Nội dung chính
Thận là cơ quan cực kỳ quan trọng trong cơ thể: đào thải chất độc, cân bằng nước và điện giải, điều hòa huyết áp và hỗ trợ sản xuất hồng cầu. Thế nhưng, đây cũng là cơ quan bị tổn thương, hình thành bệnh tật trong thầm lặng. Những dấu hiệu cảnh báo suy thận thường rất mơ hồ, dễ bị nhầm với mệt mỏi thông thường, rối loạn tiêu hóa hay dị ứng da.
Theo Tiến sĩ Mohit Khirbat, chuyên gia Khoa Thận tại Bệnh viện CK Birla (Ấn Độ), nhiều người dù đang trẻ khỏe, không có bệnh lý nền, vẫn có thể mắc bệnh thận mạn tính mà không biết. Dưới đây là 5 triệu chứng cảnh báo bệnh thận, đặc biệt là suy thận mà ông khuyên dù nam hay nữ cũng nên đặc biệt chú ý kẻo sau này “hối không kịp”:
1. Mệt mỏi kéo dài, thiếu sức dù đã nghỉ ngơi
Bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy thiếu năng lượng, không thể tập trung hay thường xuyên thở dốc khi làm việc nhẹ? Đây có thể là dấu hiệu sớm của thiếu máu do suy thận. Thận yếu sẽ sản xuất ít hormone erythropoietin – chất giúp tạo hồng cầu. Khi lượng hồng cầu giảm, bạn sẽ luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, ngay cả khi nghỉ ngơi đầy đủ.

Ảnh minh họa
Nhiều người nhầm đây là do căng thẳng, thiếu ngủ hoặc lao lực, khiến bệnh bị trì hoãn phát hiện trong thời gian dài.
2. Thay đổi thói quen tiểu tiện
Biểu hiện ở nước tiểu là một trong những chỉ dấu sớm và rõ ràng nhất, nhưng cũng thường bị bỏ qua. Hãy chú ý nếu bạn gặp:
– Tiểu đêm thường xuyên, phải thức dậy nhiều lần.
– Nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt, dấu hiệu rò rỉ protein.
– Tiểu máu, nước tiểu hồng, đỏ hoặc sẫm màu.
– Nước tiểu rất vàng hoặc đục bất thường, dù không ăn uống gì lạ.
Những thay đổi này không nên xem nhẹ, bởi chúng có thể phản ánh thận đang bị tổn thương nghiêm trọng.
3. Sưng phù ở chân, mắt cá chân hoặc quanh mắt

Ảnh minh họa
Thận yếu khiến natri và dịch thừa không được đào thải hết, gây tích tụ trong cơ thể. Hậu quả là sưng phù, đặc biệt ở bàn chân, mắt cá chân, hoặc vùng quanh mắt sau khi ngủ dậy.
Nhiều người dễ đổ lỗi cho việc ngồi lâu, ăn mặn hoặc thời tiết, nhưng nếu tình trạng sưng không rõ nguyên nhân kéo dài – đó là lúc nên xét nghiệm chức năng thận.
4. Ngứa ngáy kéo dài, da khô bong tróc
Một biểu hiện ít được chú ý nhưng khá phổ biến của suy thận là ngứa da dai dẳng không do côn trùng cắn hay dị ứng. Khi thận không lọc tốt, các chất độc và khoáng chất như phốt pho tích tụ trong máu, gây ngứa.
Da bạn có thể khô, bong vảy, kèm theo cảm giác muốn gãi liên tục, đặc biệt về đêm. Đây không chỉ là biểu hiện ngoài da – đó là lời “cầu cứu” của thận đang suy yếu.
5. Mất cảm giác ngon miệng, có vị lạ trong miệng
Khi chức năng thận giảm, urê và chất thải tích tụ trong máu sẽ gây ra các triệu chứng tiêu hóa như:
– Miệng có vị kim loại hoặc khó chịu.
– Hơi thở có mùi amoniac, đôi khi giống mùi nước tiểu.
– Buồn nôn, chán ăn, ăn ít nhưng lại không giảm cân do cơ thể tích nước.
Những dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa hay stress, nhưng thực chất là hệ quả của độc tố không được đào thải.

Ảnh minh họa
Khi nào nên đi khám suy thận?
Theo TS. Khirbat, nếu bạn gặp một hoặc nhiều dấu hiệu trên kéo dài hay nghiêm trọng cần đi khám ngay lập tức. Đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ như:
– Tiểu đường, tăng huyết áp
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận
– Từng dùng thuốc giảm đau, kháng sinh dài ngày
– Chế độ ăn nhiều muối, ít uống nước
Những trường hợp này ngoài khám sức khỏe định kỳ, nên đi thăm khám và làm xét nghiệm chức năng thận sớm. Các xét nghiệm đơn giản như đo creatinine, eGFR (tốc độ lọc cầu thận), hoặc kiểm tra albumin trong nước tiểu có thể giúp phát hiện sớm bệnh thận mạn tính. Từ đó có hướng can thiệp kịp thời để làm chậm tiến triển, tránh suy thận giai đoạn cuối.
Nguồn và ảnh: Times Of India, Healthline
Ngọc Ái
Đọc bài gốc tại đây.