Trang chủ Quốc tếThời sự thế giới Trung Quốc nhắm nước ASEAN làm bệ phóng tên lửa đầu tiên ngoài biên giới: Cảng vũ trụ xích đạo lộ diện

Trung Quốc nhắm nước ASEAN làm bệ phóng tên lửa đầu tiên ngoài biên giới: Cảng vũ trụ xích đạo lộ diện

bởi Admin
0 Lượt xem

Trang Space News (Phần Lan) ngày 29/4 đưa tin, Trung Quốc đang tìm kiếm một địa điểm phóng tên lửa đầu tiên ở nước ngoài bằng việc đề xuất xây dựng một cảng vũ trụ xích đạo tại Malaysia, mang theo những hàm ý chiến lược, kinh tế và địa chính trị.

Tập đoàn Công nghiệp Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc (CGWIC) vào ngày 15/4 đã gửi thư bày tỏ ý định này với Tập đoàn Phát triển bang Pahang (PKNP) và Lestari Angkasa Sdn Bhd – một công ty tư nhân của Malaysia đang tích cực tham gia vào quá trình phát triển ngành vũ trụ của nước này.

Trung Quốc nhắm nước ASEAN làm bệ phóng tên lửa đầu tiên ngoài biên giới: Cảng vũ trụ xích đạo lộ diện - Ảnh 1.

Tên lửa Trường Chinh 8 (Long March 8) phóng lên từ Cảng vũ trụ thương mại Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 11/3/2025, mang theo 18 vệ tinh Thiên Phàm (Qianfan). Ảnh: CASC

Theo tờ New Straits Times (Malaysia), chính quyền bang Pahang của Malaysia đã đồng ý tiến hành nghiên cứu tính khả thi đối với một cảng vũ trụ được đề xuất tại bang này trong thời hạn 1 năm. Dự án có tên là Cảng vũ trụ quốc tế Pahang, có thể tạo ra hơn 2.000 cơ hội việc làm, cũng như các tác động kinh tế lan tỏa, bao gồm cả trong lĩnh vực du lịch và nghiên cứu.

Cảng vũ trụ sẽ nằm gần xích đạo, ở khoảng vĩ độ 3-4° Bắc. Việc phóng gần xích đạo sẽ giúp tên lửa hưởng lợi từ tốc độ quay của Trái Đất, cho phép tải trọng nặng hơn và sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.

Hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia trích lời Datuk Mohamad Nizar Najib – Chủ tịch Ủy ban Đầu tư, Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới bang Pahang – cho biết, nếu được chấp thuận, dự án có thể hoàn thành trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.

Một phái đoàn của PKNP và Lestari Angkasa Sdn Bhd dự kiến sẽ đến thăm Thành phố Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, vào tháng 5 để thảo luận thêm về dự án Cảng vũ trụ quốc tế Pahang.

CGWIC – thuộc nhà thầu vũ trụ nhà nước CASC của Trung Quốc – là tổ chức thương mại duy nhất được chính phủ Trung Quốc ủy quyền cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng tên lửa thương mại và thực hiện hợp tác không gian quốc tế.

Bleddyn Bowen – phó giáo sư chuyên ngành Chính trị vũ trụ tại Đại học Durham (Anh) – cho biết, mặc dù Cảng vũ trụ quốc tế Pahang đang trong giai đoạn dự kiến ban đầu, dự án này có thể đáng chú ý vì một số lý do.

Các cơ sở phóng tên lửa mới có thể giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trong việc tiếp cận không gian của Trung Quốc, xét về nhịp độ phóng.

Một cảng vũ trụ ở Pahang có thể cung cấp nhiều lựa chọn cho các sứ mệnh thương mại và dân sự, trong khi ít có khả năng được sử dụng cho các sứ mệnh nhạy cảm hơn, do vị trí nằm ngoài Trung Quốc.

Cơ sở này cũng có thể hỗ trợ các kế hoạch Mặt Trăng ở một số khía cạnh. Cảng vũ trụ vĩ độ thấp nhất của Trung Quốc là Văn Xương, nằm ở vĩ độ 19° Bắc.

Nếu dự án được tiến hành, đó sẽ là tuyên bố về sự tin tưởng của Trung Quốc đối với Malaysia với tư cách là đối tác khu vực, Bowen cho biết. Việc này cũng sẽ cho thấy “sự tin tưởng rằng chính phủ Trung Quốc cho rằng họ có thể duy trì một cảng vũ trụ lớn bên ngoài biên giới của chính mình”, cũng như khả năng duy trì chuỗi hậu cần liên quan.

Dự án có thể tượng trưng cho tham vọng toàn cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh trong lĩnh vực không gian, mở rộng cơ sở hạ tầng phóng tên lửa của họ ra ngoài Trung Quốc đại lục lần đầu tiên.

Các vấn đề địa lý, mặc dù không phải là không thể vượt qua, sẽ bao gồm những thách thức liên quan đến các đường bay hàng không, tuyến đường vận chuyển và đường bay qua các nước láng giềng, đặc biệt là Indonesia.

Cũng sẽ có những tác động mang tính khu vực của một cảng vũ trụ Malaysia, đây sẽ là cảng đầu tiên ở Đông Nam Á. “Có sự cạnh tranh truyền thống giữa Malaysia và Indonesia, và Indonesia đã có những động thái chính sách vũ trụ của riêng mình gần đây”, Bowen lưu ý.

Trung Quốc nhắm nước ASEAN làm bệ phóng tên lửa đầu tiên ngoài biên giới: Cảng vũ trụ xích đạo lộ diện - Ảnh 2.

Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim Sultan Iskandar, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (từ trái sang phải) chụp ảnh chung tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 16/4/2025. Ảnh: Tân Hoa xã

Tiềm năng to lớn trong hợp tác vũ trụ

Space News đưa tin, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Malaysia vào ngày 15-17/4, hai bên đã ra tuyên bố chung công nhận tiềm năng to lớn để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ.

Tuyên bố nêu rõ rằng hai bên công nhận rằng có tiềm năng to lớn để tăng cường quan hệ đối tác về hợp tác vũ trụ và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, đồng thời hướng tới mục tiêu chung là tăng cường năng lực vũ trụ, phát triển nền kinh tế vũ trụ, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Space News, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể nhịp độ phóng tên lửa của mình trong những năm gần đây, tăng từ 19 lần phóng vào năm 2015 lên 68 lần phóng vào năm 2024. Con số 68 lần phóng – một kỷ lục quốc gia của Trung Quốc – vẫn còn kém xa so với kế hoạch gần 100 lần phóng trong năm ngoái.

Nước này đang mở rộng các cơ sở phóng tên lửa của mình, với các bệ phóng thương mại mới đang được xây dựng tại Văn Xương, cũng như các cơ sở mới để thực hiện các sứ mệnh lên Mặt Trăng có người lái. Các cảng vũ trụ thương mại khác cũng đang được đề xuất.

Cũng theo Space News, vào đầu năm 2023, Tập đoàn Công nghệ Hàng không Vũ trụ Hồng Kông (HKATG) đã thu hút sự chú ý khi ký biên bản ghi nhớ (MoU) với quốc gia Đông Phi Djibouti để cùng phát triển và vận hành một cảng vũ trụ. Tuy nhiên, MoU đã hết hạn mà không có hành động nào khác được triển khai.

(Theo Space News)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan