Giám đốc GUR: Triều Tiên sẽ điều thêm quân chi viện
Theo The War Zone ngày 23/1, Giám đốc tình báo quân sự Ukraine tiết lộ, Triều Tiên dự kiến sẽ gửi thêm quân chi viện đến tỉnh Kursk của Nga.
Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), nói rằng lực lượng bổ sung chủ yếu từ Triều Tiên sẽ là các đơn vị tên lửa và pháo binh, thường sử dụng hàng trăm hệ thống pháo phản lực cỡ lớn và tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 mà Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Moscow.
Ông cho biết, pháo binh sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của cả Triều Tiên và Nga, trong khi tên lửa chỉ dành riêng cho các mục tiêu của Nga, đồng thời lưu ý rằng phía Triều Tiên cũng sẽ huấn luyện Nga về tất cả các hệ thống này.
“Chúng tôi không mong đợi sẽ thấy nhiều đơn vị bộ binh mới”, tướng Ukraine nói.

Giám đốc GUR tiết lộ, Triều Tiên sẽ triển khai thêm quân tiếp viện cho Nga. Ảnh: Getty
Trước đó, hôm 22/1, tờ The New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, quân chi viện của Triều Tiên dự kiến sẽ đến Kursk “trong vòng hai tháng tới”.
Trong khi đó, tướng Budanov không tiết lộ Triều Tiên sẽ triển khai thêm bao nhiêu quân chi viện cũng như thời gian triển khai.
Tuy vậy, người đứng đầu GUR cho hay, lực lượng chi viện của Triều Tiên sẽ tăng cường hỏa lực tầm xa ở cả mặt trận Kursk và Ukraine.
Ông nói, Triều Tiên đã cung cấp khoảng 120 khẩu pháo tự hành M1989 Koksan 170mm và 120 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M-1991 240mm cho Nga trong ba tháng qua và có thể sẽ gửi thêm ít nhất là số lượng tương tự trong tương lai.
“Họ có rất nhiều hệ thống như thế này”, ông nói thêm.
Tướng Ukraine cho biết, hầu hết các loại vũ khí này đang được sử dụng trên các mặt trận ở Ukraine hoặc để huấn luyện ở Nga và chúng đang gây khó khăn cho Ukraine ở tuyến đầu.
Ngoài pháo binh, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ gửi thêm 150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 tới Moscow vào năm 2025.
Tổng thống Trump cử tướng “ra trận”
Khi cuộc chiến Ukraine đang tiếp diễn, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho đặc phái viên Keith Kellogg, trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, “ra trận” với nhiệm vụ kết thúc cuộc chiến trong 100 ngày tới.
Tuy nhiên, ít người tin rằng ông Kellogg sẽ thành công – tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 22/1 đánh giá.

Đặc phái viên Keith Kellogg. Ảnh: UBN
Theo nguồn tin của WJS, vai trò của Kellogg với tư cách là Đặc phái viên tại Ukraine có thể là bước đầu tiên trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Kellogg sẽ tư vấn cho Tổng thống Trump về các cuộc đàm phán nhưng các đồng nghiệp cũ của ông cho biết vị tướng này thiếu kinh nghiệm của một nhà ngoại giao và có thể gặp khó khăn trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán chi tiết với Nga.
“Ông ấy chắc chắn sẽ không đưa ra bất cứ điều gì khác biệt so với những gì Tổng thống Trump muốn”, một cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia từng làm việc với tướng Kellogg chia sẻ.
Các đồng nghiệp cũ của đặc phái viên cho rằng, ông được bổ nhiệm vào vị trí này vì kế hoạch hòa bình mà ông đề xuất vào năm ngoái.
Kế hoạch này đề xuất trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine và đề nghị giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Nga để đổi lấy việc ký kết một thỏa thuận hòa bình. Kế hoạch cũng đề xuất dừng viện trợ quân sự cho Kiev nếu chính phủ Ukraine từ chối tham gia đàm phán hòa bình.
Tờ WSJ cho hay, các quan chức Điện Kremlin từng khẳng định, kế hoạch này là không khả thi.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng bày tỏ lo ngại Tổng thống Trump có thể thúc đẩy Kiev đưa ra những điều kiện bất lợi cho Moscow trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
“Tôi nghĩ [Tổng thống Vladimir] Putin biết cách tác động đến [Tổng thống Donald] Trump và ông Kellogg khó có thể trở thành đối trọng so với ảnh hưởng của [Tổng thống] Putin”, ông Bolton nói.
“Ông ấy sẽ chỉ làm theo mệnh lệnh của [Tổng thống Donald] Trump. Ông ấy có thể lập tức đưa ra đề xuất nhưng Trump chọn Kellogg không phải vì phán đoán độc lập của ông ấy”, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói thêm.
Đọc bài gốc tại đây.