Cụ Stamatis Moraitis sinh năm 1911 tại Hy Lạp nhưng sau đó cụ theo gia đình nhập cư vào Mỹ. Năm cụ 65 tuổi, cụ được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối và chỉ còn sống được 6 – 9 tháng. Thế nhưng, chỉ nhờ việc quay về sống tại nơi mình sinh ra, cụ Moraitis đã làm nên điều kỳ diệu. Cụ đã sống thêm được 37 năm và mất ở tuổi 102.
Quyết định quay về quê hương sau khi phát hiện ung thư giai đoạn cuối

Cụ Stamatis Moraitis (Ảnh: satellite-health)
Năm 65 tuổi, sau nhiều năm sống ở New York và Florida (Mỹ), cụ Stamatis bắt đầu cảm thấy khó thở, không thể làm việc như trước. Sau hàng loạt xét nghiệm và kiểm tra, cụ Stamatis được kết luận bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bác sĩ nói rằng cụ chỉ có thể sống thêm 6 – 9 tháng.
Lúc này, cụ Stamatis và đã quyết định cùng vợ quay trở về quê hương – đảo Ikaria của Hy Lạp – để sống những ngày tháng cuối đời. Cụ muốn được an nghỉ bên cạnh tổ tiên, bên bờ biển.
Hàng ngày, cụ đi dạo trên bờ biển, hít thở không khí trong lành, ngắm biển xanh, nhâm nhi rượu vang và hàn huyên cùng những người bạn cũ. Cụ cũng bắt tay vào làm vườn và trồng một giàn nho. Cụ nghĩ: “Chắc mình không sống được tới lúc nho chín, nhưng ít nhất vợ mình sẽ có thứ gì đó để nhớ đến mình”.
Thế rồi, điều kỳ diệu đã tới. Cụ Moraitis thấy khỏe khoắn hơn. Cụ vẫn cần mẫn làm những công việc đó. Và rồi, hơn 3 thập kỷ trôi qua. Cụ Moraitis vẫn sống, vẫn leo thang để hái nho chín, vẫn tự ép dầu ô liu và vẫn nhâm nhi ly rượu bên những người bạn.
Khi Dan Buettner – một chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ người Mỹ – đến đảo Ikaria để tìm hiểu bí quyết sống thọ của người dân nơi đây, ông đã tìm gặp cụ Moraitis.
Trong loạt phim tài liệu “Live to 100: Secrets of the Blue Zones” được chiếu trên Netflix, Dan Buettner nói: “Tôi hỏi cụ Moraitis bí quyết sống thọ của cụ là gì, cụ chỉ nhún vai rồi bảo: ‘Tôi không biết. Tôi nghĩ là tôi quên chết rồi!”
Vì sao cụ Moraitis có thể sống thọ đến thế là một câu hỏi mà nhiều nhà khoa học vẫn đang đi tìm lời giải. Một số cho rằng gene chỉ đóng vai trò rất nhỏ – khoảng 20 – 25% – đối với tuổi thọ, phần còn lại là do môi trường sống.
“Cụ Moraitis đã thay đổi môi trường sống sau khi phát hiện bệnh. Và điều đó đã cứu sống cụ ấy”, Buettner nhận định.
Ikaria – hòn đảo của những người sống thọ nhất thế giới

Đảo Ikaria là một trong những vùng đất có nhiều người sống thọ nhất thế giới (Ảnh: Business Insider).
Ikaria là một trong 5 Vùng Xanh (Blue Zones) của thế giới. Đây là thuật ngữ được khởi xướng bởi Dan Buettner, dùng để chỉ những vùng đất có nhiều người sống thọ nhất thế giới.
Dữ liệu từ trang web Blue Zones cho thấy cứ 3 người Ikaria thì có một người sống tới 90 tuổi. Không chỉ sống lâu, người dân ở đây còn có tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính như sa sút trí tuệ ở mức rất thấp.
National Geographic mô tả Ikaria là hòn đảo có địa hình núi đá granite, được phủ bởi những khu rừng sồi xanh mát và vườn ô liu, bãi biển trải đầy sỏi trắng và nước biển trong vắt. Những con đường mòn len lỏi giữa rừng được xem là “phòng tập gym tự nhiên” của người dân địa phương. Các nhà khoa học cũng chỉ ra, khi ánh nắng chiếu vào đá granite sẽ giải phóng magiê. Đây là khoáng chất được ví là “thuốc chống trầm cảm tự nhiên”.
Cuộc sống của người dân Ikaria gắn bó mật thiết với thiên nhiên: họ ăn uống chủ yếu dựa trên thực vật, đậu, dầu ô liu và uống rượu vang một cách điều độ. Họ hạn chế căng thẳng, duy trì mối quan hệ tốt với hàng xóm và cộng đồng xung quanh. Ngoài ra, tắm ở các suối nước nóng tự nhiên ở bờ biển phía nam của hòn đảo cũng được coi là một yếu tố góp phần kéo dài tuổi thọ cho người dân Ikaria.
(Tổng hợp)
Đọc bài gốc tại đây.