Nhưng đây là lần đầu tiên xem phim “Sex Education” tôi nghĩ tới bố và gật gù thừa nhận: Một lời nói hoàn toàn có thể thay đổi một mối quan hệ.
Nhớ tới bố khi xem phim “Sex Education”
Nhân vật khiến tôi ấn tượng nhất ở bộ phim “Sex Education” chính là Michael Groff, bố của Adam Groff. Ông là một người bố đầy lạnh lùng, hay phán xét, có phần gia trưởng và áp đặt. Mỗi khoảnh khắc ông xuất hiện trên phim như kéo theo một luồng không khí căng cứng, im lặng, đầy áp lực. Cách ông nuôi dạy Adam là một chuỗi dài những mệnh lệnh không lời và kỳ vọng đè nặng. Trong tâm lý học, phong cách nuôi dạy con kiểu này được gọi là nuôi dạy độc đoán (authoritarian parenting).

Hai nhân vật Michael Groff và Adam Groff trong phim “Sex Education” (Ảnh: Netflix).
Thế nhưng, khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, chức hiệu trưởng không còn và khi ông nhận ra mình đã bỏ lỡ con trai trong suốt những năm tháng quan trọng nhất, Michael đã thức tỉnh. Ông bắt đầu học cách lắng nghe, học cách thừa nhận mình không hoàn hảo và trên hết học cách làm một người cha. Lần đầu tiên ông dám thừa nhận tình yêu của mình với con: “Adam, bố rất quý con. Bố rất thương con”. Câu nói này đã giúp mối quan hệ của bố con Adam trở nên tích cực hơn.
Xem đến phân đoạn này, đầu tôi cũng văng vẳng câu nói của bố tôi – câu nói đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa bố con tôi.
Tôi từng nghĩ bố tôi là người vô cảm
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo khó. Từ bé, tôi đã quen với việc lớn lên mà không có bố bên cạnh. Bố tôi thường đi làm xa nhà. Một năm, số lần ông về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng cũng chính nhờ sự vất vả đó của bố, tôi được sống trong điều kiện khá khẩm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng tôi luôn thui thủi một mình, rất ít bạn bè dám đến nhà tôi chơi. Họ sợ bố tôi, giống như tôi sợ chính người bố đẻ của mình.
Bố tôi là một người rất nghiêm khắc. Mỗi lần ông về nhà, tôi cảm giác như mình không dám thở mạnh. Tôi làm gì cũng đều bị bố nhắc nhở. Từ việc đi dép phát tiếng kêu loẹt quẹt, ăn cơm nhai nhóp nhép, phơi khăn mặt không phẳng phiu đến cả việc gọi em gái mình là “nó”, tôi đều bị bố mình “chấn chỉnh”. Từ nhỏ, tôi chưa từng thấy bố nói bất cứ lời yêu thương nào với tôi. Nghe bạn bè kể thường được bố mẹ cưng nựng, tôi thấy ghen tị. Tôi từng nghĩ bố mình là người vô cảm.

Xem phim “Sex Education” khiến tôi nhớ tới bố của mình (Ảnh: Netflix).
Thế rồi một đêm, khi tôi đang học lớp 11, mẹ tôi bỗng đau bụng quằn quại. Các bác trong nhà vội đưa mẹ tôi đi cấp cứu. Mẹ tôi bị đau ruột thừa, phải mổ gấp.
Sáng sớm hôm sau, bố tôi về nhà. Ông nói ông sẽ vào viện ngay với mẹ. Tôi nhất quyết theo bố vào viện. Khi đến viện, bố tôi vội vàng chạy tới giường bệnh của mẹ tôi. Mẹ tôi nằm đó, gầy gò, khuôn mặt nhăn nhó vì thuốc giảm đau đang dần hết tác dụng. Hình ảnh đó đã khiến bố tôi bật khóc nức nở. Lúc đó, tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên tôi thấy bố mình khóc. Nhìn vào bàn tay rám nắng, chai sần của bố đang nắm chặt tay mẹ, mắt tôi cũng nhòa đi. Bấy lâu nay bố tôi đã vất vả nhường nào để lo cho mẹ con tôi một cuộc sống đủ đầy nhưng tôi lại chỉ nghĩ những điều không tốt đẹp về bố. Tôi ôm lấy lưng bố, nói trong tiếng nấc: “Bố ơi con sai rồi. Con thương bố, con yêu bố lắm!”. Bố tôi bất ngờ quay lại, gương mặt ông ướt nhòa nước mắt. Lần đầu tiên, tôi thấy ông cười hiền hậu. Một tay ông vẫn nắm tay mẹ tôi, tay còn lại ông xoa đầu tôi và nói: “Bố xin lỗi mấy mẹ con. Bố cũng yêu mấy mẹ con nhiều lắm!”.
Và sau đó, bố tôi không nhận những công việc xa nhà nữa. Gia đình tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ, bố tôi ở nhà phụ mẹ bán hàng và làm vườn. Câu nói trên của bố tôi đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của bố con tôi. Tôi mở lòng với bố hơn, bắt đầu kể với bố mọi thứ trong cuộc sống. Lần nào ông cũng nheo mắt cười, chêm thêm vài câu hài hước. Hóa ra, bố tôi tuyệt vời hơn tôi từng tưởng. Hóa ra một câu nói có thể thay đổi mọi thứ.
Xem phim “Sex Education” khiến tôi nhận thấy, Michael – cũng như bố tôi – có thể thay đổi. Nhưng trước tiên, họ cần một cánh cửa mở ra từ phía chúng ta, những đứa con.
Đọc bài gốc tại đây.