Trang chủ Quốc tế Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa

bởi Admin
0 Lượt xem

Sau chiến tranh, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đặt ra câu hỏi: Điều gì là khó nhất?

Có người trả lời, điều khó nhất sau chiến tranh là đất nước bị tàn phá, có người nói là bao vây cấm vận, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng đó chính là hố sâu ngăn cách trong một dân tộc – ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhớ lại.

Năm 1986, chúng ta đứng trước quyết định đổi mới, mở cửa và thay đổi đầu tiên là thay đổi cục diện của đất nước. Lúc đó, một vấn đề đặt ra là phải bình thường hóa quan hệ với các nước. Điều này lại liên quan đến bộ phận người Việt Nam ở các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, dẫn đến yêu cầu phải đổi mới công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ năm 1998, việc xây dựng Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu được thực hiện. “Giai đoạn xây dựng Nghị quyết, ông Nguyễn Dy Niên là Chủ nhiệm, tôi làm phó, có trách nhiệm đi khảo sát và báo cáo lại. Được đến đâu báo cáo Bộ trưởng, báo cáo Ban Bí thư đến đấy. Khi có dự thảo văn bản, ông Vũ Khoan chữa từng chữ cho đến dấu chấm, dấu phẩy”, ông Bình kể lại.

Đến năm 2004 thì lấy ý kiến các bộ, ngành và chính thức ban hành ngày 26/3/2004.

Đây được xem là dấu mốc rất quan trọng trong công tác hòa hợp dân tộc. Trong đó, quan trọng nhất, Nghị quyết khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhân tố quan trọng để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 1.

Ngay sau khi Nghị quyết 36 ra đời, công tác hòa hợp dân tộc đã có những bước đột phá.

Khoảng những năm 2000, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu thúc đẩy cho việc chuyển nghĩa trang quân đội Biên Hòa dành cho binh lính, sĩ quan chế độ cũ thành nghĩa trang dân sự.

Kể từ sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang quân đội Biên Hòa được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Người nhà của họ muốn vào thờ cúng, thắp hương nhưng không được chính danh, ông Bình cho hay.

Thời điểm đó, đề xuất này vấp phải không ít kiến trái chiều. “Tôi phải trực tiếp bay vào làm việc nhiều lần, sự việc nhiều khi tưởng bế tắc cho đến khi có chủ trương từ chính Thủ tướng Phan Văn Khải”, ông Bình nhớ lại.

Đến tháng 11/2006, Quyết định số 1568/QĐ – TTg được ban hành, chính thức chuyển khu nghĩa trang sang sử dụng vào mục đích dân sự. Quyết định “dân sự hóa” nghĩa trang Biên Hòa được xem như một trong những bước đi có ý nghĩa trong việc hòa hợp dân tộc.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 2.

Đất nước mình có cái khó, trong một gia đình có khi có cả người theo quân giải phóng, có cả người ở lại bị bắt đi lính. Những việc nhỏ thế này nếu bỏ qua sẽ khiến cho hố sâu ngăn cách thêm kéo dài, ông Bình kể lại, nhắc về nỗ lực của tập thể Ủy ban thời điểm đó.

Nghị quyết 36 ra đời đánh dấu một bước chuyển trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài và được đánh dấu bằng một sự kiện gây được nhiều tiếng vang thời điểm đó: mời ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về nước.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 3.

Tháng 4/2001, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Mỹ. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, ông Hùng đã coi công tác hòa hợp dân tộc là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình.

Trên cả nước, nhất là ở miền Nam biết bao gia đình tan nát, người thân ly tán… rất nhiều gia đình xảy ra cảnh có người trong gia đình tham gia cách mạng, nhưng người khác lại đứng trong hàng ngũ chính quyền Sài Gòn… Do đó, sau chiến tranh bên cạnh nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh thì công tác thực hiện hòa hợp dân tộc là cấp bách và rất quan trọng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco nói.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến quận Cam ở Nam California, ông Hùng đã đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy tại nhà riêng và một số trí thức Việt kiều khác.

“Ông Phạm Duy tiếp đãi tôi niềm nở, tặng tôi nhiều băng đĩa nhạc của ông và kể rằng gia đình ông là những người duy nhất ở hải ngoại lúc đó sinh sống được bằng nghề ca hát”, ông Hùng kể lại.

Sau chuyến đi đó, ông Hùng kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cho ông Phạm Duy về thăm Việt Nam.

Ông Phạm Duy không phải là chính khách của chế độ Sài Gòn, nhưng ông là nhạc sĩ lớn, có ảnh hưởng lớn trong giới văn nghệ sỹ ở miền Nam trước năm 1975. Đồng thời, gia đình, họ hàng ông Phạm Duy cũng có nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn trước năm 1975.

“Lúc đó tôi cân nhắc và cho rằng nếu nhạc sĩ Phạm Duy về nước thì sẽ là minh chứng cho thấy Nhà nước ta thực sự muốn khép lại quá khứ, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc và điều đó sẽ có ý nghĩa lớn đối với cả đồng bào miền Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Thực tế sau này chứng minh đúng như vậy. Việc ông Phạm Duy về nước và nhiều người trong gia đình ông hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực.

Sau đó, vào khoảng năm 2004 – 2005, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco nhận được một số tín hiệu tích cực.

Qua theo dõi báo chí của cộng đồng người Việt tại bang California, ông Hùng nhận thấy ông Nguyễn Cao Kỳ có một số nhận định thức thời và phù hợp với thực tế.

“Ví dụ, có người hỏi ông ấy là tại sao không bao giờ tham gia vào các cuộc diễu binh của kỷ niệm ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông ấy đã cười và trả lời rằng ngày trước có cả hơn triệu quân mà còn thua thì bây giờ diễu binh thì dọa được ai? Hay có lần ông ấy nói: ngẫm cho cùng thì mình cũng bị người Mỹ ấn súng vào tay mà đánh nhau với cộng sản thôi”, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cho hay.

Từ khi còn ở Hà Nội, ông Hùng có quen và giữ liên lạc với một người Việt kiều tên là Tony Lê Đình, kinh doanh ở Chicago, nhân dịp ông về Việt Nam. Cuối năm 2003, vợ chồng ông Lê Đình mời vợ chồng ông Hùng đến Chicago chơi.

Trong câu chuyện, ông Đình có kể khi còn ở Sài Gòn đã là chỗ thân quen của ông Nguyễn Cao Kỳ. Lúc đó, ông Đình làm tại Bộ Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn và đã có quyết định sang làm Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C, nhưng ông chưa kịp đi thì ta thống nhất đất nước.

Ông Đình cũng hé lộ ý muốn về thăm Việt Nam của ông Kỳ. Ông Hùng liền đề nghị: “Thế thì anh nói với ông Kỳ rằng tôi mời vợ chồng ông ấy đến San Francisco chơi golf với tôi”.

Sau khi về lại San Francisco, ông Hùng báo cáo về “nhà” và được chấp thuận mời vợ chồng ông Kỳ đến San Francisco chơi golf.

Thông thường cuộc tiếp xúc đầu tiên dễ gượng gạo. Hiểu được điều này, ông Hùng chủ động lựa chọn hình thức là một buổi chơi golf nên việc giữ ý, gượng gạo qua đi rất nhanh và không khí trở nên thân mật, vui vẻ. Sau buổi chơi golf, ông Hùng và ông Nguyễn Cao Kỳ còn tiếp tục trò chuyện trong bữa trưa.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 4.

Sau buổi chơi golf, ông Hùng và ông Nguyễn Cao Kỳ còn tiếp tục trò chuyện trong bữa trưa. Ảnh: NVCC

Ông Kỳ muốn nhận được một lời mời nhưng thời điểm đó, cơ quan trong nước không thể mời mà chỉ có thể cấp thị thực cho vợ chồng ông về thăm đất nước như mọi người Việt Nam ở nước ngoài khác.

Đầu năm 2004, ông Nguyễn Đình Bin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài dẫn đầu đoàn đại biểu liên ngành thăm San Francisco. Nhân dịp này, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã tổ chức một buổi đánh golf nữa có sự tham gia của vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ.

Theo đề nghị của bà Kim, vợ ông Kỳ, 4 người chia đội chơi cho vui và tăng tính cạnh tranh: vợ chồng ông Kỳ một đội, 2 nhà ngoại giao Việt Nam một đôi. Trong 4 người thì bà Kim chơi giỏi nhất. Bà ghi được nhiều điểm và ông Kỳ nói đùa là số ông được nhờ vợ.

“Vợ chồng ông Kỳ luôn dẫn trước còn chúng tôi luôn ở thế rượt đuổi. Đến lỗ cuối cùng chúng tôi vẫn bị dẫn một lỗ. Cuối cùng, ông Bin đã gạt bóng (putt) từ xa vào lỗ. Thế là hòa. Tất cả đều vui vẻ”, ông Hùng tiết lộ.

Mặc dù khởi đầu thuận lợi, ông Hùng cho biết ông vẫn không khỏi lo lắng khi sắp xếp cho ông Nguyễn Cao Kỳ về nước. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của chế độ cũ về thăm đất nước, trong khi ông Kỳ xưa nay vốn rất nổi tiếng về những phát ngôn mạnh mẽ.

Nếu vì lý do nào đó mà Nhà nước ta hoặc ông Kỳ có phát ngôn nào đó gây hiểu nhầm thì ko tốt chút nào cho công tác hòa hợp và hòa giải dân tộc, ông Hùng chia sẻ.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 5.

Do đó ngay trước khi ông Kỳ lên đường về Việt Nam, ông Hùng đã gọi điện cho ông Kỳ và nói đại ý: “Chuyến đi này của ông là rất quan trọng trong việc khép lại quá khứ, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Vì vậy rất mong ông giữ gìn, tránh các phát biểu có thể gây hiểu nhầm. Về phía tôi, tôi bảo đảm với ông rằng Nhà nước Việt Nam thực sự muốn hòa giải”.

Thực tế là chuyến thăm Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ đã diễn ra tốt đẹp. Ông Kỳ đã được ông Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp.

Sau chuyến thăm đó, ông Kỳ còn về thăm Việt Nam nhiều lần nữa.

Chuyến đi về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ đã tạo được bầu không khí tích cực và có vai trò quan trọng trong việc cho thấy nghị quyết 36 đã thực sự đi vào đời sống, ông Bình cho hay.

Sau nhiều lần về Việt Nam, ông Kỳ cởi mở hơn.

“Về nước một thời gian, ông ấy nói với tôi rằng, xưng hô ông với tôi nghe xa lạ, ông ấy bắt chước ở trong nước, xưng hô là anh với tôi có được không? Từ đấy là chúng tôi xưng hô với nhau là anh – tôi. Ông ấy sinh năm 1930, còn tôi sinh năm 1948”, ông Bình kể lại.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 6.

Năm 2005, khi ông Nguyễn Phú Bình có dịp sang bang Lousianna, Mỹ, một Việt kiều tên là Nguyễn Hải có mời ông đến nhà và nói sẽ dành cho ông một sự bất ngờ. Đến nhà, vừa đỗ xe, ông Hải hô to: “Ê Tướng râu kẽm! Ra đây có khách quý”.

Thế là ông Nguyễn Cao Kỳ mặc bộ pijama chạy ra, thốt lên: “Ủa, sao không thấy ông này nói gì cả”.

Ông Hải cười: “Vậy mới là bất ngờ!”

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 7.

Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy đến gặp ông Nguyễn Phú Bình, bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại Việt Nam. “Ông ấy chia sẻ là đã 80 tuổi, không muốn đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ nữa và còn ước vọng là hoàn thành một tác phẩm kể Truyện Kiều bằng âm nhạc”, ông Bình nhớ lại.

“Tất nhiên là tôi tán thành. Đất nước mình cởi mở, mở rộng cửa với tất cả người Việt Nam ở nước ngoài”, ông nói thêm.

Ngày 25/7/2005, ông Nguyễn Phú Bình tiếp nhạc sĩ Phạm Duy tại Hà Nội và thông báo Chính phủ Việt Nam cho phép nhạc sĩ Phạm Duy cùng các con về nước sinh sống và tham gia các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật. Các tác phẩm âm nhạc có nội dung tích cực của nhạc sĩ cũng được phép phổ biến ở trong nước.

Thời điểm đó, trả lời báo chí về sự trở về của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Nếu tôi không về nước mà cứ sống như 30 năm nay ở nước ngoài thì tôi không phải là Phạm Duy nữa”.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 8.

Năm 2014, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện 2 hành trình đặc biệt. Đó là hải trình ra Trường Sa với thành phần trong đoàn gồm nhiều thành phần chống đối dữ dội và đến thắp hương tại nghĩa trang Nhân dân Bình An ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trước đó từng là nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Lúc đó chúng ta đã giành được rất nhiều thắng lợi trên tất cả các mặt trận kinh tế chính trị văn hóa, giáo dục, xã hội, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới rồi. Nhưng thế lực chống đối ở bên ngoài hình thành từ cộng đồng người Việt ra đi sau năm 1975, chủ yếu là những người từng làm việc với chính quyền Sài Gòn trước đây, vẫn tung các thông tin không đúng sự thật, ông Sơn cho hay.

“Các thế lực bên ngoài tung tin Việt Nam dâng hết biển đảo, vậy ta cho họ ra để họ xem tận mắt chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo như thế nào”, ông Sơn kể lại ý tưởng táo bạo của mình khi đó.

Hải trình Trường Sa cho các kiều bào ở nước ngoài thực tế đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, chuyến đi từng được nói vui là đoàn “hợp chúng quốc ra Biển Đông”. Ngay sau chuyến đi này, hoạt động biểu tình chống đối các đoàn của chúng ta sang Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, hải trình Trường Sa năm 2014 vẫn rất đáng nhớ bởi đây có thể được xem là hành trình có sự tham gia của nhiều thành phần chống đối gay gắt nhất từ trước đến nay. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Lập, cựu Thiếu úy thủy quân lục chiến thời Việt Nam Cộng hòa.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 9.

Trước đó hai năm, tại Mỹ, chính ông Nguyễn Thanh Sơn đã có cuộc gặp “một đối một” với Nguyễn Ngọc Lập. “Tôi tiếp cận Nguyễn Ngọc Lập bằng cách rất đơn giản thôi, đó là tình người. Tôi gửi lời thăm anh ấy trước”, ông Sơn kể lại.

Ông Sơn hẹn gặp Nguyễn Ngọc Lập tại khách sạn. Đến khách sạn, Nguyễn Ngọc Lập còn mang theo một nhóm “đầu gấu” ở bên ngoài vì lo bị phục kích.

Trái ngược với nỗi lo ấy, ông Sơn tiếp đón Nguyễn Ngọc Lập với một thái độ cởi mở. Nguyễn Ngọc Lập cố ý để cho nhà ngoại giao Việt Nam thấy ông ta không mang theo bất kỳ vũ khí trên người. “Anh yên tâm. Tôi đến đây gặp anh cũng chỉ có tôi và ông Tổng Lãnh sự”, ông Sơn thẳng thắn.

Cuộc nói chuyện kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Ông Sơn chia sẻ chân thành về tình hình quê hương, đất nước, những mong muốn của những người trong nước với cộng đồng hải ngoại.

“Anh với tôi gặp nhau là hai người Việt Nam nói với nhau bằng một thứ tiếng. Chúng tôi sang tận đây tiếp xúc các anh, mong muốn các anh hiểu rõ về đất nước. Chúng tôi thiện chí, chân thành, không có hận thù, kế thừa truyền thống của ông cha ta là cưu mang đùm bọc lẫn nhau”, ông Sơn nói.

Mặc dù có lo lắng, ông Sơn vẫn vững tin vào lòng chân thành của mình. “Tôi tin vào sự chân thành của mình. Nếu thuyết phục họ không nghe mình thì họ cũng không thể tấn công mình được”, ông Sơn cho hay.

Thực tế, Nguyễn Ngọc Lập đã xúc động trước sự chân thành, câu chuyện có những lúc như tâm sự.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 10.

Ông Sơn có mang theo và tặng Nguyễn Ngọc Lập chiếc cà vạt lụa bằng lụa Hà Đông. “Tôi tặng chiếc cà vạt này để anh nhớ về quê hương đất nước, đây không phải là cà vạt Anh, Mỹ, đây là cà vạt lụa Hà Đông, anh là người miền Bắc, anh hãy nhớ về cội nguồn dân tộc”, vị nguyên Thứ trưởng nói với Nguyễn Ngọc Lập.

Nhận món quà từ ông Sơn, Nguyễn Ngọc Lập nói sẽ tặng chiếc cà vạt này cho con trai để nhớ đường về Tổ quốc.

Sau chuyến hải trình ra Trường Sa năm đó, ông Sơn còn một hoạt động đặc biệt nữa. Đó là đưa đoàn kiều bào ra thăm và thắp hương tại nghĩa trang Nhân dân Bình An ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trước đây là nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa.

Thời điểm đó, các thế lực chống phá bên ngoài tuyên truyền rằng chính quyền đang có ý định san bằng nghĩa trang Bình An để làm đường giao thông. Trước những thông tin không đúng sự thật như vậy, ông Sơn nảy ra một kế hoạch mà thời điểm đó được xem là khá táo bạo.

“Tôi đưa họ đi thăm nghĩa trang Bình An. Trước đó, tôi đưa họ đến nghĩa trang liệt sĩ của chúng ta, thắp hương cho Bác Hồ, cho các bà mẹ Việt Nam, cho các liệt sĩ của chúng ta, để họ hiểu là không có câu chuyện phá nghĩa trang, cũng không có sự phân biệt”, ông Sơn kể lại.

Lúc đó, cũng có nhiều ý kiến về việc một Thứ trưởng đi thắp hương tại nghĩa trang cho lính Việt Nam Cộng hòa nhưng may mắn là các lãnh đạo ủng hộ việc này, ông Sơn nói.

Trận đánh golf rượt đuổi, chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và hải trình đặc biệt chưa từng có ra Trường Sa - Ảnh 11.
Đoàn Lan Hương
Thanh Phạm, Đức Lâm, CP, NVCC
Bạch Quả

30/04/2025 11:24

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan