Trung Quốc vừa công bố rằng chiếc máy bay không người lái cỡ lớn mới nhất của nước này, được mệnh danh là “tàu mẹ” drone Jiu Tian (Cửu Thiên), sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào cuối tháng 6. Bắc Kinh mô tả đây là một “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong chiến tranh bằng UAV.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng, bất chấp các thông số ấn tượng, hệ thống này vẫn còn nhiều điểm yếu nghiêm trọng và có thể chỉ là “tuyên truyền”.
Quân đội Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa với mục tiêu vượt mặt Mỹ trở thành cường quốc quân sự hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương. Hiện Trung Quốc có số lượng tàu chiến vượt Mỹ, đồng thời phát triển mạnh các hệ thống chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD), đặc biệt là kho tên lửa đồ sộ.
Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào các công nghệ UAV và drone bầy đàn (swarm) để giành ưu thế trên không trong kịch bản chiến tranh.

“UAV mẹ” Cửu Thiên có thể chở theo 100 drone con sắp được thử nghiệm của Trung Quốc được cho là có thể thay đổi cuộc chơi, nhưng vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi.
UAV Jiu Tian có gì đặc biệt?
Do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, Cửu Thiên có sải cánh 25 mét, động cơ tuabin phản lực và có thể bay ở độ cao 15 km với tốc độ hơn 700 km/h và tầm bay 7.000 km.
Điểm nổi bật của nó là khả năng phóng hàng trăm UAV/drone nhỏ trong lúc đang bay, từ hai bên thân máy bay. Video mô phỏng cho thấy các drone nhỏ bay ra dày đặc như bầy ong từ một tổ.
Tải trọng tối đa của máy bay này lên tới 6 tấn, số lượng UAV có thể mang rơi vào khoảng 100 chiếc. UAV mẹ này được trang bị tên lửa đối không, chống hạm, tên lửa đối đất, bom thông minh nặng 1.000 kg.
UAV cũng có tính module, giúp nó có thể thay đổi cấu hình nhiệm vụ trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ (tấn công, cứu hộ, chiến tranh điện tử, liên lạc…). Bên cạnh đó là chức năng tiếp sóng, giúp nó có thể điều phối và gia tăng phạm vi hoạt động cho các UAV nhỏ.
Những lo ngại chiến thuật và kỹ thuật
Mặc dù có khả năng vượt trội trên lý thuyết, các nhà phân tích cảnh báo rằng: Kích thước lớn của Cửu Thiên khiến nó dễ bị phát hiện và trở thành “mục tiêu lý tưởng” cho hệ thống phòng không hiện đại. Không có khả năng tàng hình khiến nó dễ bị tiêu diệt trước khi kịp phóng UAV.
Ngoài ra, dù bay cao, nó vẫn nằm trong tầm với của nhiều hệ thống phòng thủ tầm xa như: THAAD, Patriot PAC-3 (Mỹ), Aegis BMD (Nhật), KM-SAM Block II (Hàn Quốc).
Tom Shugart (cố vấn tại Trung tâm An ninh Mỹ mới) bình luận: “Ý tưởng này rất thú vị, nhưng nếu không có khả năng tàng hình, Cửu Thiên có thể bị tiêu diệt từ xa trong một trận chiến cấp cao trước khi kịp phóng bất cứ drone nào. Vẫn đáng để theo dõi quá trình phát triển của nó”.
Một cựu huấn luyện viên Không quân Mỹ phân tích trên Twitter: “Cái này chẳng khác nào đem một đội máy bay tiếp dầu KC-10 vào vùng không phận đối phương. Một mục tiêu khổng lồ cho tên lửa. Hoàn toàn không có khả năng sống sót – đây chỉ là tuyên truyền kinh điển thôi”.
Dù vậy, theo CCTV, Cửu Thiên sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào cuối tháng 6. Đây là bước thử nghiệm then chốt để đánh giá liệu “tàu mẹ” này có thực sự mở ra thời đại mới của chiến tranh không người lái hay chỉ là một sản phẩm mang tính hình ảnh.
Đọc bài gốc tại đây.