hoảng, tôi đã nhờ bạn bè con và thầy cô quan tâm tới con hơn. Tôi cũng cố gắng dành nhiều thời gian cho con. Nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ, lạnh lùng. Có một lần, con bị điểm kém trên lớp nhưng không nói với tôi. Sau khi biết tin, tôi đã về nhà hỏi con. Nhưng con vẫn chỉ im lặng. Điều đó đã khiến cơn giận giữ của tôi lên tới đỉnh điểm. Tôi mắng con: “Đúng là đứa vô ơn. Mẹ lo cho con từng ly từng tí, mà con chỉ biết lờ mẹ đi!”. Lúc ấy, con chỉ im lặng và quay mặt đi. Còn tôi thấy mình như bị loại ra khỏi cuộc sống của chính con ruột mình.
Con cũng cần thời gian để chữa lành
Xem phim “Sex Education”, khi nghe Maeve nói với Otis rằng với hoàn cảnh gia đình như vậy, cô đã học cách tự lo cho mình từ nhỏ. Tôi nhận ra rằng, những thay đổi của con trai tôi gần đây cũng là do con đang tự học cách lo cho chính mình. Con cũng như tôi, cũng cần có thời gian thích nghi sau biến cố. Còn tôi quá nóng vội khi bắt con phải bình thường trong khi tôi còn chưa ổn định. Cái “vô ơn” mà tôi từng trách con, thực ra là cơ chế phòng vệ. Theo Healthline, cơ chế phòng vệ đề cập đến các chiến lược hoặc hành vi tâm lý mà mọi người có thể sử dụng để đối phó với những cảm xúc, suy nghĩ hoặc sự kiện khó khăn. Ở con tôi, nó đã chọn cách “không làm phiền mẹ” bằng cách thu mình lại.

Maeve trong “Sex Education” là một cô bé đầy tổn thương (Ảnh: Netflix)
Tôi nhận ra tôi phải thay đổi.
Tôi cố gắng không hỏi han dồn dập, không can thiệp vào chuyện trường lớp, bạn bè của con. Tôi không cố lý giải, không nói nhiều. Tôi chỉ cố dành thật nhiều thời gian bên con, bình thường hóa cuộc sống chỉ có hai người. Tôi cùng con vào bếp, cùng đi mua sắm. Thỉnh thoảng, tôi rủ con đi xem những bộ phim đang “hot”, cùng con đi ăn tiệm, cùng con đi đạp xe đạp đôi vào cuối tuần. Tôi nói ít đi, chỉ lặng lẽ bên con. Và cuối cùng, con tôi cũng đã vui vẻ trở lại và tiếp tục thủ thỉ, tâm sự với tôi. Thật may mắn vì cuối cùng tôi đã lấy lại được lòng tin từ con. Tôi hiểu rằng để con mở lòng trở lại không cần những lời giảng giải, mà cần một người đủ kiên nhẫn ở bên, không làm tổn thương thêm. Và lần này, tôi đã chọn làm người đó.
Đọc bài gốc tại đây.