Năm 35 tuổi, anh Quân* kết hôn với chị Hương* (30 tuổi), do kết hôn muộn, cả hai mong sớm có con nhưng suốt một thời gian dài vẫn không có tin vui. Sau nhiều lần thăm khám, kết luận cho thấy chị Hương hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi anh Quân bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
Trước sự thật phũ phàng, anh Quân từng nhiều lần đề nghị ly hôn để vợ có cơ hội làm mẹ. Tuy nhiên, chị Hương một mực từ chối, khẳng định tình cảm không thay đổi. 2 anh chị tiếp tục đi uống thuốc Nam và 4 năm sau chị Hương liên tiếp có hai bé (một trai, một gái).
Thế nhưng, hạnh phúc không trọn vẹn khi những lời xì xào bắt đầu xuất hiện. Nhiều người hàng xóm, họ hàng cho rằng hai đứa trẻ càng lớn càng không có nét giống cha. Dù cố gắng bỏ ngoài tai, anh Quân dần trở nên trăn trở khi con đến tuổi dậy thì – độ tuổi dễ bị tổn thương bởi những lời dị nghị.

Ảnh minh hoạ.
Biết được nỗi lòng của chồng, chị Hương chủ động đề nghị đi xét nghiệm ADN. Kết quả mà chị mang về từ trung tâm xét nghiệm cho thấy cả hai đứa trẻ đều có quan hệ huyết thống với anh Quân. Điều này khiến anh tạm yên lòng, anh tiếp tục vun vén cho gia đình.
Xét nghiệm ADN lần 2 để giải oan cho vợ
Tuy nhiên, những lời bàn tán vẫn chưa dừng lại. Không ít người khẳng định kết quả xét nghiệm hoàn toàn có thể bị thay đổi nếu mẫu bị đánh tráo. Anh Quân quyết định âm thầm đến chính trung tâm nơi vợ từng làm xét nghiệm để yêu cầu kiểm tra lại – lần này bằng mẫu do chính anh mang đến. Anh Quân làm xét nghiệm này với mong muốn minh oan cho vợ, đập tan đi những xì xào về vợ anh.
Và kết quả lần hai khiến anh Quân choáng váng: cả hai đứa trẻ không cùng huyết thống với anh. Trong nỗi đau, anh Quân đã chia sẻ lại toàn bộ câu chuyện. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội đã xác nhận với anh Quân rằng mẫu đầu tiên được mang đến bởi người vợ.
Qua phân tích tình huống, bà Nga đưa ra giả thuyết: có khả năng người vợ đã mang mẫu của con và người cha sinh học thật, sau đó đổi tên người cha thành anh Quân để tạo ra một kết quả “phù hợp”.
Bà Nga cho biết, đây không phải trường hợp hiếm. Việc khách hàng tự mang mẫu đến hoặc gửi qua bưu điện tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có khả năng cố tình đánh tráo mẫu để làm sai lệch kết quả. Vì vậy, trung tâm chỉ chịu trách nhiệm với mẫu được gửi tới, không thể xác thực danh tính người gửi nếu không được lấy mẫu trực tiếp.
“Muốn có kết quả chính xác, người nghi ngờ nên trực tiếp lấy mẫu tại chỗ hoặc yêu cầu nhân viên trung tâm đến lấy mẫu để đảm bảo tính minh bạch”, bà Nga nhấn mạnh.
Sau khi cầm kết quả ADN, anh Quân đã lặng lẽ ra về. Theo bà Nga, anh Quân không liên hệ lại với trung tâm thêm lần nữa.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Đọc bài gốc tại đây.