Linh bước ra từ khu chợ gần nhà, tay xách túi khoai tây, lòng nhẹ nhàng trong nắng sớm. Mới hai tháng làm dâu, cô gái 26 tuổi từng được bố mẹ nuông chiều giờ đang tập làm quen với cuộc sống hôn nhân.
Trước đây, mẹ Linh lo hết việc nhà, từ cơm nước đến đi chợ. Nhưng giờ, Linh tự tay nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, và học đi chợ – việc tưởng đơn giản nhưng đầy thử thách. Lần đầu, cô mua rau muống già, chồng cô chỉ cười: “Lần sau chọn kỹ hơn nhé!”. Dù vụng về nhưng Linh thích cảm giác tự tay chăm sóc tổ ấm. Cô còn hay mua đồ mang về biếu bố mẹ chồng (vì vợ chồng cô ở riêng nhưng không xa nhà bố mẹ chồng là mấy) – lúc thì hoa quả, khi là bánh, hay chỉ vài bó rau sạch – như một cách bày tỏ lòng biết ơn và tăng sự gắn kết.

Hôm nay Linh đi chợ, chọn cà chua, cà rốt, rồi dừng ở sạp khoai tây. Nhớ mẹ chồng thích khoai chiên, cô chọn 1 túi khoai rồi hào hứng mang biếu bà. Thế nhưng, hành động của mẹ chồng khi nhận túi khoai thực sự khiến cô sững sờ. Không nói không rằng, chỉ cười nhẹ một cái, mẹ chồng cô thả túi khoai tây vào thùng rác… Linh sững người, “chẳng nhẽ mẹ chồng coi thường mình đến thế” , cô chợt nghĩ, khóe mắt đã chuẩn bị trào nước mắt.
Quay lại thấy cô con dâu đang ngơ ngác đến tội nghiệp, mẹ chồng cô bật cười nói “khoai tây mọc mầm rồi, ăn không được đâu con, bỏ đi thôi không lại hại oan sức khỏe” . Trong khi Linh lí nhí giải thích “tại con thấy nó còn tươi nên mới mua”, mẹ chồng cô đã xua tay ra điều “không có gì to tát cả”. Sau đó, bà dạy Linh cách chọn khoai, bảo quản, còn kể chuyện ngày trẻ bà cũng từng mua đồ hỏng, bị trêu cả tháng.
Trên đường về, Linh thấy may mắn vì có mẹ chồng rộng lượng. Túi khoai bị bỏ đi, nhưng cô học được bài học “sáng mắt”: Nếu không cẩn thận lựa chọn thực phẩm thì có thể gây ngộ độc cho cả nhà.
Khoai tây mọc mầm chứa độc tố gây ngộ độc, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong

Nhận được túi khoai tây mọc mầm của con dâu, là một người cẩn thận, mẹ chồng Linh đã bỏ đi, điều này là đúng. Bởi lẽ, khoai tây mọc mầm chứa solanine, một chất độc có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), trong các loại rau, củ mà con người sử dụng thì gần như chỉ có khoai tây mọc mầm là chứa độc và là thực phẩm không nên ăn.
Solanine tập trung ở mầm và phần vỏ xanh của củ khoai tây và có thể gây ngộ độc. Cục An toàn thực phẩm cho biết, chất solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2-0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể. Khi ăn khoai tây mọc mầm, người dùng có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sốt, sốc, thậm chí co giật, hôn mê, suy hô hấp hoặc tử vong nếu ngộ độc nặng. Dù cắt bỏ mầm hoặc gọt vỏ, solanine vẫn có thể tồn tại trong phần thịt củ.
Không chỉ mọc mầm, nếu khoai tây có vỏ chuyển sang màu xanh cũng giống như khoai tây mọc mầm. Lúc này khoai tây chứa hàm lượng solanine cao, khi ăn sẽ gây hại cho cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh rằng, để an toàn, nên chọn khoai tây tươi, nặng, vỏ trơn nhẵn, màu vàng và tuyệt đối không sử dụng khoai đã mọc mầm hoặc có dấu hiệu bị hỏng.
5 điều cấm kỵ khi bảo quản khiến khoai tây nhanh hỏng, có thể gây ung thư
Dưới đây là 5 điều cấm kỵ khi bảo quản khoai tây, có thể khiến củ nhanh hỏng, mất chất dinh dưỡng, hoặc sinh độc tố gây hại sức khỏe, bao gồm nguy cơ ung thư.
1. Để khoai tây tiếp xúc với ánh sáng
Ánh sáng mặt trời, đặc biệt là ánh sáng đỏ và xanh lam, kích thích khoai tây sản sinh solanine – một chất độc thần kinh. Solanine không chỉ khiến khoai tây mọc mầm, phá vỡ trạng thái “ngủ đông” mà còn làm củ nhanh hỏng. Cách bảo quản đúng: Giữ khoai tây trong túi tối màu hoặc nơi không có ánh sáng, như tủ kín hoặc hầm.
2. Bọc kín khoai tây
Khoai tây cần môi trường thoáng khí để tránh tích tụ độ ẩm, vốn là nguyên nhân gây mốc và nảy mầm. Việc bọc kín trong túi ni lông hoặc hộp nhựa sẽ làm củ nhanh hư. Cách bảo quản đúng: Sử dụng túi giấy, bao tải, hoặc rổ thoáng khí, để ở nơi khô ráo.
3. Rửa khoai tây trước khi bảo quản
Rửa khoai tây để loại bỏ bụi bẩn tưởng chừng vệ sinh, nhưng thực tế làm tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển, khiến củ nhanh thối. Cách bảo quản đúng: Giữ nguyên lớp đất khô trên vỏ và chỉ rửa ngay trước khi chế biến.

4. Để khoai tây gần hành tây
Hành tây tiết ra khí ethylene, kích thích khoai tây nảy mầm nhanh hơn, làm giảm thời gian bảo quản và tăng nguy cơ tích tụ solanine. Cách bảo quản đúng: Để khoai tây cách xa hành tây, táo, chuối hoặc các thực phẩm tiết ethylene khác.
5. Bảo quản khoai tây trong tủ lạnh
Nhiệt độ thấp trong tủ lạnh (dưới 7°C) khiến tinh bột trong khoai tây chuyển hóa thành đường. Khi nấu ở nhiệt độ cao (như chiên, nướng), đường này dễ tạo thành acrylamide – một chất liên quan đến ung thư. Ngoài ra, môi trường lạnh cũng làm tăng sản sinh solanine. Cách bảo quản đúng: Lưu trữ khoai tây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ lý tưởng từ 7-10°C. Nếu cần bảo quản trong tủ lạnh, bóc vỏ, luộc sơ và ngâm trong nước, nhưng chỉ giữ được 3-4 ngày.
Đọc bài gốc tại đây.