Đi bộ từ lâu đã được xem là một trong những cách đơn giản và tiết kiệm nhất để cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Một nghiên cứu được công bố ngày 14/11/2024 trên Tạp chí Y học Thể thao Anh càng củng cố thêm điều đó.
Theo Healthline, để thực hiện nghiên cứu, nhóm khoa học đã phân tích dữ liệu từ những người trên 40 tuổi, được ghi nhận qua thiết bị theo dõi hoạt động trong Khảo sát Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia (NHANES) giai đoạn 2003–2006. Họ cũng sử dụng dữ liệu từ cuộc Điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2019 và số liệu tử vong năm 2017 từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia để xây dựng mô hình toán học nhằm ước tính mối liên hệ giữa mức độ hoạt động thể chất và tuổi thọ.
Kết quả cho thấy nhóm 25% người vận động nhiều nhất tương đương với việc đi bộ khoảng 160 phút mỗi ngày ở tốc độ 3 dặm/giờ. Nếu tất cả mọi người đạt được mức hoạt động này, tuổi thọ trung bình của họ có thể tăng từ 78,6 lên 84 tuổi – tức tăng hơn 5 năm. Đáng chú ý, với những người hiện đang ít vận động, việc tăng cường hoạt động thể chất có thể mang lại lợi ích còn lớn hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu một người đang đi bộ khoảng 49 phút mỗi ngày tăng thời gian đi bộ lên tổng cộng 160 phút mỗi ngày, họ có thể kéo dài tuổi thọ thêm tới 11 năm.

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng việc cải thiện hạ tầng như tăng không gian xanh, xây dựng khu phố dễ đi bộ, khuyến khích đi xe đạp… cũng có thể giúp nâng cao tuổi thọ.
Tiến sĩ Jakob Tarp, nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Thể thao Na Uy cho biết: “Chúng tôi không ngạc nhiên khi phát hiện rằng tác động của vận động tới tuổi thọ trong nghiên cứu này cao hơn so với các nghiên cứu trước. Chúng tôi sử dụng dữ liệu được đo bằng thiết bị đeo, chính xác hơn nhiều so với dữ liệu tự báo cáo mà các nghiên cứu cũ thường dựa vào”.
Dù nghiên cứu tập trung vào nhóm người trên 40 tuổi, các chuyên gia cho biết lợi ích của vận động thể chất là rõ rệt ở mọi lứa tuổi. Việc xây dựng thói quen vận động từ sớm sẽ giúp duy trì phong độ về sau, nhưng cũng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Ngay cả khi gặp trở ngại về sức khỏe, việc vận động ở mức độ phù hợp vẫn rất đáng giá. Trong trường hợp cần thiết, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên cá nhân để lựa chọn hình thức vận động an toàn và hiệu quả.
4 lưu ý khi đi bộ ai cũng cần ghi nhớ để việc tập luyện hiệu quả hơn:
Đi bộ là một hình thức vận động đơn giản, dễ thực hiện và an toàn hơn so với nhiều môn thể thao khác. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu cho sức khỏe, bạn cần thực hiện đúng cách. Dưới đây là 4 lưu ý quan trọng giúp việc đi bộ trở nên hiệu quả hơn:
1. Bổ sung nước kịp thời
Không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến cơ thể luôn trong tình trạng thiếu nước cực độ, tăng áp lực và gánh nặng cho cơ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả đi bộ. Khi đi bộ, bạn nên mang theo nước bên mình và uống một lượng nhỏ đều đặn để giữ đủ nước và tránh khó chịu do uống quá nhiều cùng một lúc.

2. Nên khởi động nhẹ nhàng trước khi đi bộ
Trước khi đi bộ, việc thực hiện một số động tác nhẹ nhàng để khởi động là điều rất cần thiết nhằm chắc chắn rằng cơ, khớp đã sẵn sàng cho việc chuyển động. Hãy dành ra 5 phút khởi động nhẹ nhàng và nên đi chậm khi mới bắt đầu để giảm các chấn thương có thể xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng nên đi chậm lại và khi kết thúc chặng đường đi bộ trong thời gian khoảng 5 phút.
3. Đừng sải chân quá dài
Khi đi bộ, việc sải chân quá dài có thể khiến ống chân bị đau, thậm chí khiến chúng ta mất cân bằng khi di chuyển. Vì vậy, thay vì cố gắng sải chân dài, bạn hãy tập trung vào việc thực hiện các bước ngắn và nhanh hơn.
4. Không nên nghiêng người khi đi bộ
Việc nghiên người về phía trước hơn 5 độ hay ngả người ra sau có thể gây áp lực không cần thiết lên vai, cổ và lưng, gây đau lưng, ảnh hưởng đến cột sống, làm giảm hiệu quả của các bài tập đi bộ. Khi đi bộ, tư thế đúng là hãy đứng thẳng, thả lỏng vai, cằm hướng lên song song với mặt đất.
Ánh Lê (Tổng hợp)
Đọc bài gốc tại đây.