Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày mới đây đưa tin, hệ thống phòng không này có tên đầy đủ là “Hệ thống vũ khí chống đàn máy bay không người lái và chống tên lửa”, được tiết lộ trong ấn bản tháng 4 của tạp chí Binh khí Hiện đại (Trung Quốc).
Yu Bin – nhà thiết kế chính của hệ thống – cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí rằng thứ mà loại vũ khí này bắn ra là một “bức tường đạn” có thể bao phủ các vị trí bay tới của tất cả các mục tiêu, đạt được khả năng đánh chặn hiệu quả với khái niệm “mặt phẳng tới điểm”.
Các loại súng phòng không thông thường sử dụng khái niệm đánh chặn “điểm tới điểm”, nhưng khi nhiều súng phòng không khai hỏa cùng lúc, chúng có thể tăng mật độ hỏa lực và khả năng đánh chặn, Yu cho biết, lưu ý rằng hệ thống mới của ông được phát triển với khái niệm tương tự.
Tạp chí Binh khí Hiện đại đã giới thiệu một nguyên mẫu của loại vũ khí này. Nó có 16 nòng súng sử dựng loại đạn đặc biệt.

“Hệ thống vũ khí chống đàn máy bay không người lái và chống tên lửa” mới được Trung Quốc phát triển, được tạp chí Binh khí Hiện đại tiết lộ vào tháng 4/2025. Ảnh chụp màn hình từ tài khoản WeChat của tạp chí Binh khí Hiện đại
Nhà thiết kế Yu cho biết hệ thống vũ khí phòng không tầm gần này là hệ thống đầu tiên trên thế giới thuộc loại này, nhằm mục đích đối phó với các mối đe dọa trên không như đàn máy bay không người lái (UAV). Hệ thống này có đặc điểm là tốc độ nạp đạn nhanh, mật độ hỏa lực cao, quy mô hỏa lực có thể kiểm soát được, sức mạnh hủy diệt vượt trội và khả năng hỗ trợ quân đội trong các cuộc diễn tập.
Những loại vũ khí phòng không hiện tại có những nhược điểm trong việc chống lại đàn UAV, vì chúng không đủ khả năng đối phó với các cuộc tấn công dồn dập và hiệu quả chi phí thấp. Tuy nhiên, khí tài mới của Trung Quốc không có những nhược điểm này, Yu cho biết.
Hệ thống vũ khí này đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm chống lại đàn UAV và kết quả cho thấy nó có thể bắn hạ tất cả các UAV cỡ nhỏ chỉ bằng một loạt đạn, Yu cho biết.
Ngoài đàn UAV, hệ thống vũ khí mới này cũng có thể đánh chặn các loại đạn dược phóng từ trên không tốc độ cao như tên lửa. Theo nhà thiết kế Yu, hệ thống này có thể chống lại tên lửa, đạn cối và đạn pháo lựu.
Trong khi mục tiêu chính của loại vũ khí mới này là tiêu diệt các mục tiêu trên không như đàn UAV, máy bay cánh cố định, trực thăng và tên lửa hành trình, thì khi cần thiết, nó cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc mặt nước, ông cho biết.
Nhà thiết kế Yu cho biết thêm rằng hệ thống này cũng được mô-đun hóa, để có thể lắp đặt trên xe tải, xe bọc thép bánh xích hoặc bánh lốp, cũng như tàu chiến.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Fu Qianshao nói với Thời báo Hoàn cầu rằng ông thấy triển vọng tốt ở loại vũ khí mới này vì tối ưu được chi phí và có hiệu quả trước các đàn UAV và tên lửa.
Hệ thống vũ khí tấn công này không chỉ hấp dẫn trong nước Trung Quốc mà còn có thể đưa ra thị trường quốc tế, vì các chiến trường phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng do UAV gây ra, Fu cho biết.

Những loại vũ khí phòng không hiện tại có những nhược điểm trong việc chống lại đàn UAV, vì chúng không đủ khả năng đối phó với các cuộc tấn công dồn dập và hiệu quả chi phí thấp. Ảnh: AI
Kế hoạch phòng thủ mới của Đài Loan (Trung Quốc) đề cao UAV
Trang Interesting Engineering (Mỹ) đưa tin, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) đang hợp tác để bố trí hàng chục nghìn UAV tại Eo biển Đài Loan.
Dọc theo Eo biển Đài Loan, Mỹ đã bắt đầu triển khai UAV tầm xa, chẳng hạn như MQ-4C Triton.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã đặt hàng 3.500 UAV sản xuất nội địa để chống lại quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, chính quyền Đài Loan còn có kế hoạch thành lập một cơ sở thử nghiệm UAV lớn tại thành phố Gia Nghĩa ở phía tây nam hòn đảo để giúp thiết lập chuỗi cung ứng UAV của mình.
Theo Interesting Engineering, kế hoạch phòng thủ mới của Đài Loan nhấn mạnh vai trò quan trọng của UAV trong nhiều hoạt động quân sự khác nhau.
Trong giai đoạn phòng thủ ban đầu, Đài Loan có kế hoạch sử dụng UAV cỡ lớn, như MQ-9B và Teng Yun, để giám sát liên tục. Những UAV này sẽ cung cấp cảnh báo sớm, hỗ trợ chỉ huy và kiểm soát trong các môi trường đầy thách thức.
Trong giai đoạn tiếp theo, tập trung vào việc giành quyền kiểm soát các khu vực ven biển, chính quyền trên đảo có kế hoạch sử dụng UAV cỡ nhỏ hơn, chẳng hạn như Albatross và Chien-Hsiang, để tiến hành tác chiến điện tử và tắt các cảm biến ven biển.
Cuối cùng, trong giai đoạn ngăn chặn đổ bộ lên bãi biển, Đài Loan sẽ triển khai những UAV ít tốn kém hơn và dễ thay thế như ALTIUS 600M-V và Capricorn. Những UAV này sẽ thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào đối phương và cung cấp thông tin nhắm mục tiêu theo thời gian thực cho lực lượng mặt đất.
Theo Interesting Engineering, trước tình hình này, Bắc Kinh đang đầu tư đáng kể vào việc phát triển các hệ thống chống UAV mới, bao gồm “Hệ thống vũ khí chống đàn máy bay không người lái và chống tên lửa” mới được công bố gần đây.
Theo Thời báo Hoàn cầu, Interesting Engineering
Đọc bài gốc tại đây.