Nội dung chính
Tại tọa đàm “Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi”, nhiều chuyên gia nhận định rằng việc định danh người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử bằng ứng dụng VNeID không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là “vũ khí số” giúp dọn dẹp nạn hàng giả, hàng nhái đang gây nhức nhối.
Mạng xã hội – “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả
Theo bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), không chỉ các sàn thương mại điện tử mà mạng xã hội – nơi người bán và người mua kết nối dễ dàng – đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả tinh vi.
Vụ việc lô sữa giả mới bị phát hiện là ví dụ điển hình cho thấy mức độ nguy hiểm khi người bán ẩn danh trên môi trường số.
Cục đã yêu cầu gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm vi phạm như thực phẩm chức năng, thuốc, sữa,… thậm chí cả thuốc kê đơn – vốn bị cấm bán lẻ online, bà Hà thông tin.
Bà Hà nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần luật hóa việc định danh người bán bằng những nền tảng như VNeID – công cụ đang dần trở thành căn cước số quốc dân.

Bà Lê Thị Hà chia sẻ. (Ảnh D.K)
“Người bán trên môi trường ảo, nhưng không thể là người ảo. Họ cần được định danh rõ ràng… Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, chúng ta có thể lần ra tận người bán để xử lý, chứ không phải chỉ gỡ hàng là xong”, bà Hà nhấn mạnh.
Việc áp dụng VNeID để định danh người bán hàng sẽ giúp cơ quan quản lý truy vết được nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát tính hợp pháp của người bán và nền tảng kinh doanh.
Đem lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người dân
Tiến sĩ Phạm Xuân Viết – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, VNeID đã trở thành công cụ đắc lực cho người dân khi đi khám chữa bệnh, đặc biệt là với Bảo hiểm Y tế.
Người dân chỉ cần mang theo điện thoại có cài ứng dụng VNeID là có thể thực hiện mọi thủ tục khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế từ tháng 10/2023.
Theo ông Viết, hàng loạt giấy tờ như giấy khám sức khoẻ, giấy khai sinh, giấy chứng tử, phiếu chuyển viện,… đã được tích hợp vào VNeID, giúp giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý.
Hiện đã có gần 24 triệu sổ sức khoẻ điện tử được kích hoạt, hơn 800.000 phiếu chuyển viện và gần 3 triệu giấy hẹn khám lại được thực hiện qua ứng dụng này.

Tiến sĩ Phạm Xuân Viết – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). (Ảnh D.K)
Ông Viết cho hay, việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ sở y tế và cho người dân như:
– Tạo sự tiện lợi, truy cập thông tin dễ dàng với các cơ sở y tế, người bệnh;
– Các bệnh viện, cơ sở y tế chia sẻ thông tin, các dữ liệu khám chữa bệnh dễ dàng;
– Giảm sai sót, quản lý khám chữa bệnh của người dân tốt hơn;
– Ứng dụng sẽ phát hiện dịch bệnh mới (nếu có) và xem xét mô hình bệnh tật của người dân từng thời kỳ;
– Xây dựng y tế thông minh, minh bạch.
Người dân an tâm mua đúng thuốc, đúng liều
Bà Nguyễn Đỗ Quyên – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, Giám đốc Điều hành chuỗi nhà thuốc Long Châu – cho biết Long Châu là nhà thuốc đầu tiên tích hợp với VNeID. Người dân khi mua thuốc có thể đăng nhập bằng mã định danh, kiểm tra nguồn gốc thuốc, tra cứu thông tin dược sĩ và yên tâm rằng thuốc mua được là hàng thật.
Bà Quyên chia sẻ, khi Long Châu kết nối thành công với VNeID và trở thành cấu phần của sổ sức khỏe điện tử thì người dân, bệnh nhân, khách hàng có một nơi tin tưởng để thực hiện các hoạt động mua bán thuốc an toàn.
Khi mua thuốc qua VNeID, các bước đều được bảo mật, phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng thì hai bên mới ‘thông luồng’ với nhau.

Bà Nguyễn Đỗ Quyên – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, Giám đốc Điều hành chuỗi nhà thuốc Long Châu. (Ảnh D.K)
Hiện nay, nhà thuốc Long Châu và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đang tiếp tục liên thông y tế. Nhà thuốc là một cấu phần trong sổ sức khoẻ điện tử nhưng là cấu phần không thể thiếu.
“Với tư cách là doanh nghiệp, chúng tôi hết sức ủng hộ và sẵn sàng tham gia, minh bạch hoá mọi thứ để việc liên thông y tế được thành công”, bà Quyên nói.
Theo bà Quyên, chỉ trong 3 ngày qua, Long Châu tiếp nhận hàng loạt người dân đến không phải để mua thuốc mà để nhờ kiểm tra thuốc đang dùng có phải thuốc giả hay không. Nhiều khách hàng hỏi Long Châu thế nào là nhà thuốc hợp pháp, có đăng ký,…
Điều này cho thấy việc định danh nhà thuốc là rất thiết thực, cần làm, bà Quyên thông tin thêm.
Hướng đến hệ sinh thái số minh bạch và an toàn
Với khả năng định danh, kết nối liên thông dữ liệu và bảo mật cao, VNeID đang dần trở thành “xương sống” của quản trị số quốc gia, mang lại lợi ích to lớn không chỉ trong lĩnh vực y tế nói riêng, thương mại nói chung mà còn hướng đến một hệ sinh thái số minh bạch, tin cậy và an toàn.
Việc định danh người bán, nhà thuốc… thông qua VNeID sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi buôn bán hàng giả, thuốc ‘rởm’, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân một cách toàn diện hơn.
VNeID được các chuyên gia trong tọa đàm ví như một “siêu ứng dụng” ví điện tử – giấy tờ. Đây là ứng dụng của toàn dân (không thu phí), do trực tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) xây dựng, phát triển.
Đọc bài gốc tại đây.