Anh Trương Đăng Nam (sinh năm 1984, sống tại Huế) mắc hội chứng Klinefelter (47,XXY). Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp ở nam giới, gây ra một số thay đổi về phát triển thể chất, nội tiết và sinh sản. Kết hợp với biến chứng do bệnh quai bị, anh Nam bị vô tinh (không có tinh trùng). Anh biết về tình trạng này của mình và nghĩ mái ấm gia đình nhỏ với những đứa con thơ chỉ có trong mơ.
Trước khi bước vào hôn nhân với anh Nam, chị Nguyễn Thị Tú Anh (sinh năm 1989, sống tại Huế) đã biết rõ tình trạng bệnh của anh. Thế nhưng, với chị Tú Anh, tình yêu là sự cam kết bền bỉ chứ không phải sự hoàn hảo. Dù từng bị khuyên ngăn, chị vẫn chọn đồng hành cùng anh Nam, tin điều kỳ diệu sẽ đến.
Sau khi cưới vào năm 2017, khao khát được làm cha mẹ đã thôi thúc hai vợ chồng anh Nam rong ruổi khắp nơi, từ Huế đến TP.HCM, Hà Nội để thăm khám. Dù đã thử nhiều phương pháp, anh chị vẫn chưa có được một mụn con. Bước ngoặt đến khi anh chị biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội qua một người bạn có hoàn cảnh tương tự.
ThS.BS Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Nam học xác nhận, với các trường hợp của anh Nam, trước đây việc có con gần như là điều không tưởng. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ y học, đặc biệt là kỹ thuật Micro TESE (phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng) kết hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cơ hội đã mở ra.

Bác sĩ Việt đang tư vấn cho cặp đôi (ảnh BSCC).
May mắn thay, vào đúng thời điểm bệnh viện tổ chức chương trình Tuần Lễ Vàng năm 2020, vợ chồng anh Nam trở thành 1 trong 20 cặp đôi được hỗ trợ chi phí phẫu thuật Micro TESE. Ngày chị Tú Anh chọc trứng cũng là ngày anh Nam bước vào ca vi phẫu định mệnh. Tỉnh dậy sau ca mổ, anh Nam được bác sĩ Việt thông báo tin vui: ca phẫu thuật thành công, tinh trùng không chỉ được tìm thấy mà còn có chất lượng rất tốt.
Với 9 phôi ngày 5 được tạo ra, niềm vui như vỡ òa khi có tới 5 phôi được đánh giá là khỏe mạnh. “Ban đầu tôi chỉ dám hy vọng có 1–2 phôi tốt, vậy mà có đến 5. Tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc”, chị Tú Anh xúc động chia sẻ.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn (Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội) – là người đã chuyển phôi, đưa những “mầm sống” vào cơ thể chị Tú Anh.
Sau chuyển phôi, chị Tú Anh ở lại Hà Nội. Vì công việc, anh Nam phải trở lại Huế. Khi có kết quả xét nghiệm beta HCG, chị Tú Anh gọi cho chồng báo tin vui. Cả 2 vợ chồng vỡ òa trong nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của biết bao tháng ngày trông mong con về.
Niềm vui tiếp tục nhân đôi khi ở tuần thai thứ 5, bác sĩ xác nhận chị mang song thai. Tuy nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng bị thử thách khi chị bị dọa sảy thai chỉ hai ngày sau đó. Chị nhập viện khẩn cấp và được bác sĩ Hoàng Văn Khanh (Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội) tận tình theo dõi. Nằm viện, chị không ngừng thủ thỉ động viên hai bé con: “Hai con đã có duyên đến với bố mẹ, hãy thật mạnh mẽ nhé”.
Từ tuần thai thứ 9, chị Tú Anh trở lại Huế để dưỡng thai. Suốt thai kỳ, anh Nam luôn là người bạn đồng hành tuyệt vời, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ và đưa vợ đi khám định kỳ đều đặn.

Gia đình anh Nam chụp ảnh kỷ niệm (ảnh NVCC).
Ngày hai bé Trương Phúc Lâm và Trương Quỳnh Nhi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày trái tim anh chị ngập tràn hạnh phúc. Âm thanh ấy không chỉ là tiếng khóc của những sinh linh bé bỏng mà còn là hồi đáp đẹp nhất cho hành trình dài yêu thương và kiên cường của cha mẹ.
Giờ đây, hai bé đã 4 tuổi, lớn lên khỏe mạnh và đáng yêu như hai nốt nhạc vui. Mỗi bước chạy, mỗi tiếng cười giòn tan của con là sự bù đắp xứng đáng cho bao gian khó của vợ chồng anh Nam. Vợ chồng anh Nam luôn khắc ghi sự biết ơn với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội – những người không chỉ trao tặng phép màu, mà còn viết nên một hành trình có hậu giữa đời thực.
Đọc bài gốc tại đây.