Trang chủ Sống khỏeLối sống Báo động đột quỵ ở người trẻ: ‘Quả bom’ từ những ‘combo’ thói quen tưởng vô hại

Báo động đột quỵ ở người trẻ: ‘Quả bom’ từ những ‘combo’ thói quen tưởng vô hại

bởi Admin
0 Lượt xem

Trước đó, nam bệnh nhân từng phát hiện tăng huyết áp trong một lần khám sức khỏe định kỳ nhưng không điều trị. Chính sự chủ quan này đã khiến mạch máu não tổn thương âm thầm cho đến khi cơn đột quỵ xảy ra. 

Sau cấp cứu tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 để phục hồi chức năng. Khi nhập viện, anh bị liệt nửa người bên phải, mất khả năng đi lại và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong sinh hoạt. Sau một tháng điều trị, anh đã có thể đi lại bằng gậy và vận động tay chân dần cải thiện, song vẫn cần tiếp tục theo dõi.

Đột quỵ không còn là bệnh của người già

Đáng lo ngại, đây không còn là trường hợp hiếm. Đột quỵ – căn bệnh từng được xem là của người cao tuổi – đang ngày càng trẻ hóa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca đột quỵ ở người trẻ tuổi đã tăng đáng kể trong hai thập niên gần đây. Tại Việt Nam, nhóm dưới 45 tuổi chiếm khoảng 10–15% tổng số ca đột quỵ mỗi năm.

- Ảnh 1.

Đột quỵ (ảnh minh hoạ).

TS.BS Kiều Xuân Thy – Phó trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho hay đột quỵ xảy ra khi mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn việc cung cấp máu, oxy và dưỡng chất cho tế bào não. Nếu không được xử trí kịp thời, vùng não bị tổn thương sẽ bắt đầu hoại tử chỉ trong vài phút.

Hậu quả thường thấy là liệt nửa người, méo miệng, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí hôn mê hoặc tử vong. Đáng nói, với người trẻ, di chứng sau đột quỵ không chỉ là gánh nặng thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sự nghiệp và chất lượng sống lâu dài.

“Combo” thói quen xấu đang âm thầm hủy hoại sức khoẻ

TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cảnh báo: áp lực công việc, ít vận động, ăn uống kém lành mạnh, thức khuya, hút thuốc, lạm dụng rượu bia… đang trở thành “combo” làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Trong guồng quay đô thị, nhiều người mải chạy theo hiệu suất mà quên chăm sóc sức khỏe. Các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, béo phì… âm thầm tích tụ theo thời gian.

“Không ít bệnh nhân trẻ hoàn toàn không biết mình bị tăng huyết áp, hoặc biết nhưng chủ quan, không điều trị. Trong khi đó, đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, bao gồm cả thiếu máu não lẫn xuất huyết não”, bác sĩ Mẫn cho biết.

Ngoài ra, các bệnh lý tiềm ẩn như dị dạng mạch máu não, bệnh tim (rung nhĩ, hở van tim), rối loạn chuyển hóa… cũng là những “quả bom nổ chậm” nếu không được tầm soát sớm. Với người trẻ, đột quỵ do xuất huyết não thường liên quan đến vỡ túi phình hoặc dị dạng mạch máu não – những tổn thương hiếm khi được phát hiện nếu không chủ động kiểm tra.

Căng thẳng kéo dài, mất ngủ, lo âu – những vấn đề phổ biến ở người trẻ – lại ít khi được xem là nguy cơ đột quỵ. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy stress có thể làm tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn và kích hoạt cơn đột quỵ.

Một số yếu tố đặc thù khác cũng cần được lưu ý, như sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên, rối loạn nội tiết tố, hoặc dùng chất kích thích (ma túy, thuốc lá điện tử chứa nicotine). Những yếu tố này làm tăng nguy cơ máu đông và tắc nghẽn mạch máu não.

Theo các chuyên gia, đột quỵ không còn là căn bệnh “của người già”. Với người trẻ, hậu quả càng nặng nề khi cướp đi sức khỏe, khả năng lao động và cả tương lai. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là thay đổi lối sống: ăn uống khoa học, kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp – đặc biệt khi đã có yếu tố nguy cơ. Mỗi người trẻ nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay – để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của chính mình.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan