Nội dung chính
Căng thẳng từ thỏa thuận hạt nhân Mỹ – Iran
Iran đe dọa Mỹ rằng nước này sẽ có các hành động quân sự trong bối cảnh Mỹ đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân mới của Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 30/3 rằng “sẽ có một cuộc đánh bom” nếu Iran không thực hiện thỏa thuận hạt nhân mới. Ông Trump cũng nói thêm rằng ông sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp đối với Iran nếu Iran không đạt được tiến triển nào để hướng tới một thỏa thuận hạt nhân.
Thuế quan thứ cấp sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia giao dịch với Iran. Các quan chứ Mỹ trước đây đã đe dọa hành động quân sự chống lại Iran nếu không có các cuộc đàm phán trực tiếp. Các quan chức Iran lại bày tỏ quan điểm rằng họ chỉ sẵn sàng đàm phán gián tiếp.
Các quan chức cấp cao của Iran cũng đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của Mỹ trong khu vực nhằm gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của Mỹ và ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ hoặc Israel vào chương trình hạt nhân của Iran.
Một quan chức quân sự cấp cao của Iran nói với tờ Telegraph hôm 29/3 rằng, Iran sẽ tấn công bất cứ căn cứ nào được người Mỹ có thể sẽ sử dụng để đe dọa tới Iran.
Các quan chức Iran gần đây cũng đe dọa sẽ phản ứng trước nguy cơ về các cuộc tấn công của Mỹ và Israel vào Tehran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Tehran đe dọa tấn công, tên lửa đã vào vị trí
Các quan chức Iran đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công vào các căn cứ và lực lượng Mỹ trong khu vực trong những tháng gần đây. Quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Iran nói với truyền thông phương Tây hôm 29/3 rằng Iran sẽ nhắm vào Đảo Diego ở Ấn Độ Dương nếu Mỹ tấn công Tehran. Theo các hình ảnh vệ tinh, Mỹ gần đây đã tăng cường hiện diện quân sự của mình tại Đảo Diego Garcia.
Một quan chức giấu tên cũng nói với tờ Tehran Times rằng các bệ phóng tên lửa của Iran tại các căn cứ ngầm của nước này đã được nạp tên lửa và “sẵn sàng phóng”. Tầm bắn tối đa hiện tại của tên lửa Iran được báo cáo là 2000 km và tầm bắn tối đa của máy bay không người lái được báo cáo là khoảng 2500 km.
Đảo Diego Garcia nằm cách thành phố cực nam của Iran, Pasabandar, khoảng 3700 km. Iran sẽ cần phải giảm đáng kể tải trọng đầu đạn trên các tên lửa tầm trung của mình hoặc giảm trọng lượng tên lửa nếu muốn thực hiện một cuộc tấn công thành công vào Diego Garcia.
Chuẩn tướng Không quân Amir Ali Hajizadeh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã đe dọa vào ngày 31/3 rằng các căn cứ của Mỹ trong khu vực đang “trong một ngôi nhà kính” gần Iran.
Các quan chức Iran đã công khai tuyên bố rằng họ không muốn nhượng bộ để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ theo mốc thời gian hoặc các điều khoản mà Tổng thống Trump mong muốn. Các nguồn tin từ Iran cho biết bức thư ngày 5 tháng 3 của ông Trump gửi cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei bao gồm các yêu cầu rằng Iran phải cắt giảm chương trình tên lửa và vai trò của nước này trong việc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm và đối tác của mình trong Trục kháng chiến.
Một quan chức quân sự cấp cao của Iran tuyên bố hôm 29/3 rằng Tehran sẽ “không bao giờ đàm phán” về tên lửa của mình hoặc “năng lực” của Trục kháng chiến.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông
Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) bao gồm cả Trung Đông để ngăn chặn leo thang và bảo vệ lợi ích của mình, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Parnell nói với các nhà báo hôm 2/4. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom vào Yemen suốt 2 tuần qua và căng thẳng gia tăng với Iran.
Trang tin Task & Purpose cho biết, Phi đoàn tiêm kích 124 Mỹ thông báo rằng họ đang triển khai hơn 300 phi công và loạt cường kích A-10 đến khu vực Trung Đông. Số lượng máy bay chính xác chưa được tiết lộ.
Các máy bay A-10 của Phi đoàn tiêm kích 124 là những máy bay mới nhất được triển khai đến Trung Đông. Các phi công và máy bay từ Phi đoàn tiêm kích 124 đang triển khai là một phần trong đợt tăng cường lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực này. Tuần trước, Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, bao gồm cả Phi đoàn không quân tàu sân bay 2, đã được lệnh đến Trung Đông để tham gia Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Cường kích A-10
Khả năng Iran xây dựng lại kho dự trữ nhiên liệu cho sản xuất tên lửa
Iran có khả năng đang xây dựng lại kho dự trữ nhiên liệu rắn của mình sau các cuộc không kích của Israel làm hư hại các địa điểm sản xuất chính vào tháng 10/2024. Tàu chở hàng Jairan của Iran bị trừng phạt, chở natri perchlorat, một loại hóa chất được sử dụng để chế tạo nhiên liệu tên lửa rắn, đã đến gần Bandar Abbas, Tỉnh Hormozgan, vào khoảng ngày 29/3.
Cơ quan Hàng hải và Giao thông Hàng hải xác nhận rằng Jairan, một trong hai tàu của Iran Shipping Lines (IRISL) bị trừng phạt vì vận chuyển vật liệu tên lửa, đang chờ gần đảo Gheshm và Hormoz. Các quan chức phương Tây nói với The Financial Times vào tháng 1/2025 rằng Golbon và Jairan sẽ giao hơn 1.100 tấn natri perchlorat cho Iran.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá, việc chuyển hàng hóa của Jairan đến một trong những địa điểm này cho thấy rằng Iran đang cố gắng xây dựng lại năng lực sản xuất tên lửa tầm xa của mình sau các cuộc không kích của Israel. Iran cũng có thể chuyển natri perchlorate đến một cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Iran, Nga và Trung Quốc bàn về vấn đề hạt nhân
Cùng lúc đó, Iran tiếp tục phối hợp với Nga và Trung Quốc về vấn đề hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề pháp lý và quốc tế Kazem Gharibabadi đã gặp Đại sứ Nga tại Iran Alexey Dedov tại Tehran vào ngày 31/3 để thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân và nới lỏng lệnh trừng phạt.
Ông Gharibabadi cho biết Iran, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc họp ba bên và Nga đã mời ông tham dự cuộc họp của nhóm Hiến chương Liên hợp quốc tại Moscow vào giữa tháng 4. Cuộc họp diễn ra sau tuyên bố chung ngày 14/3 của Nga, Trung Quốc và Iran lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ và mô tả các hoạt động hạt nhân của Iran là “hòa bình”.
Đọc bài gốc tại đây.