Xem phim “Sex Education”, ấn tượng với câu nói của nhân vật chính
Trải nghiệm xem phim “Sex Education” của tôi có nhiều cảm xúc đa chiều. Có lúc, các tình huống trong phim khiến tôi cười không ngừng. Có lúc, tôi lại khóc khi thấy những nhân vật mình thích trải qua tổn thương và sang chấn. Có lúc, những câu nói đắt giá trong phim lại khiến tôi nhớ đến gia đình và bài học mình đã học được từ cha mẹ.
Một trong những câu nói cực ý nghĩa khiến tôi phải dừng lại suy ngẫm là câu nói của nhân vật chính Otis – một học sinh tại trường trung học Moordale. Trong phim “Sex Education”, Otis là một thiếu niên thông minh, lịch sự, ‘mọt sách’. Cậu là một người ngọt ngào, hướng nội, hay lo lắng và vụng về trong giao tiếp xã hội.

Otis là một trong những nhân vật chính của phim “Sex Education”.
Thế nhưng, chàng thiếu niên này lại có rất nhiều câu nói sâu sắc trong “Sex Education”, điển hình là: “Đôi khi, những người chúng ta thích lại không thích lại chúng ta, và chúng ta chẳng thể làm gì về điều đó.”
Điều mà Otis đang ám chỉ chính là tình đơn phương. Tất cả chúng ta đều từng trải qua điều đó. Hàng ngàn bài hát, bài thơ, và vở kịch đã được viết ra để nói về nỗi đau khổ mang tên “tình đơn phương”. Và nó đau đớn theo một cách rất riêng – ít có điều gì trong đời sánh được.

Otis và mẹ trong phim “Sex Education”.
Nghe câu nói này của Otis, tôi lập tức nhớ đến một câu nói tương tự của bố tôi cách đây 4 năm. Nhờ câu nói ấy, tôi đã sực tỉnh!
Câu nói của bố khiến tôi sực tỉnh
Cách đây 4 năm, tôi đang là một cô sinh viên năm hai đại học, bắt đầu khám phá cuộc sống theo cách riêng của mình. Là người năng động, tôi đăng ký rất nhiều câu lạc bộ ở trường, thậm chí còn xin đi làm thêm cuối tuần ở một cửa hàng tiện lợi. Tôi chỉ về nhà khi trời đã tối, hầu như lúc nào cũng ở ngoài đi học, đi làm và tham gia các hoạt động nhóm.
Cuộc sống năng động không chỉ giúp tôi củng cố thêm nhiều kỹ năng mềm mà còn giúp tôi quen được nhiều bạn bè mới – trong đó có một người khiến tôi đặc biệt chú ý.
Cậu ấy là sinh viên trường khác nhưng cũng đi làm thêm giống tôi. Đi làm cùng nhau, tôi nhận thấy cậu ấy có nhiều sở thích giống mình. Chúng tôi có thể nói chuyện hàng giờ liền ở nơi làm việc mà không biết chán. Những dịp lễ như 8/3, cậu ấy tặng cho tôi những món quà nhỏ, ví dụ như một lon cà phê, một bông hoa hay một cuốn sổ, làm tôi rất vui mừng.

Ảnh minh họa
Từ lúc nào không hay, tôi bắt đầu quan tâm đến cậu ấy nhiều hơn. Tôi đăng ký làm tăng ca, với hy vọng ca của tôi sẽ trùng với ca của cậu. Mẹ tôi thấy con gái có lịch trình dày đặc, thường khuyên tôi nghỉ làm để tập trung cho việc học và nghỉ ngơi. Thế nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi lấy lý do: “Con cần đi làm để tích lũy kinh nghiệm”. Và mẹ tôi không can thiệp nữa (dù bà không thực sự hài lòng với chuyện tôi đi sớm về khuya).
Ngược lại, bố tôi rất ủng hộ quyết định của con gái. Ông nói ông muốn tôi có thật nhiều trải nghiệm thời sinh viên, để sau này đi làm có thể vững vàng và tự tin hơn. Ông nói ông tin tôi sẽ biết cân đối giữa việc học và việc làm – và sẽ biết cách vượt qua khó khăn thử thách.
Thế nhưng, tôi đã làm ông thất vọng.
Trong một buổi tối đi làm thêm, tôi dồn hết dũng cảm để tỏ tình với cậu bạn trai kia. Tôi có cảm nhận cậu cũng thích tôi, vậy nên tôi quyết định là người mở lời trước. Tôi hẹn cậu ra ngoài một lát, tặng cậu một chiếc áo sơ mi mà tôi tiết kiệm tiền lương 2 tháng mới mua được. Sau đó, tôi nói thật với cậu cảm xúc của mình.
Và cậu cũng nói thật với tôi – rằng cậu có người yêu rồi, rằng cậu chỉ coi tôi là đồng nghiệp, không hơn không kém.
Giây phút ấy, tôi đứng vững nhưng trong lòng vỡ tan. Tôi cố gắng để không khóc, nhưng tôi nhận ra mình đang gào thét trong lòng. Hóa ra, bấy lâu nay chỉ mình tôi ảo tưởng, tất cả cảm xúc này chỉ đến từ phía tôi.
Không để cậu nói hết, tôi chạy vội về nhà. Từ hôm đó trở đi, tôi không bao giờ quay trở lại chỗ làm thêm nữa.
Vì quá buồn bã, tôi chỉ suốt ngày ru rú trong phòng. Mẹ liên tục hỏi có chuyện gì, nhưng tôi chỉ nói dối là “con ốm”. Bố thì im lặng, chỉ đứng ngoài quan sát tôi. Tôi cố né tránh ánh mắt của ông, tôi sợ sẽ làm ông buồn khi biết rằng tôi yếu đuối như vậy.
Một ngày cuối tuần, khi mẹ đi du lịch với bạn học cũ, bố rủ tôi đi dạo ở công viên gần nhà. Tôi không thể từ chối vì sợ ông biết tôi đang ‘thất tình’, do đó, tôi đã đồng ý, tiếp tục giả vờ mình ổn.
Buổi chiều hôm ấy trời nắng nhẹ, gió mát, bố không hỏi tôi điều gì. Ông chỉ kể chuyện về thời sinh viên của ông, về những lần ông đạp xe đi học 20 km, sau đó là đi làm thêm tại nhà hàng hải sản, và về cả mối tình đầu của ông. Ông nói đây là bí mật đến mẹ tôi cũng không biết – nhưng ông đã kể cho tôi nghe.
Đến lúc đó, tôi òa khóc. Tôi khóc vì nhận ra bố tôi đang cố gắng kết nối với tôi. Tôi cũng khóc vì nhận ra mình vẫn chưa quên được cậu ấy. Tôi khóc và vô thức kể hết với bố.
Lúc ấy, ông nói với tôi: “Con dũng cảm lắm. Con đã dám nói ra tình cảm của mình. Còn chuyện đối phương cảm thấy thế nào, con không thể thay đổi”.
Tôi vẫn khóc sau khi nghe ông khuyên, nhưng trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Tôi nhận ra mình không thể làm gì để thay đổi tình cảm của cậu bạn trai kia, vì thế đã đến lúc phải ngừng rên rỉ và đau buồn. Trong suốt một tháng qua, tôi đã bỏ bê chính mình, bỏ bê gia đình và những sở thích trước kia của tôi. Đã đến lúc phải tỉnh táo, lấy lại tất cả những thứ đó và bước tiếp.
Trên thực tế, chắc hẳn ai cũng đã từng có một lần “yêu đơn phương” trong đời. Tuy nhiên, bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó – ngoài việc chấp nhận, vượt qua, và tiếp tục đi tìm một người thật sự trân trọng bạn, sẵn sàng đón nhận tình yêu của bạn bằng vòng tay rộng mở và một nụ cười rạng rỡ.
Giờ đây, chỉ nhìn lại câu chuyện tình cảm sinh viên này, tôi mới nhận ra bố đã giúp đỡ tôi nhiều như thế nào. Nhờ sự quan tâm, tư vấn đúng lúc, đúng chỗ của ông, tôi có thể vượt qua thử thách tình cảm đầu đời, trở nên tỉnh táo hơn và dũng cảm hơn. Tôi đã đọc nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề này, trong đó nói rằng giao tiếp hiệu quả giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng để nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt, lành mạnh. Giao tiếp hiệu quả bao gồm đối thoại cởi mở, trung thực và đồng cảm, trong đó cả cha mẹ và con cái đều cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Giao tiếp kiểu này có thể xây dựng lòng tin, sự tôn trọng và tạo nên môi trường gia đình tích cực.
Tôi thầm cảm ơn bố vì đã liên tục khuyến khích và khen ngợi tôi, vì điều này có thể thúc đẩy lòng tự trọng của một đứa trẻ và khuyến khích giao tiếp nhiều hơn.
Ngoài ra, trẻ em học bằng cách quan sát cha mẹ. Việc bố tôi làm – lắng nghe mà không phán xét – giúp tôi hiểu được thế nào là giao tiếp lành mạnh và lợi ích của nó trong việc vượt qua các thách thức trong cuộc sống.
Đọc bài gốc tại đây.