
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
“Chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc . Tôi muốn nói rằng họ đã chủ động liên hệ nhiều lần”, truyền thông Mỹ dẫn lời ông Trump với các nhà báo tại Nhà Trắng. Ông Trump nói rằng các cuộc trao đổi diễn ra sau khi ông đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức kỷ lục 145% (cộng dồn từ đầu năm đến nay), song tỏ ra kín tiếng khi được hỏi liệu có trực tiếp nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, dù trước đó ông nhiều lần ám chỉ điều này. “Tôi chưa từng nói là những cuộc trao đổi đó có diễn ra hay không. Việc đó không thích hợp để công khai” – ông Trump nói. Khi các phóng viên hỏi liệu ông có trao đổi trực tiếp với ông Tập không, nhà lãnh đạo Mỹ trả lời: “Tôi nghĩ điều đó khá hiển nhiên rồi, nhưng chúng ta sẽ bàn kỹ hơn trong thời gian tới. Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận rất tốt với Trung Quốc”.
Ông Dmitry Medvedev cảnh báo thảm hoạ chờ các binh sĩ thuộc “Liên minh tự nguyện” ở Ukraine . Cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo binh lính châu Âu sẽ “trở về trong quan tài” nếu được triển khai đến Ukraine. Vào tháng trước, Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố rằng bất kỳ sự hiện diện nào của binh lính NATO – dù dưới bất kỳ lá cờ hay hình thức nào – tại Ukraine đều là mối đe dọa đối với Liên bang Nga, và Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.
Hamas tuyên bố sẵn sàng thả tất cả các con tin còn lại để chấm dứt xung đột . Hamas muốn có một thỏa thuận toàn diện để chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và trao đổi tất cả các con tin Israel lấy những người Palestine bị giam giữ tại Israel, một quan chức cấp cao của nhóm chiến binh Palestine cho biết, đồng thời bác bỏ lời đề nghị ngừng bắn tạm thời của Israel.
Ngoại trưởng Mỹ, Nga điện đàm về Ukraine. Ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm về xung đột tại Ukraine và các cuộc gặp đa phương đang diễn ra nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình tiềm năng, đài RT dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga. Theo bộ này, ông Rubio đã thông báo cho Lavrov về các cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ với đại diện của Ukraine, Pháp và một số quốc gia châu Âu diễn ra trước đó trong ngày tại thủ đô Paris (Pháp). “Ông Lavrov tái khẳng định lập trường sẵn sàng của Moscow trong việc tiếp tục hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ để giải quyết một cách tin cậy các căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine”- tuyên bố cho biết thêm.
Mỹ – Ukraine ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản . Các nhà đàm phán Mỹ và Ukraine đã ký một bản ghi nhớ thể hiện ý định đạt được thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliya Svyrydenko thông báo. “Chúng tôi đang chuẩn bị thành lập Quỹ đầu tư phục hồi Ukraine. Thỏa thuận tương ứng sẽ mở ra cơ hội cho đầu tư đáng kể, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác cùng có lợi giữa Ukraine và Mỹ – đây chính xác là mục tiêu mà các nhóm đang hướng tới với văn bản này”, ông Svyrydenko giải thích, đồng thời nói thêm rằng Kiev và Washington hiện phải “hoàn thiện” văn bản thỏa thuận và ký kết. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi các cơ quan lập pháp Ukraine và Mỹ phê chuẩn.
Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria. Hôm qua (17/4), lực lượng Mỹ tại Syria đã bắt đầu hoạt động rút bớt quân số ra khỏi quốc gia Arab. Truyền thông khu vực dẫn nguồn báo chí Mỹ khẳng định hoạt động rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria đã chính thức bắt đầu. Theo đó, quân đội Mỹ đã bắt đầu rút hàng trăm binh sĩ, đồng thời đóng cửa 3 trong tổng số 8 căn cứ quân sự nhỏ đang vận hành tại khu vực Đông Bắc Syria.
Nga dỡ bỏ lệnh cấm với tổ chức Taliban . Nga dỡ bỏ lệnh cấm đối với Taliban, tổ chức vốn bị nước này đưa vào danh sách khủng bố trong hơn hai thập kỷ. Quyết định này mở ra cơ hội để Moscow bình thường hóa quan hệ với chính quyền Taliban tại Afghanistan. Hiện tại, không quốc gia nào công nhận Taliban, chính phủ giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021 sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút quân sau 20 năm chiến tranh. Tuy nhiên, Nga đang dần xây dựng quan hệ với tổ chức này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói Taliban hiện là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nga muốn đổi tài sản đóng băng lấy Boeing. Nga đã gửi yêu cầu tới hãng Boeing để mua máy bay và thanh toán bằng tài sản đang bị đóng băng ở các nước phương Tây nếu ngừng bắn ở Ukraine. Nguồn tin của Bloomberg tại Moscow cho biết, việc mua máy bay có thể trở thành động thái nới lỏng lệnh trừng phạt nếu xung đột tại Ukraine chấm dứt. Các nước phương Tây đã phong toả khoảng 280 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, trong đó 5 tỷ USD ở Mỹ.
Lật tàu ngoài khơi Philippines, ít nhất 4 người thiệt mạng. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) cho biết, một vụ lật tàu xảy ra ngoài khơi tỉnh Occidental Mindoro, miền Tây Philippines khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Theo thông cáo của PCG, vào thời điểm gặp nạn ngày 15/4, tàu MV Hong Hai 16 chở 25 thuyền viên cùng 2.000 lít dầu nhờn và 30.000 lít dầu diesel. Lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tràn dầu.
Người đàn ông bị phạt 5.100 USD sau khi ôm Thủ tướng Đức. RT đưa tin, ngày 16/4, một người đàn ông đã bị phạt 4.500 euro (5.100 USD) sau khi lẻn vào đoàn hộ tống và ôm Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào năm 2023. Người này cũng bị đình chỉ giấy phép lái xe trong hai năm rưỡi. Theo đó, vào tháng 5/2023, người đàn ông, được chính quyền giấu tên, điều khiển chiếc Audi tối màu đã tham gia đoàn xe hộ tống của Thủ tướng Scholz khi ông đang trở về Berlin sau lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt.
Đọc bài gốc tại đây.