Nội dung chính
Lời lẽ mạnh bạo nhất từ phía Trung Quốc
“Nếu chiến tranh là điều Mỹ muốn, dù là chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hay bất kỳ hình thức chiến tranh nào khác, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đăng trên trên mạng xã hội X, trích lại một câu trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này hôm 4/3.
Theo truyền thông Anh, đây là một trong những lời lẽ mạnh bạo nhất từ phía Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng và được đưa ra khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) tại Bắc Kinh hôm 5/3. Ảnh: Getty
Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sau đó cũng tuyên bố rằng Mỹ “đã chuẩn bị” để tham chiến.
Ông Hegseth nói trên chương trình “Fox and Friends” của kênh Fox News (Mỹ) rằng Mỹ đã “chuẩn bị” và “những ai mong muốn hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh”.
Theo Telegraph, Mỹ đã áp thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để đáp trả những gì Nhà Trắng coi là việc Trung Quốc không hành động trước dòng chảy fentanyl – một loại thuốc phiện tổng hợp – vào nước Mỹ.
Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách áp thuế từ 10 đến 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 10/3.
Trong các bài đăng trên X, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Washington vì liên kết cuộc chiến thương mại với cuộc khủng hoảng fentanyl, nói rằng: “Vấn đề fentanyl là cái cớ yếu ớt để Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các biện pháp đối phó của chúng tôi để bảo vệ quyền và lợi ích của mình là hoàn toàn hợp pháp và cần thiết.”
“Đe dọa không làm chúng tôi sợ hãi. Bắt nạt không có tác dụng với chúng tôi. Gây sức ép, cưỡng ép hoặc đe dọa không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc.”
Theo Telegraph, ngôn từ gay gắt này xuất hiện khi NPC – cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc – họp tại Bắc Kinh trong kỳ họp “Lưỡng hội” thường niên, nơi các kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng đã được công bố.
Mức tăng chi tiêu quốc phòng năm nay của Trung Quốc bằng với mức tăng năm ngoái và đưa ngân sách chính thức lên khoảng 1,78 nghìn tỷ nhân dân tệ (245 tỷ USD), khi Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2027.

Các đại biểu quân sự đến tham dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) tại Bắc Kinh hôm 5/3. Ảnh: Getty
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn sau Mỹ
Telegraph đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cam kết sẽ “nỗ lực hết mình” để đạt được mục tiêu trong bài phát biểu thường niên của mình trước các đại biểu quốc hội nước này.
Ông Lý cho biết Trung Quốc “sẽ tăng cường huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” của nước này.
Theo Telegraph, Trung Quốc gần đây đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển Australia, tập trận quân sự gần đảo Đài Loan (Trung Quốc) và các cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trên Biển Đông. Những động thái phô trương sức mạnh quân sự này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Đầu tuần này, có thông tin tiết lộ rằng Trung Quốc đang phát triển một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, lớn hơn và tiên tiến hơn bất kỳ tàu nào trong hạm đội của nước này, nhằm cạnh tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, theo Telegraph, mặc dù Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, nhưng vẫn chưa bằng chi tiêu của Mỹ, ngay cả khi tính tới kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng 8% trong 5 năm tới của Tổng thống Trump. Ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm 2025 là khoảng 850 tỷ USD.

Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Ảnh: AFP
“Không thấy đặc biệt đáng báo động”
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù có những tuyên bố mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn chưa tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Ngôn từ mạnh mẽ của nước này là do thuế quan của chính quyền Trump.
James Char Tze Siang – phó giáo sư Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore – cho biết những tuyên bố này phù hợp với chính sách ngoại giao “chiến lang” mà Bắc Kinh đã triển khai trước đây.
Trung Quốc “thường lên tiếng cứng rắn chống lại những gì họ coi là nỗ lực của các nước ngoài nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh để ngăn chặn sự trỗi dậy hoặc tác động đến các chính sách của họ. Đây chỉ là một phần khác trong mối quan hệ Trung – Mỹ đang dao động kể từ khi họ xích lại gần nhau vào năm 1972″, Char nói.
Philip Shetler-Jones – nhà nghiên cứu cao cấp về An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu quốc phòng an ninh Royal United Services Institute (Anh) – cho biết: “Ngôn từ không phải là mới, nhưng bối cảnh thì mới. Trong trường hợp này, bài đăng [của Trung Quốc] có vẻ nằm trong bối cảnh về thuế quan, vì vậy tôi không thấy nó đặc biệt đáng báo động.”
Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có lẽ sự thay đổi về giọng điệu cho thấy mối quan ngại từ phía Trung Quốc rằng [Tổng thống] Trump đang bình thường hóa quan hệ với Nga để dọn đường chuẩn bị thực sự tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.”
Đọc bài gốc tại đây.