“Món quà” mới Mỹ trao cho Nga
“Nếu không thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, chúng ta cần bỏ qua”.
Đây là những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vào thứ Sáu, khi ông chuẩn bị rời khỏi hội nghị ở Paris, cảnh báo rằng thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ đạt được trong “24 giờ” sau cùng có thể không khả thi.
Hôm 18/4, ông Trump tiếp tục khẳng định rằng Nhà Trắng có thể từ bỏ nỗ lực làm trung gian cho một giải pháp hòa bình.
“Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi việc trở nên quá khó khăn, chúng tôi sẽ từ bỏ, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ không phải làm vậy”.
Đây không phải là lần đầu ông Trump thể hiện quan điểm này. Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times vào mùa xuân năm 2016, khi lần đầu tiên tranh cử tổng thống, ông Trump đã mô tả Ukraine là vấn đề của Châu Âu.
Tờ New York Times cho rằng đây là món quà mới nhất của nước Mỹ dành cho ông Putin. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, ông hoặc các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông đều đưa ra những tuyên bố có lợi cho Nga: loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine khỏi bàn đàm phán, nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine sẽ phải từ bỏ lãnh thổ hay công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga…
Cho đến một tháng trước, ông Trump hầu như luôn nói về nhà lãnh đạo Nga bằng những lời lẽ hoa mỹ. Ông Trump khẳng định rằng nhà lãnh đạo Nga tôn trọng ông đến mức ông sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến tranh với Ukraine nếu ông Trump thắng cử năm 2020.
Tuy nhiên, sự việc bắt đầu thay đổi khi nhịp độ trên con đường tiến tới lệnh ngừng bắn của Moscow dường như không như ông Trump mong muốn. Tại nhiều thời điểm, ông Trump thậm chí còn đe dọa sẽ áp thuế đối với Nga.
Nhưng khi danh sách thuế quan được công bố vào tuần trước, Nga là một trong số ít quốc gia thoát khỏi danh sách này. Kevin Hassett, cố vấn kinh tế của ông Trump, cho biết việc áp thuế đối với một quốc gia trong khi đang đàm phán hòa bình là vô nghĩa. Tuy nhiên, Ukraine đã có tên trong danh sách.
“Đây chính xác là điều Putin muốn”, Fiona Hill, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nga và Châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết.
“Ưu tiên của ông Trump là có thể giải quyết trực tiếp với Nga”, bà Hill nói.
Mỹ có thực sự “bỏ mặc” lệnh ngừng bắn?
Câu hỏi cơ bản hiện nay là liệu Washington có thực sự “bỏ mặc” lệnh ngừng bắn hay không.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lập luận rằng ngay cả khi ông Trump thực hiện sự thay đổi lớn đó, thì có khả năng điều này cũng sẽ không hiệu quả trong đạt được mục tiêu là tiến gần với Moscow.
Ngay cả khi những lời đề nghị của ông Trump với người đồng cấp phía Nga mang lại sự tan băng bước đầu trong mối quan hệ Mỹ – Nga, thì sự ngờ vực cơ bản của Nga đối với phương Tây sẽ khiến một sự hòa giải thực sự trở nên bất khả thi, Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia, đã viết trong tuần này trên tờ Foreign Affairs.
Không thể chắc chắn rằng Trump sẽ thúc đẩy thành công châu Âu khôi phục quan hệ với Nga, và ông Putin biết rằng, vào năm 2028, một chính quyền mới của Washington có thể thay đổi chính sách, ông nói thêm.
(Theo New York Times)
Đọc bài gốc tại đây.