Bàn làm việc – nơi bạn gắn bó 8 tiếng mỗi ngày ở công ty không chỉ phản ánh tính cách, trí tựa cảm xúc của bạn. Người ta vẫn nói: “Bàn làm việc là bộ mặt thứ hai của dân văn phòng”. Có chiếc bàn vừa nhìn đã thấy gọn gàng, chuyên nghiệp; nhưng cũng có những bàn khiến người khác phải lùi lại vì quá bừa bộn, quá riêng tư hoặc quá… ồn ào. Đôi khi, chính những món đồ nhỏ bạn đặt trên bàn lại vô tình “tố cáo” EQ chưa cao.
EQ vốn không chỉ thể hiện qua lời nói hay hành xử trong những tình huống to tát. Nó nằm trong từng lựa chọn hàng ngày, trong cách bạn cư xử với người xung quanh, và cả cách bạn sử dụng không gian chung.

Những thứ đặt trên bàn làm việc cũng phần nào thể hiện EQ của chủ nhân. Ảnh minh họa.
Dưới đây là ba món thường thấy trên bàn làm việc, tưởng vô hại nhưng lại là chỉ dấu không lời cho thấy người sở hữu có thể đang thiếu đi một chút tinh tế trong giao tiếp, thiếu nhạy cảm với môi trường xung quanh – những yếu tố cốt lõi của EQ.
1. Điện thoại, đồng hồ liên tục báo tin nhắn, đổ chuông, rung nhắc giờ
Có thể bạn nghĩ đây là cách để mình kỷ luật bản thân, kiểm soát thời gian hay nhắc nhở việc cần làm. Nhưng thực tế, việc đặt chuông báo ầm ĩ hay âm thanh thông báo tin nhắn trong một không gian chung như văn phòng lại là một hành vi thiếu tinh tế.
Không ai cấm bạn quản lý thời gian theo cách của mình hay nhắn tin/nhận tin nhắn trong giờ làm việc (tùy văn phòng) nhưng khi chiếc điện thoại liên tục rung, kêu, phát sáng hoặc thậm chí… hú lên vào lúc 11h30 như một hồi còi lệnh ăn trưa, thì đó không còn là nhắc việc cá nhân nữa, mà là sự xâm lấn vào khoảng yên của tập thể.

Tiếng quá ồn gây khó chịu cho những người xung quanh. Ảnh minh họa.
Người EQ cao sẽ biết điều chỉnh âm lượng, bật chế độ im lặng hoặc sử dụng các app nhắc nhở bằng tín hiệu nhẹ nhàng, riêng tư. Còn người EQ thấp thì không nhận ra rằng, chuông điện thoại không chỉ làm gián đoạn dòng suy nghĩ của người khác mà còn khiến họ cảm thấy không được tôn trọng. Sự hiện diện của bạn không chỉ nằm ở chiếc ghế bạn ngồi mà còn ở những gì bạn tạo ra xung quanh, tiếng ồn là một phần trong đó.
2. Mẩu giấy note hay bảng ghi chú tưởng chuyên nghiệp mà phản cảm không ngờ
Bạn có thể đã thấy đâu đó những dòng như: “Đang bận, đừng gọi!”, “Không làm phiền!”, “Giờ làm việc nghiêm túc, vui lòng không nói chuyện riêng!” được dán chễm chệ ở màn hình máy tính hoặc góc bàn.
Lúc viết ra, có thể bạn đang nghĩ: “Tôi chỉ đang muốn tập trung”, “Tôi có quyền bảo vệ thời gian làm việc của mình”, “Tôi muốn đồng nghiệp tôn trọng tôi”. Nhưng xét cho cùng, những lời nhắn như vậy không mang tính xây dựng mà lại vô tình đẩy người khác ra xa. Chúng là sự thể hiện của một dạng EQ thấp – thiếu khả năng giao tiếp mềm mại, thiếu tinh tế trong việc đặt ranh giới.

Không ít người mặc phải lỗi này. Ảnh minh họa.
Người EQ thấp thường có xu hướng phản ứng phòng vệ một cách căng thẳng, tiêu cực, thay vì chọn cách giao tiếp mở và linh hoạt hơn. Họ dùng lời lẽ cứng nhắc để giữ khoảng cách, thay vì học cách nói “Không” mà vẫn khiến người khác cảm thấy được tôn trọng.
3. Một chiếc bàn bừa bộn đến mức không còn một góc nhìn thấy mặt bàn
Có những chiếc bàn mà bạn nhìn vào sẽ thấy tất cả mọi thứ: từ tài liệu công việc, giấy note, hóa đơn điện nước, đồ ăn vặt, khăn giấy, mỹ phẩm cá nhân, tới cả hộp cơm ăn dở, nước uống khui nửa chai, thậm chí có khi còn để cả quần áo “tạm cởi để tiện đi đâu đó”.
Dĩ nhiên, ai cũng có phong cách làm việc riêng – người thích tối giản, người lại thấy sáng tạo hơn khi có một chút bừa bộn. Nhưng một khi bàn làm việc của bạn bắt đầu làm ảnh hưởng đến cảm giác chung của đồng nghiệp thì không nên. Người EQ thấp thường có xu hướng “cá nhân hóa quá đà” không gian làm việc, quên mất rằng văn phòng là nơi chung, không phải phòng riêng ở nhà.
Việc bạn ăn gì, để gì, thích gì tất nhiên không ai quản, nhưng khi những thứ đó khiến người khác khó chịu, phân tâm hoặc ngại đến gần bạn, thì nên xem lại. Người EQ cao không cần phải gọn gàng một cách ám ảnh, nhưng họ đủ nhạy cảm để hiểu rằng, dọn dẹp không chỉ là hành vi vệ sinh, mà còn là một cách thể hiện sự tôn trọng với môi trường làm việc chung.

Ảnh minh họa.
Nếu nhìn tổng thể ba “món đồ” kể trên bạn sẽ thấy điểm chung là: chúng đều phát ra một năng lượng cá nhân rất lớn, và thiếu tinh tế với không gian chung. Người EQ thấp thường không ý thức được ranh giới giữa cái “tôi” và cái “chúng ta”.
Họ có thể nghĩ mình đang sống thật với bản thân, đang làm điều mình muốn, nhưng lại không nhìn thấy rằng những hành vi đó đang khiến người khác khó xử, ngại ngùng hoặc căng thẳng. Từ góc độ tâm lý học, EQ không chỉ là khả năng đồng cảm hay quản lý cảm xúc, mà còn là sự nhận thức tinh tế về hoàn cảnh biết khi nào nên lùi, khi nào nên tiến, khi nào nên điều chỉnh để hài hòa với tập thể.
Tất nhiên, không ai sinh ra đã EQ cao. Cũng không ai yêu cầu bàn làm việc của bạn phải như showroom tối giản, hay bạn phải luôn mềm mỏng, hòa nhã trong mọi tình huống. Nhưng điều đáng nói là: EQ có thể luyện, và bắt đầu từ những việc nhỏ như… nhìn lại cái bàn của mình.
Đọc bài gốc tại đây.