Vụ không kích xảy ra lúc 11h30 sáng ngày 24/7 (giờ địa phương) tại quận Shevchenkivskyi, thành phố Kharkov – trung tâm hành chính của tỉnh cùng tên. Theo giới chức Ukraine, hai quả bom lượn đã rơi trúng một tòa nhà chung cư cao tầng và một cơ sở sản xuất dân sự, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thống đốc tỉnh Kharkov, ông Oleh Syniehubov, cho biết nhiều người dân vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà nhiều tầng. Vụ nổ cũng làm bùng phát một đám cháy lớn tại khu công nghiệp bị đánh trúng.
Theo thông báo ban đầu, trong số 33 người bị thương có một bé gái 10 tuổi, hai thiếu niên 17 tuổi và một trẻ sơ sinh mới 1 tháng tuổi. Hiện lực lượng cứu hộ, bao gồm y tế, cảnh sát và nhân viên cứu nạn, vẫn đang khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm và sơ cứu tại hiện trường.
Ngay sau vụ không kích, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hành động của Moscow, gọi đây là những “cuộc tấn công vô nghĩa và phi quân sự”.
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hệ thống phòng không hiện đại và tăng cường năng lực sản xuất vũ khí cho Ukraine. Tất cả những điều này đều thiết yếu để cứu lấy sinh mạng của người dân”, ông Zelensky kêu gọi.

Một khu dân cư tại Kharkov bị hư hại do trúng không kích, ngày 24/7/2025. (Ảnh: Ảnh: Ukraine’s Emergency Service)
Trong những tháng gần đây, các lực lượng Nga liên tục gia tăng sức ép lên Kharkov – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm cách biên giới Nga chỉ hơn 20 km. Các cuộc tấn công bằng tên lửa, bom lượn và máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng và khu dân cư ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
Trước đó vào ngày 18/7, quân đội Nga cũng đã pháo kích vào thị trấn Chuhuiv thuộc tỉnh Kharkov, làm bị thương 4 người và phá hủy nhiều nhà dân.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tại khu vực đông bắc Ukraine khi Moscow dường như đang mở rộng chiến dịch quân sự sát biên giới nhằm phá vỡ thế trận phòng thủ của Kiev.
Hiện Nga chưa lên tiếng về vụ tấn công mới nhất vào Kharkov.
Bom lượn (glide bomb) là loại vũ khí có khả năng bay xa hàng chục km từ vị trí thả mà không cần động cơ, nhờ thiết kế cánh mở rộng và hệ thống dẫn đường. Loại bom này đặc biệt nguy hiểm vì có thể đánh trúng mục tiêu cố định từ khoảng cách an toàn, tránh hệ thống phòng không của đối phương.
Việc sử dụng bom lượn vào khu dân cư được các chuyên gia quốc tế lên án mạnh mẽ vì tính chất sát thương diện rộng và khó kiểm soát của loại vũ khí này, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư.
Nga chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận việc sử dụng bom lượn trong cuộc chiến tại Ukraine.
Đọc bài gốc tại đây.