Trang chủ Quốc tếThời sự thế giới Việt Nam đang có 2 công cụ quan trọng và bài học khi đàm phán thuế quan với Mỹ từ nước láng giềng

Việt Nam đang có 2 công cụ quan trọng và bài học khi đàm phán thuế quan với Mỹ từ nước láng giềng

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngụ ý của Mỹ trên mặt trận truyền thông

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố “thuế đối ứng” và ngày công bố được gọi là “ngày độc lập”.

Cách dùng từ này mang nhiều ngụ ý, PGS. TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại tọa đàm Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hôm 8/5. 

Việc sử dụng từ retaliatory (đối ứng, trả đũa) có khả năng phía Mỹ muốn nhấn mạnh về việc đàm phán, việc tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia này. Bên cạnh đó, hiệu ứng truyền thông và gây sức ép trên bình diện quốc tế sẽ thành công hơn nếu sử dụng tên gọi mới này.

Dưới góc độ về thuế, cần hiểu rõ ràng đây là thuế nhập khẩu, không phải loại thuế mới, ông Nghị cho hay.

Khi công bố liên quan đến thuế đối ứng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh về thuế suất mà không phải là mặt hàng chịu thuế và giá tính thuế. Điều này lý giải là vì thuế suất là chữ số và % là ký hiệu quốc tế, dễ hiểu và dễ lan tỏa trên phương tiện truyền thông. Hiệu ứng lan tỏa chưa từng thấy đã được ghi nhận khi chính phủ nhiều nước phải họp khẩn, PGS. TS Phan Hữu Nghị nói.

- Ảnh 1.

Ngành dệt may sẽ là một trong những ngành bị tác động lớn nhất. Ảnh: Reuters

Về các tác động đến Việt Nam, PGS.TS Phan Hữu Nghị đánh giá thuế đối ứng tác động tới xuất khẩu Việt Nam ngay từ trong giai đoạn đàm phán và gây ra tác động trực tiếp đến các ngành hàng có kim ngạch lớn là ngành điện tử – linh kiện, ngành dệt may – da giày, thủy sản (đặc biệt là tôm), gỗ và sản phẩm từ gỗ, nhựa, cao su và máy móc.

Bên cạnh đó, phần lớn xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi bị áp thuế, lợi thế so sánh không còn nữa. Các DN sản xuất theo chuỗi FDI có thể tìm đến các nước có ưu đãi thuế, có lợi thế so sánh tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, một điều đáng lo là hàng hóa từ các nước khác nước không xuất khẩu được sang Mỹ thì sẽ tìm kiếm thị trường khác, trong đó Việt Nam là một thị trường mà họ tìm kiếm để đi vào, vì Việt Nam có nhiều FTA với các quốc gia khác.

Trong bối cảnh các DN nhỏ và vừa, hộ gia đình Việt Nam vẫn chủ yếu sống bằng trị trường trong nước, nên tác động không chỉ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu mà còn tác động trực tiếp đến DN hoạt động ở thị trường trong nước rất nhiều. Đây là một điều rất cần lưu ý tới.

Hai công cụ quan trọng

Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận thương mại dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Nghị, quan trọng là Việt Nam đạt được với mức thuế suất bao nhiêu và Việt Nam phải cam kết cắt giảm thuế những dòng hàng nào để đưa cán cân thương mại đến cân bằng.

Nếu không có chiến lược cụ thể, rà soát danh mục cắt giảm thuế và lợi thế so sáng ngành hàng để cắt giảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Viện Phó Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Việt Nam và Mỹ đã có vòng đàm phán đầu tiên về thương mại song phương vào ngày 7/5. Việt Nam là một trong 6 quốc gia – bên cạnh Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Indonesia – mà Hoa Kỳ ưu tiên cao hơn trong các cuộc đàm phán.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chặt chẽ đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan theo dõi diễn biến, nhanh chóng hoàn thiện các đề xuất, chuẩn bị đàm phán theo tinh thần “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam không nên chỉ quan tâm đến 2 nền kinh tế lớn nhất mà nên quan tâm tới quan hệ các cường quốc bậc trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Úc… nhất là trong bối cảnh cuộc chiến cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung sẽ lâu dài.

Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng đây là thời điểm chúng ta có cơ hội quan trọng không kém là tái cơ cấu nền kinh tế, điều chỉnh chiến lược. Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn, bà Lan nói.

“Chúng ta có 2 nghị quyết cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược phát triển kinh tế cho Việt Nam trong tương lai là Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học công nghệ và Nghị quyết 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân. Đây là 2 công cụ, chỗ dựa vô cùng quan trọng để giúp định hướng lại tất cả các ngành. Vượt qua cuộc đàm phán thuế với Mỹ chỉ là một phần”, bà Lan nói.

Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, để giảm thiểu tác động, cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mụ tiêu sau: ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa, duy trì niềm tin của nhà đầu tư, chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong khối ASEAN, Việt Nam là nước có kim ngạch thương mại lớn nhất với Mỹ. Ông Nghị cho rằng, nếu Việt Nam có thể đạt được mức thuế suất tương đồng với các nước ASEAN thì là một thành công.

“Chúng ta có thể học Singapore cách thiết kế hệ thống thuế, sử dụng hiệu quả nguồn thu thuế, học hỏi cách thu hút đầu tư nước ngoài. Với Thái Lan là cách thức vận hành của các công ty Trung Quốc và phương Tây tại Thái Lan trong bối cảnh thương mại hóa”, ông Nghị nói.

Với Campuchia, ông Nghị đánh giá dù nước này đi sau nhưng lại có những thành tựu hiệu quả hơn trong đàm phán các hiệp định thuế. Campuchia đã giảm thuế về mức 5% với tất cả các mặt hàng của Mỹ. “Học để không đàm phán quá mức. Trong đàm phán, đúng và đủ là 2 tiêu chí cần thiết nhất”, ông Nghị nói.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan