Bài học về mối quan hệ gia đình từ phim “Sex Education”
Nếu bạn từng xem phim “Sex Education”, chắc hẳn bạn cũng sẽ giống tôi – bị cuốn hút bởi những tình tiết thú vị và gần gũi trong phim. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của các thiếu niên và người trưởng thành tại một thị trấn giả tưởng có tên Moordale. Các nhân vật chính thường phải đối mặt với các tình huống khó xử về tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ trong gia đình.
Khi xem phim “Sex Education”, cá nhân tôi thấy ấn tượng nhất với câu chuyện của hai cha con Michael Groff và Adam Groff. Ban đầu, Adam có mối quan hệ căng thẳng với cha – một hiệu trưởng nghiêm khắc và độc đoán, luôn gặp khó khăn trong việc kết nối với Adam về mặt tình cảm. Ông thường chỉ trích Adam và đặt ra những kỳ vọng cao mà Adam thấy khó đáp ứng.

Hai cha con Michael Groff và Adam Groff có mối quan hệ căng thẳng.
Thế nhưng, sau nhiều lần cãi vã, hai cha con nhà Groff dần dần thông cảm cho nhau hơn. Trong mùa cuối của phim “Sex Education”, Adam tìm thấy thành công và niềm vui khi làm việc trong nông trại, và bắt đầu xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với cha.
Michael, thông qua hành trình cá nhân và sự can thiệp của vợ, cũng thay đổi, dẫn đến một mối quan hệ hỗ trợ và thấu hiểu hơn với Adam.
Tập cuối của phim có cảnh hai bố con Michael và Adam ôm nhau, và Michael thậm chí còn đến trang trại của Adam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hòa giải của họ.

Hai cha con nhà Groff hòa giải ở phần cuối của phim “Sex Education”.
Câu chuyện về hai cha con nhà Groff cho chúng ta thấy rằng ngay cả những mối quan hệ thân tình nhất cũng cần rất nhiều nỗ lực vun đắp từ hai phía. Nếu chúng ta chỉ biết hờ hững, mối quan hệ dù tốt đẹp mấy cũng có thể rơi xuống vực sâu, để lại hậu quả khó lường.
Tôi – hơn ai hết – rất hiểu điều đó. Vì tôi đã học được bài học đắt giá này qua một trải nghiệm cách đây 5 năm.
Xem phim “Sex Education”, tôi nghĩ đến chính mình của 5 năm trước
Xem phim “Sex Education”, chứng kiến hai cha con Michael và Adam hòa giải đã khiến tôi nhớ đến chính mình của 5 năm trước. Khi đó, tôi là một cô sinh viên mới ra trường, vẫn sống cùng bố mẹ, ăn cơm mẹ nấu hằng ngày. Công việc của tôi rất bận rộn, tôi thường xuyên rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng, về lúc 8-9 giờ tối. Bố mẹ chỉ gặp tôi lúc ăn cơm – và tối nào ông bà cũng đợi tôi về để quây quần ăn tối cùng nhau.
Công việc của tôi dù tiến triển thuận lợi nhưng lại bào mòn sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi. Tôi thường xuyên về nhà trong tình trạng mệt lả, không còn sức lực. Tôi im lặng suốt bữa ăn, cảm thấy mọi lời hỏi han của bố mẹ đều là phiền phức. Có nhiều hôm, tôi còn cáu gắt khi mẹ liên tục giục tôi ăn thêm. “Con tự biết thế nào là đủ”, tôi to tiếng rồi buông đũa, chạy lên phòng đóng sập cửa.

Nhân vật Adam trong phim “Sex Education”.
Tình trạng căng thẳng của tôi kéo dài suốt 3-4 tháng. Mỗi lần về nhà, bất chấp sự quan tâm của mẹ, tôi chỉ đáp lại bằng sự lạnh nhạt, thờ ơ. Đỉnh điểm, trong một bữa tối, khi mẹ gắp cho tôi một miếng thịt gà, tôi lập tức phản ứng – hất tay mẹ khiến thức ăn rơi xuống đất. Cả bố mẹ tôi đều sững sờ. Còn tôi, do qua mệt mỏi sau một ngày dài ‘chạy deadline’, không còn sức để giải thích hay xin lỗi. Tôi lại chạy lên phòng của mình. Khi đi lên cầu thang, tôi nghe thấy tiếng mẹ khóc thút thít.
Tối hôm đó, khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra mình đã sai. Bố mẹ yêu thương chăm sóc tôi nhưng lại nhận lại phản ứng gay gắt và vô ơn. Tôi thật sự là đứa con bất hiếu. Tôi muốn nói lời xin lỗi với mẹ vì hành động tối hôm đó nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Từ bé đến giờ, tôi vẫn luôn là đứa con ngoan, ít khi mắc lỗi. Nhưng áp lực công việc đã biến tôi thành một con người ích kỷ, cục cằn, và rồi bố mẹ là người chịu tổn thương.
Những bữa cơm tối sau đó, chỉ có bố và tôi. Mẹ đã ăn từ sớm, tôi hiểu bà đang tránh mặt tôi. Thế nhưng, tôi vẫn bối rối, không biết phải xử lý tình huống này thế nào. Vậy là tôi im lặng, ngày ngày vẫn đi làm bình thường – và buổi tối chỉ có bố ngồi đợi. Nhiều lần tôi đứng ngoài cửa phòng mẹ, nhưng lời xin lỗi vẫn không thể nào thốt ra.
Đến một ngày nọ, tôi về nhà và chẳng thấy bố dưới bếp như mọi khi. Tôi chạy lên phòng ông bà thì thấy ông đang đo huyết áp cho bà. Hóa ra mẹ tôi vừa trải qua một cơn tăng huyết áp. Bà bị nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, vừa gọi bác sĩ đến khám và đã được cho uống thuốc.
Khi nghe bố kể lại, tôi chợt òa khóc. Tôi chạy lại bên giường mẹ và nói “con xin lỗi”. Tôi nói hết những cảm xúc của mình, rằng tại tôi vô lễ, bất hiếu nên mới khiến mẹ phải suy nghĩ nhiều ngày, rồi bệnh tình sau đó tái phát. Mẹ cũng khóc nhưng bà bảo tha thứ cho tôi, chỉ mong tôi khỏe mạnh, vui vẻ.
Lúc ấy, tôi hối hận vô cùng, giá như tôi biết nói lời xin lỗi sớm hơn để căng thẳng giữa hai mẹ con không leo thang đến mức này. Chỉ vì sự hèn nhát của tôi mà mẹ phải trằn trọc suốt nhiều ngày, sức khỏe giảm sút. Nhìn mẹ nằm nghỉ trên giường, tôi quyết định ngày mai sẽ xin nghỉ việc, ở nhà chăm sóc mẹ một thời gian. Công việc quan trọng thật đấy, nhưng tình cảm gia đình cũng quý giá không kém, và tôi không thể để bản thân lặp lại sai lầm này một lần nào nữa.
Đọc bài gốc tại đây.