Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã đồng ý bán cho Ả-rập Xê-út gói vũ khí trị giá gần 142 tỷ USD, được gọi là thỏa thuận “hợp tác quốc phòng” lớn nhất mà Washington từng thực hiện.
Việc dỡ bỏ trừng phạt Syria sẽ là một cú huých lớn cho quốc gia bị tàn phá sau hơn 1 thập kỷ nội chiến. Lực lượng nổi dậy do Tổng thống hiện tại Ahmed al-Sharaa lãnh đạo đã lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman trong cuộc gặp ngày 13/5. (Ảnh: AP)
Phát biểu tại diễn đàn đầu tư ở Riyadh ngày 13/5, Tổng thống Trump cho biết ông làm điều này theo đề nghị của Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo thực tế của Ả-rập Xê-út.
“Ôi, tôi đã làm gì vì Thái tử”, ông Trump nói, khiến khán giả bật cười. Tổng thống Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt từng đóng vai trò quan trọng, nhưng đã đến lúc Syria cần tiến về phía trước.
Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ. Mỹ tuyên bố Syria là quốc gia bảo trợ khủng bố từ năm 1979, áp đặt trừng phạt từ năm 2004 và gia tăng các biện pháp sau khi nội chiến bùng nổ vào năm 2011.
Ngoại trưởng Syria Asaad al-Shibani viết trên mạng xã hội X, rằng kế hoạch này đánh dấu một “khởi đầu mới” cho tiến trình tái thiết của Syria. Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ có cuộc gặp xã giao ngắn với Tổng thống Sharaa tại Ả-rập Xê-út trong ngày 14/5.
Ông Trump và Thái tử bin Salman đã ký thỏa thuận hợp tác bao gồm các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, khai khoáng và nhiều lĩnh vực khác. Những chuyển động này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ tăng cường quan hệ với Ả-rập Xê-út, nhằm cải thiện quan hệ của khu vực với Israel và làm đối trọng với Iran.
Theo tài liệu của Nhà Trắng, thỏa thuận này bao gồm hợp đồng với hơn chục công ty quốc phòng Mỹ trong các lĩnh vực phòng thủ tên lửa và không gian, không quân, an ninh hàng hải và truyền thông.
Chưa rõ thỏa thuận có bao gồm tiêm kích Lockheed F-35 hay không, dù một số nguồn tin cho biết đã có thảo luận về vấn đề này. Thái tử Ả-rập Xê-út cho biết, tổng giá trị thỏa thuận có thể đạt 1.000 tỷ USD khi các hợp đồng tiếp theo được ký kết trong vài tháng tới.
Ả-rập Xê-út là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ, và hai nước duy trì mối quan hệ chặt chẽ suốt nhiều thập kỷ, dựa trên thỏa thuận: Vương quốc cung cấp dầu mỏ, Washington cung cấp bảo đảm an ninh.
Tuy nhiên, quan hệ song phương từng căng thẳng sau vụ nhà báo người Ả-rập Xê-út sống tại Mỹ Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018, gây phẫn nộ toàn cầu.
Ả-rập Xê-út đón tiếp nhà lãnh đạo Mỹ với nghi lễ cực kỳ trọng thị. Khi chiếc Không lực Một tiến gần đến Riyadh, đội phi công Ả-rập Xê-út điều 6 tiêm kích F-15 hộ tống máy bay. Sau buổi lễ uống cà phê truyền thống bên trong nhà ga hoàng gia tại sân bay, chiếc limousine của ông Trump được hộ tống bởi đội cưỡi ngựa trắng mang theo cờ Mỹ và Ả-rập Xê-út, trong khi đội danh dự xếp hàng với những thanh kiếm vàng.
Sau Riyadh, ông Trump sẽ thăm Qatar trong ngày 14/5 và UAE ngày 15/5, trong chuyến công du tập trung vào đầu tư thay vì các vấn đề an ninh Trung Đông .
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã tham dự sự kiện, bao gồm tỷ phú Elon Musk – CEO Tesla, CEO OpenAI Sam Altman, CEO BlackRock Larry Fink và CEO Blackstone Stephen Schwarzman.
Ông Trump đã gặp gỡ một số quan chức Ả-rập Xê-út, bao gồm thống đốc quỹ đầu tư quốc gia Yasir al-Rumayyan, CEO Aramco Amin Nasser và Bộ trưởng Đầu tư Khalid al-Falih, khi ông xem các mô hình cho những dự án phát triển khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la của vương quốc này.
Lạnh nhạt với Israel, cảnh báo Iran
Trong chuyến thăm, ông Trump không thăm Israel , làm dấy lên câu hỏi về vị trí của đồng minh thân cận này trong ưu tiên chính sách của Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ được nói là đang gây áp lực để Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza.
Ông Trump nói ông “rất hy vọng” Ả-rập Xê-út sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Israel, nối tiếp các quốc gia Ả-rập khác. “Nhưng các bạn sẽ làm điều đó vào thời điểm phù hợp của mình”, ông nói.
Việc Thủ tướng Netanyahu phản đối thành lập nhà nước Palestine khiến tiến trình bình thường hóa với Ả-rập Xê-út khó có khả năng xảy ra.
Cũng trong chuyến đi, ông Trump gọi Iran là “lực lượng hủy diệt nhất” ở Trung Đông và cảnh báo Mỹ sẽ không bao giờ cho phép nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ cho biết sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận mới với Tehran nếu lãnh đạo nước này thay đổi hướng đi.
“Tôi muốn đạt được một thỏa thuận với Iran. Nhưng nếu giới lãnh đạo Iran từ chối cành ô liu này… chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt áp lực tối đa một cách tàn khốc”, ông Trump nói.
Đọc bài gốc tại đây.