Trang chủ Sống khỏeLối sống Chuyên gia chỉ ra 5 biểu cảm khuôn mặt của người độc hại

Chuyên gia chỉ ra 5 biểu cảm khuôn mặt của người độc hại

bởi Admin
0 Lượt xem

Khuôn mặt là chiếc gương phản chiếu cảm xúc và đôi khi là cả tính cách thật sự của một con người. Theo Liz Rose, huấn luyện viên về sự tự tin, người tự xưng là “chuyên gia sức hút” đến từ Australia, một số biểu cảm nhỏ trên gương mặt có thể tiết lộ bản chất độc hại của một người, dù họ có vẻ ngoài quyến rũ, thân thiện đến đâu.

Với hơn 147.000 người theo dõi trên TikTok, Liz thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi chia sẻ một video phân tích 5 biểu cảm khuôn mặt phổ biến mà cô cho là “dấu hiệu cảnh báo đỏ” trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội.

5 biểu cảm khuôn mặt cảnh báo người độc hại

Dựa trên Hệ thống mã hóa hành động khuôn mặt (Facial Action Coding System – FACS), một công cụ được công nhận trên toàn cầu, dùng để đo lường và phân tích toàn bộ biểu cảm khuôn mặt của con người, Liz khẳng định rằng: “Khuôn mặt tiết lộ những gì tâm trí cố gắng che giấu”. Và đây là 5 biểu cảm mà cô cho rằng bạn nên đặc biệt cảnh giác.

Chuyên gia Liz Rose chỉ ra 5 biểu cảm khuôn mặt cảnh báo người độc hại.

Nụ cười khinh miệt

Theo Liz, “nụ cười một chiều, nhếch mép” là dấu hiệu đầu tiên cần chú ý. Dù trông có vẻ quyến rũ, biểu cảm này ẩn chứa sự khinh thường và cảm giác bản thân vượt trội.

Cô lý giải: “Nghiên cứu cho thấy đây là biểu hiện dễ dẫn tới đổ vỡ trong các mối quan hệ, vì nó đại diện cho sự thiếu tôn trọng được ngụy trang dưới một nụ cười lịch sự” . Liz cảnh báo không nên nhầm lẫn nó với sự ấm áp, vì thực chất đây là biểu hiện của cái tôi.

Đảo mắt hoặc liếc nhanh

Biểu cảm này có thể xuất hiện thoáng qua, nhưng lại là tín hiệu rõ ràng cho thấy người đối diện đang cảm thấy bạn “phiền phức hoặc thấp kém hơn họ”.

Liz giải thích: “Hành động đảo mắt là cách không lời để nói rằng: ‘Bạn thật kém cỏi’. Nó thường đi kèm với thái độ chế giễu hoặc nghiêng đầu, và như vậy là một dấu hiệu rõ ràng của sự khinh miệt”.

Nhăn mũi

Dù chỉ là một chuyển động nhỏ, nhưng theo Liz, hành động “nhăn nhẹ mũi và môi trên nhếch lên” là dấu hiệu rất mạnh của cảm giác ghê tởm, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

“Mọi người làm vậy khi họ nghĩ ai đó thấp kém, đáng xấu hổ hoặc yếu đuối. Đó là tín hiệu rõ ràng rằng họ đang đánh giá hoặc coi thường người khác”, cô cảnh báo.

Ánh mắt sắc lẹm

Đây là biểu hiện tinh tế nhưng có thể làm thay đổi bầu không khí trong một căn phòng. Theo Liz, biểu cảm này xảy ra khi “lông mày hạ xuống, mí mắt khép lại một chút”, như thể người đó đang chăm chú nhìn bạn bằng sự khó chịu hoặc cố gắng áp đảo.

“Dù dễ bị bỏ qua, ánh nhìn này lại là tín hiệu cho thấy họ đang âm mưu kiểm soát tình huống hoặc thể hiện quyền lực”, Liz nhận định.

Nụ cười “đông cứng”

Biểu cảm cuối cùng Liz cảnh báo là nụ cười không tự nhiên, khi “miệng cười nhưng mắt thì không, hoặc khi nụ cười kéo dài quá lâu sau khi cảm xúc thực sự đã trôi qua”. “Nó không phải sự thân thiện, mà chỉ là lớp mặt nạ xã hội được luyện tập. Sớm muộn gì lớp mặt nạ đó cũng sẽ rơi xuống”, cô nói.

Những biểu cảm khuôn mặt phổ biến. (Ảnh: News.northeastern)

Video của Liz nhanh chóng lan truyền, đạt hơn hàng trăm nghìn lượt xem và thu hút hơn hàng nghìn bình luận chỉ trong vài ngày. Nhiều người tỏ ra đồng tình với phân tích của cô, chia sẻ những trải nghiệm cá nhân: “Khi tôi thấy bạn thân mình vừa đảo mắt vừa cười khẩy, tôi biết tình bạn đó đã hết”; “Tôi nghĩ những người không biểu lộ cảm xúc gì mới thực sự đáng sợ. Không ai biết được họ đang nghĩ gì”.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản bác. Một số người cho rằng các biểu cảm này có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy vào ngữ cảnh và cảm xúc nhất thời. Một người hỏi: “Vậy đôi mắt mở to thì sao? Dì tôi lúc nào cũng nhìn trừng trừng như thể mắt sắp lồi ra, nhưng thực ra bà ấy chẳng có ý gì xấu cả”.

Người khác hài hước chia sẻ: “Chồng tôi có gương mặt lúc nào cũng như đang khinh bỉ, nhưng 26 năm rồi vẫn yêu!”. Một bình luận khác lại mang tính châm biếm: “Thật buồn cười, tôi phải dùng cả 5 biểu cảm này mỗi khi nói chuyện với đàn ông”.

Dù Liz Rose nhấn mạnh những phân tích của mình dựa trên khoa học hành vi, các chuyên gia tâm lý khuyên không nên đánh giá người khác chỉ qua một vài biểu cảm thoáng qua. Ngữ cảnh, thói quen cá nhân, văn hóa và trạng thái cảm xúc tạm thời đều có thể ảnh hưởng đến cách một người thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt.

Tuy nhiên, việc nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện như Liz liệt kê vẫn là điều hữu ích, nhất là trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tránh xa những người có hành vi gây tổn thương một cách tinh vi.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan