Nội dung chính
Trong nhiều gia đình, muối thường chỉ được coi là gia vị nấu ăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại khoáng chất quen thuộc này còn là “chất tẩy rửa tự nhiên” hiệu quả, giúp làm sạch bồn cầu, khử mùi nhà vệ sinh và hỗ trợ nhiều nhu cầu vệ sinh – chăm sóc sức khỏe khác. Giá rẻ, an toàn và thân thiện môi trường, muối đang trở thành lựa chọn thay thế các hóa chất gia dụng mạnh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì sao nên dùng muối để vệ sinh bồn cầu và nhà vệ sinh?
Phần lớn các loại nước tẩy rửa bồn cầu trên thị trường chứa hóa chất mạnh có thể gây ăn mòn men sứ theo thời gian và tạo hơi độc hại. Muối lại khác: tính ăn mòn nhẹ của nó đủ để đánh bay cặn vôi, mảng bám và vết ố lâu ngày mà không làm hỏng bề mặt. Khi hòa tan với nước, muối tạo dung dịch loãng giúp làm mềm và loại bỏ khoáng chất tích tụ như canxi – nguyên nhân khiến bồn cầu ố vàng và bốc mùi.
Đặc tính sát khuẩn tự nhiên cũng giúp muối tiêu diệt vi khuẩn gây mùi trong ống thoát nước và các khe rãnh. So với chất tẩy rửa chuyên dụng, muối rẻ hơn nhiều, luôn có sẵn trong nhà và an toàn cho trẻ nhỏ, người già hoặc người nhạy cảm với hóa chất.

Cách vệ sinh bồn cầu bằng muối
Rắc khoảng nửa cốc muối ăn quanh lòng bồn cầu, đặc biệt ở phần dưới vành. Dùng bàn chải chà nhẹ, có thể kết hợp nước ấm hoặc dung dịch muối pha sẵn. Để dung dịch lưu lại vài phút nhằm tăng hiệu quả khử khuẩn và đánh bật mảng bám. Xả nước để rửa trôi hoàn toàn muối và chất bẩn.
Thực hiện thao tác này 2 lần/tuần giúp bồn cầu luôn sáng bóng và không ám mùi. Nếu đường ống có dấu hiệu tắc nhẹ, đổ thêm giấm trắng và để qua đêm – axit trong giấm sẽ phân hủy cặn canxi và chất hữu cơ, giúp hệ thống xả hoạt động trơn tru.
Ứng dụng muối trong các công việc vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ gia đình
Muối không chỉ làm sạch bồn cầu mà còn có thể thay thế hóa chất trong nhiều khu vực khác của ngôi nhà:
Ống thoát nước: Đổ muối trực tiếp rồi dội nước sôi nhiều lần để khử mùi hôi.
Lavabo, gạch men: Trộn muối với baking soda, xịt lên vết bẩn, để vài phút rồi lau bằng khăn ướt.
Khăn mặt: Ngâm khăn vào nước muối loãng 10 phút trước khi giặt để khử khuẩn và loại bỏ mùi hôi.
Giày dép: Trộn muối và baking soda, bọc trong khăn giấy, đặt vào giày qua đêm để hút ẩm và khử mùi.
Ngoài ra, đặt bát muối trong tủ quần áo hoặc tủ lạnh giúp hút ẩm, hạn chế nấm mốc và khử mùi khó chịu.

Không chỉ vệ sinh nhà cửa, muối còn hữu ích trong nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe:
Súc miệng: Nước muối loãng giúp giảm viêm họng, dịu nhiệt miệng và diệt khuẩn khoang miệng.
Ngâm chân: Nước muối ấm giúp thư giãn, giảm sưng và mùi hôi chân, đặc biệt khi kết hợp với gừng hoặc sả.
Rửa vết thương nhẹ: Muối loãng giúp sát trùng vết xước nhỏ, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tẩy tế bào chết: Muối biển mịn trộn dầu dừa hoặc mật ong là hỗn hợp làm sạch và dưỡng ẩm da tự nhiên.
Ưu điểm nổi bật của muối như: An toàn: Không độc hại với trẻ em và người nhạy cảm hóa chất; Tiết kiệm: Giá thành thấp, dễ mua ở bất cứ cửa hàng nào; Thân thiện môi trường: Không tạo dư lượng gây ô nhiễm nguồn nước; Đa năng: Dùng cho cả vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và bảo quản thực phẩm… muối được ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống hàng ngày.

Xu hướng “giải pháp xanh” trong gia đình hiện đại
Khi nhu cầu sống lành mạnh và bảo vệ môi trường tăng cao, nhiều gia đình chuyển sang sử dụng nguyên liệu tự nhiên thay cho hóa chất công nghiệp. Muối – đơn giản nhưng đa dụng – đang trở thành lựa chọn phổ biến từ nông thôn tới thành thị. Cách làm này vừa tiết kiệm, vừa tạo môi trường sống an toàn cho cả gia đình.
Đọc bài gốc tại đây.