Bài học về mối quan hệ cha con trong phim “Sex Education”
Xem phim “Sex Education” là một trải nghiệm vừa thú vị, vừa sâu sắc đối với tôi. Tôi đã có nhiều khoảnh khắc thư giãn khi xem phim, nhưng đồng thời cũng có những phút giây suy ngẫm về mối quan hệ gia đình.
Một trong những mạch truyện khiến tôi vô cùng ấn tượng trong phim “Sex Education” là mối quan hệ giữa hai cha con Michael và Adam Groff.
Trong khi Michael là hiệu trưởng trường Moordale, Adam là học sinh nơi đây. Hai cha con có mối quan hệ vô cùng căng thẳng. Michael nghiêm khắc và thường thất vọng với hành vi của con trai mình.

Hai cha con Michael và Adam Groff có mối quan hệ căng thẳng.
Sau khi Adam giành chiến thắng trong cuộc thi viết luận của trường, Michael thậm chí còn cho rằng Adam không phải là người viết bài luận này. Mối quan hệ căng thẳng của họ thể hiện rõ khi Maureen (mẹ Adam) cố gắng chụp ảnh họ trước khi đến buổi khiêu vũ của trường. Adam quá sợ hãi đến mức không dám ôm cha mình.
Tại buổi khiêu vũ, Adam nổi giận và nói với Michael rằng “con ghét bố”, sau đó bỏ đi trong cơn tức giận. Kết quả là, Michael gửi Adam đến trường quân sự Mountview như một hình phạt.
Sau khi bị đuổi khỏi Mountview, Adam thực sự muốn cải thiện và thường cố gắng giúp đỡ cha mình, nhưng điều này chủ yếu kết thúc bằng việc Adam thất bại và Michael thất vọng. Sau đó, Maureen quyết định ly hôn với Michael, điều này không làm Adam buồn. Sau khi Michael chuyển ra khỏi nhà, Adam và bố không còn gặp lại hay nói chuyện với nhau.

Bố Adam là người cha nghiêm khắc và áp đặt.
Câu chuyện của Adam và bố khiến tôi nhớ đến anh trai và bố của mình. Mặc dù rất dịu dàng với con gái nhưng bố tôi lại có cách tiếp cận vô cùng nghiêm khắc với con trai. Do đó, từ bé đến lớn, anh trai tôi luôn sợ bố tôi, giữ khoảng cách với ông, ít khi chia sẻ tâm tư, suy nghĩ.
Bố tôi kỳ vọng anh trai tôi phải có thành tích học tập xuất sắc – nhưng là xuất sắc theo cách của ông. Ông đưa ra mọi quyết định về việc chọn trường, chọn lớp, thậm chí chọn nguyện vọng đại học cho anh trai tôi. Những kỳ vọng này, một mặt khiến anh tôi không dám lơ là việc học, một mặt khiến anh vô cùng căng thẳng mỗi khi bố về nhà.
Rất thường xuyên, tôi nhận thấy anh trai của mình trở nên yên lặng lạ thường khi ngồi ăn cơm tối. Tôi gặng hỏi lý do nhưng anh chỉ lắc đầu và nói: “Em không hiểu đâu”.
Mối quan hệ của anh trai tôi và bố tôi rơi vào khủng hoảng khi anh tôi trượt đại học, cụ thể là trượt nguyện vọng vào ngành ngân hàng như bố tôi mong muốn. Anh tôi nói anh cố tình trượt để bố hiểu được ước mơ của mình.
Kết quả, bố tôi và anh tôi tranh cãi nảy lửa, không ai nhường ai. Cả tôi và mẹ tôi đều khóc, tưởng rằng mối quan hệ của họ không thể sửa chữa vào ngày hôm đó.
Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái – luôn cần tới sự thấu hiểu
Trên thực tế, việc những người cha có cách dạy con trai đặc biệt nghiêm khắc không phải hiếm gặp. Việc người cha có kỳ vọng cao ở con trai thường xuất phát từ mong muốn con sẽ trở thành con người tài giỏi, thành công. Tuy nhiên, nếu việc này diễn ra mà không có giao tiếp cởi mở, các bậc cha mẹ sẽ vô tình khiến con thực hiện những hành vi thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Tiến sĩ Emily Edlynn, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Mỹ, giải thích: “Nghiên cứu cho thấy những bậc cha mẹ thể hiện sự cởi mở trong tranh luận và thương lượng thay vì yêu cầu vâng lời sẽ có những đứa con khỏe mạnh hơn về mặt tâm lý”.
Ngoài ra, còn có khía cạnh phản ứng tâm lý – khi ai đó được bảo không được làm điều gì đó, điều đó làm tăng mong muốn làm điều đó vì họ cảm thấy bị đe dọa đến quyền tự do hành vi của mình.
Tiến sĩ Edlynn nói: “Khi cha mẹ duy trì các quy tắc nghiêm ngặt mà không đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự độc lập của trẻ vị thành niên, những trẻ vị thành niên này có nhiều khả năng phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các hành vi nguy hiểm như sử dụng chất gây nghiện”.
“Khi một trẻ vị thành niên cảm thấy mình không thể công khai tranh luận về các quy tắc, chúng sẽ khẳng định sự độc lập của mình theo những cách kém lành mạnh này”.

Adam thường xuyên buồn vì những kỳ vọng cao của bố.
Do đó, để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của trẻ vị thành niên trong khi vẫn duy trì ranh giới lành mạnh, vị chuyên gia khuyên hãy đặt những câu hỏi mở để hiểu quan điểm của trẻ và hợp tác với trẻ về cách sửa đổi các quy tắc và kỳ vọng của gia đình.
“Quá trình này khuyến khích tư duy phản biện và chứng minh rằng bạn coi trọng ý kiến của trẻ, ngay cả khi việc thay đổi quy tắc cuối cùng lại là một sự thỏa hiệp”, tiến sĩ Edlynn nói.
Với anh trai tôi, sau khi trượt đại học, anh bắt đầu đi học thêm các chứng chỉ khác và tiếp tục luyện thi – nhưng đăng ký nguyện vọng của chính anh. Ban đầu, bố tôi lạnh nhạt và không hài lòng với quyết định này. Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu, cùng với sự khuyên nhủ của mẹ tôi, cuối cùng bố tôi cũng đã thỏa hiệp và chấp nhận lựa chọn của con trai.
Sau một năm ở nhà luyện thi, anh tôi thi đại học lần nữa và đỗ đại học kiến trúc – ước mơ suốt năm cấp 3 của anh. Ngày anh tôi đỗ đại học, cả nhà tôi vui mừng khôn xiết. Riêng bố tôi, ông không nói gì, chỉ nhìn anh tôi và gật đầu một cái. Anh tôi có vẻ xúc động muốn khóc, nhưng đã kìm lại. Lúc ấy, tôi đã hiểu, hóa ra trong những mối quan hệ gia đình, để thấu hiểu được lẫn nhau, chúng ta cần phải nỗ lực đến thế!
Với gia đình nhà Groff trong phim “Sex Education”, cuối cùng, Michael đã cố gắng trở thành một phần trong cuộc sống của Adam một lần nữa, muốn chuộc lại lỗi lầm của ông và thực sự cố gắng trở thành một người tốt hơn.

Hai bố con Adam cuối cùng đã làm lành và hiểu nhau hơn.
Ông cố gắng gắn kết với Adam bằng cách dạy Adam học lái xe và mong anh được hạnh phúc. Cuối cùng, Adam và Michael ôm nhau, thể hiện sự hòa giải. Sau khi nhận thấy Michael thực sự đã thay đổi, Adam cũng muốn cha mẹ mình được hạnh phúc.
Đọc bài gốc tại đây.