Trang chủ Quốc tế Việt Nam “đi trước 1 bước” sát ngày ông Trump ký sắc lệnh: Đưa thuế nhập khẩu 1 ngành hàng từ Mỹ về 0%

Việt Nam “đi trước 1 bước” sát ngày ông Trump ký sắc lệnh: Đưa thuế nhập khẩu 1 ngành hàng từ Mỹ về 0%

bởi Admin
0 Lượt xem

Đợt tăng thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ

Theo tạp chí Foreign Policy ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế quan mở rộng nhất từ trước đến nay. Giới chuyên gia nhận định, đây có thể là đợt tăng thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ – một động thái tuy được hứa hẹn từ lâu nhưng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm nền kinh tế Mỹ và châm ngòi cho làn sóng phản ứng trên toàn cầu.

Tại buổi họp báo ở Vườn Hồng Nhà Trắng, vị Tổng thống đã áp dụng chính sách thuế nhập khẩu toàn diện và mạnh tay nhất trong nhiệm kỳ của ông. Theo đó, Mỹ áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu, đồng thời đánh thuế cao hơn đối với nhiều đối tác thương mại chủ chốt.

Ông Trump công bố thuế đáp ứng mới tại buổi họp báo ở Vườn Hồng Nhà Trắng. Ảnh: Foreign Policy

Chi tiết các mức thuế áp dụng riêng gồm: Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Thụy Sĩ (31%), Anh (10%), Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Brazil (10%), Indonesia (32%), Việt Nam (46%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%).

Trong đó, mức thuế 34% dành cho Trung Quốc sẽ được cộng thêm vào mức thuế 20% đã có hiệu lực từ đầu năm. Nói cách khác, hàng Trung Quốc sẽ chịu thuế ít nhất 54%.

Tại khu vực Đông Nam Á, 3 quốc gia chịu thuế cao nhất là Việt Nam (46%), Lào (48%) và Campuchia (49%).

Khoảng nửa giờ sau khi cầm chiếc bảng công bố mức thuế đối ứng với từng đối tác thương mại, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế.

Thông báo chính thức từ Nhà Trắng cho biết, mức thuế cơ bản sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, tiếp theo là các mức thuế đáp ứng cao hơn áp dụng từ ngày 9/4. Quyết định này được đưa ra dựa trên Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế từ thời cựu Tổng thống Carter, với lập luận rằng tình trạng thâm hụt thương mại hiện tại cần được xử lý như một vấn đề cấp bách.

Nhà Trắng giải thích rằng, chính sách mới nhằm 3 mục tiêu chính: Tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế quan, khuyến khích tái phát triển ngành sản xuất trong nước, và điều chỉnh cân bằng thương mại quốc tế.

Bảng thuế mới được ông Trump công bố trên tài khoản Truth Social.

Việt Nam chủ động ứng phó với việc Mỹ tăng thuế đối ứng

Báo VietnamPlus dẫn lời ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công Thương) nhận định, mức thuế của Mỹ với Việt Nam là mức cao đáng kể, dự kiến sẽ rất bất lợi với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ.

Hiện tại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã liên hệ với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) để tìm hiểu thêm một số thông tin liên quan khác và các căn cứ để tính toán.

Đáng lưu ý, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trước khi ông Trump công bố mức thuế đáp ứng mới, chính phủ Việt Nam đã có giải pháp chủ động để ứng phó tình hình.

Ngày 31/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định 73/CP về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%.

Trước đó, trong năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 332 triệu USD, trong đó 301 triệu USD là gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu với mức thuế bằng 0%, còn lại trên 20 triệu USD sản phẩm gỗ với mức thuế từ 15-25%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên 9 tỷ USD sản phẩm gỗ, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp.

Ông Hải cho biết, chính sách mới được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế hơn.

Ngày 31/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định 73/CP về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%. Ảnh: IT

Đối với ngành dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Hưng Yên cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với vấn đề tăng thuế từ thị trường Mỹ bằng cách định hướng chuyển dịch dần sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế.

Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ trương đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng như: Nga, Australia, NewZealand, cũng như tận dụng lộ trình giảm thuế thông qua FTA đã ký với châu Âu để tăng cường xuất khẩu…

Trước đó, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương đã kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để nắm được những biến động của thị trường Mỹ và các chính sách lớn của các thị trường nhập khẩu, qua đó doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất-kinh doanh của mình.

“Bộ cũng mong các doanh nghiệp có sự chủ động, linh hoạt và đặc biệt trong sản xuất, xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, cụ thể là sản xuất theo các tín hiệu của các thị trường” – Bà Nguyễn Cẩm Trang cho hay.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan