Bộ phim về giới tính và bài học về nhân cách con người
Nhiều người khi nhắc đến bộ phim “Sex Education” thường chỉ nhớ tới những câu chuyện giới tính và những tình huống hài hước tuổi học trò. Thế nhưng, với tôi, đây là một bộ phim đáng để mọi bậc cha mẹ dành thời gian suy ngẫm.
Bởi phía sau những câu chuyện ấy là một bài học lớn về cách làm người mà rất nhiều gia đình đang vô tình bỏ quên khi nuôi dạy con trai.
Vì sự tò mò và những lời khen ngợi từ bạn bè, tôi quyết định dành thời gian xem hết 4 phần của bộ phim. Tôi đã “cày” suốt 4 tuần, mỗi ngày dành vài giờ vào buổi tối muộn để theo dõi câu chuyện.
Những tình tiết trong từng phần đều lôi cuốn, đặc biệt là cách bộ phim khắc họa tâm lý của các nhân vật. Otis Milburn – cậu học sinh cấp 3 sống với mẹ là bác sĩ tâm lý chính là hình mẫu cho những cậu bé đang lớn lên trong xã hội hiện đại.
Otis nhạy cảm, thông minh nhưng thường xuyên lúng túng khi đối diện với chính mình và các mối quan hệ xung quanh. Cậu đại diện cho một thế hệ con trai bị dạy phải mạnh mẽ, nhưng lại không biết cách xử lý cảm xúc và chịu trách nhiệm với hành động.

” Sex Education” còn đào sâu vào những tổn thương tâm lý mà con trai phải chịu đựng từ gia đình và xã hội. Có những nhân vật, dù bề ngoài cứng cỏi, nhưng sâu bên trong là sự cô đơn, sợ hãi và thiếu kỹ năng ứng xử. Họ lớn lên mà không ai hướng dẫn rằng, làm đàn ông không chỉ là mạnh mẽ, mà còn phải biết đối diện với lỗi lầm và cảm xúc thật.
Nhân vật Adam Groff là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Là con của hiệu trưởng nghiêm khắc, Adam bị kìm kẹp suốt tuổi thơ, dẫn đến tính cách nóng nảy, bạo lực và bất cần.
Cậu phải trải qua vô số sai lầm, mất đi người mình yêu thương và tự làm tổn thương bản thân, mới nhận ra giá trị thật sự của việc chịu trách nhiệm với chính mình.
Chính những nhân vật như Adam khiến tôi giật mình tự hỏi: Liệu con trai mình lớn lên có đang rơi vào trạng thái ấy?
Nếu chỉ dạy con phải giỏi giang, phải cứng rắn mà không hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc, nhận lỗi và sửa sai, sớm muộn con cũng thất bại giữa đời.
Dạy con trai bản lĩnh từ việc đối diện với sai lầm và cảm xúc
Sau khi xem 4 phần bộ phim ” Sex Education” , tôi quyết định thay đổi cách dạy con trai mình.
Trước đó, tôi từng cho rằng, con trai thì phải biết nhịn, phải hơn bạn bè, không được phép yếu đuối. Nhưng hóa ra, chính suy nghĩ đó khiến các con dễ tổn thương và mất khả năng kiểm soát khi gặp biến cố.
Tôi nhớ có lần, con bị bạn trêu chọc ở trường, về nhà tức giận đập vỡ chiếc cốc thuỷ tinh. Bình thường tôi sẽ phạt hoặc bắt con xin lỗi rồi cho qua. Nhưng lần đó, tôi ngồi xuống và hỏi: “Con có thể kể cho mẹ chuyện gì làm con khó chịu đến thế không?”.
Điều bất ngờ là con trai tôi vừa kể vừa khóc. Con nói bị bạn bè trêu về chiều cao, về học lực, con tức giận nhưng không dám cãi lại ở trường.

Tôi nhận ra, bao lâu nay mình chưa cho con quyền được buồn, được bày tỏ sự tổn thương, mà chỉ yêu cầu con phải mạnh mẽ. Từ đó, tôi tập cho con biết cách nhận lỗi và đối diện với sai lầm. Khi con làm vỡ đồ hay mắc lỗi, tôi không còn quát tháo mà hỏi con muốn giải quyết thế nào, có dám nhận lỗi với người khác không.
Trong phim, nhiều nhân vật nam lớn lên với tâm lý kìm nén, không dám nói ra nỗi sợ hãi, lo lắng hay tình cảm thực sự. Họ chỉ biết giải tỏa bằng cách gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác.
Điều này nếu kéo dài sẽ tạo nên một thế hệ đàn ông lạnh lùng, dễ đổ vỡ và bất an. Thống kê tại nhiều quốc gia cho thấy, tỷ lệ trầm cảm và tự tử ở nam giới ngày càng cao vì họ không biết cách giải tỏa áp lực. Tôi không muốn con mình nằm trong số đó.
Giờ đây, mỗi khi con buồn, tức giận hay sợ hãi, tôi luôn khuyến khích con nói ra.
Dù con chỉ cần thốt một câu: “Mẹ ơi, con mệt quá” , cũng đủ để tôi biết con đang cần gì. Chỉ khi dạy con trai biết chia sẻ và chịu trách nhiệm với cảm xúc của chính mình, chúng ta mới có thể giúp con trưởng thành trọn vẹn.
“Sex Education” không phải chỉ là bộ phim dành cho giới trẻ. Tôi tin, đây là câu chuyện mà mọi người làm cha mẹ nên xem để hiểu rằng, việc nuôi dạy một cậu bé không chỉ là cho con sức mạnh, mà là cho con quyền được yếu đuối, được sai và biết cách sửa sai.
Đọc bài gốc tại đây.