Trang chủ Quốc tếThời sự thế giới Mỹ ‘chia tay’ UNESCO lần thứ 3: Tượng Nữ thần Tự do liệu có bị bỏ rơi?

Mỹ ‘chia tay’ UNESCO lần thứ 3: Tượng Nữ thần Tự do liệu có bị bỏ rơi?

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo tạp chí TIME (Mỹ), quyết định rút tài trợ và sự tham gia của Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã được dự đoán từ trước, do Chính quyền Tổng thống Trump đã cắt đứt quan hệ với một số tổ chức quốc tế khác, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), cũng như đã rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu như Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.

- Ảnh 1.

Ngày 22/7, Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ một lần nữa rút khỏi UNESCO – cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc, nơi bảo tồn các Di sản Thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Ảnh: Reuters/Shutterstock

Tại sao Mỹ rút khỏi UNESCO?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết trong một tuyên bố vào ngày 22/7 rằng quyết định rút khỏi UNESCO dựa trên nhận định rằng tổ chức này ủng hộ “các vấn đề xã hội và văn hóa gây chia rẽ”, đồng thời cho rằng việc tập trung vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc là một phần của “chương trình nghị sự toàn cầu hóa, mang tính ý thức hệ về phát triển quốc tế, trái ngược với chính sách đối ngoại ‘Nước Mỹ trên hết’ của chúng tôi”.

Bà Bruce nói thêm rằng quyết định của UNESCO vào năm 2011 “công nhận ‘Nhà nước Palestine’ là một quốc gia thành viên là rất đáng ngờ, trái ngược với chính sách của Mỹ, và góp phần vào sự gia tăng các luận điệu chống Israel trong tổ chức này”.

Theo TIME, Chính quyền Tổng thống Trump trước đó từng chỉ trích các thể chế của Liên Hợp Quốc vì những gì Nhà Trắng cho là thiên vị chống lại Israel và không phù hợp với các giá trị của Mỹ. Nhà Trắng cũng đưa ra lập luận tương tự vào năm 2018, khi ông Trump lần đầu rút Mỹ khỏi UNESCO.

Mỹ vốn có mối quan hệ phức tạp với UNESCO trong nhiều năm qua. Nước này là thành viên sáng lập UNESCO vào năm 1945 nhưng đã rút khỏi tổ chức này vào năm 1984 dưới thời Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan để phản đối những cáo buộc về vấn đề quản lý tài chính yếu kém và sự thiên vị chống lại Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Sau đó, Mỹ đã tái gia nhập UNESCO vào năm 2003 dưới thời Chính quyền Tổng thống George W. Bush; nhưng đã ngừng tài trợ cho UNESCO dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama sau khi tổ chức này bỏ phiếu kết nạp Palestine làm thành viên chính thức vào năm 2011.

5 năm sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi UNESCO vào năm 2018, Chính quyền Tổng thống Biden đã tái gia nhập tổ chức này vào năm 2023 và công bố kế hoạch chi trả hơn 600 triệu USD tiền hội phí còn nợ, lập luận rằng sự vắng mặt của Mỹ đã cho phép Trung Quốc lấp đầy khoảng trống còn lại trong việc hoạch định chính sách của UNESCO – đặc biệt là trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ, giáo dục và trí tuệ nhân tạo.

UNESCO là gì?

Tạp chí TIME đưa tin, UNESCO được thành lập sau Thế chiến II nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Hiện nay, gần 200 quốc gia là thành viên của UNESCO, cùng với 12 thành viên liên kết.

Tổ chức này có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc bảo tồn di sản văn hóa thông qua chương trình Di sản Thế giới của UNESCO, công nhận 1.248 địa điểm mang tính lịch sử tại 170 quốc gia cần được bảo vệ.

Trang web của UNESCO cho biết: “Các Di sản Thế giới thuộc về tất cả các dân tộc trên thế giới, bất kể chúng nằm trên lãnh thổ nào”.

Tuy nhiên, tuyên bố đó có thể trái ngược với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Chính quyền Tổng thống Trump. Vào tháng 7, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tăng giá vé đối với khách du lịch nước ngoài đến thăm các Vườn Quốc gia của Mỹ, phần lớn trong số đó là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

“Các Vườn Quốc gia sẽ vì nước Mỹ đầu tiên”, Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện gần đây.

Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa, UNESCO cho biết sứ mệnh của mình là “đặt ra các tiêu chuẩn, tạo ra các công cụ và bồi dưỡng kiến thức để tạo ra các giải pháp cho một số thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, và thúc đẩy một thế giới bình đẳng và hòa bình hơn”.

Theo trang web của tổ chức này, “bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với trí tuệ nhân tạo [AI], thúc đẩy giáo dục chất lượng, bảo vệ di sản và đảm bảo quyền truy cập thông tin đáng tin cậy là một số ví dụ về công việc mà UNESCO đang thực hiện với 194 quốc gia thành viên trên toàn cầu.”

- Ảnh 3.

Du khách tham quan Tượng Nữ thần Tự do – một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận – tại thành phố New York, Mỹ, vào ngày 22/7/2025. Ảnh: Reuters

26 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Mỹ

Di sản Văn hóa:

Di tích Lịch sử Quốc gia Đồi Cahokia (năm công nhận: 1982)

Nền Văn hóa Chaco (1987)

Công trình Nghi lễ Hopewell (2023)

Tòa nhà Hội trường Độc lập (1979)

Di tích Lịch sử Quốc gia La Fortaleza và San Juan ở Puerto Rico (1983)

Vườn Quốc gia Mesa Verde (1978)

Đồn điền Monticello và Đại học Virginia ở Charlottesville (1987)

Tượng đài Poverty Point (2014)

Khu định cư Nhà thờ Moravian (2015, 2024)

Khu Truyền giáo San Antonio (2015)

Tượng Nữ thần Tự do (1984)

Di tích Taos Pueblo (1992)

Kiến trúc Thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright (2019)

Di sản thiên nhiên:

Vườn Quốc gia Carlsbad Caverns (1995)

Vườn Quốc gia Everglades (1979)

Vườn Quốc gia Grand Canyon (1979)

Vườn Quốc gia Great Smoky Mountains (1983)

Vườn Quốc gia Núi lửa Hawaii (1987)

Các khu bảo tồn và Vườn quốc gia Kluane, Wrangell-St. Elias, Vịnh Glacier, Tatshenshini-Alsek (1979, 1992, 1994)

Vườn Quốc gia Hang Mammoth (1981)

Vườn Quốc gia Olympic (1981)

Vườn Quốc gia và Tiểu bang Redwood (1980)

Công viên Hòa bình Quốc tế Waterton Glacier (1995)

Vườn Quốc gia Yellowstone (1978)

Vườn Quốc gia Yosemite (1984)

Di sản hỗn hợp:

Khu bảo tồn biển Papahānaumokuākea (2010)

- Ảnh 4.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tuyên bố rằng “vô cùng” lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi tổ chức này của Mỹ, nhưng nói thêm rằng việc này đã được “dự đoán từ trước”. Ảnh: The Australian

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Tạp chí TIME nhận định, việc Mỹ rút khỏi UNESCO được dự đoán sẽ gây ra những hậu quả cả về mặt tài chính lẫn biểu tượng. Là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho UNESCO, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các nỗ lực của tổ chức này. Nếu không có sự hỗ trợ đó, UNESCO có thể buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tái cấu trúc các sáng kiến bảo tồn.

Các cựu quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng việc rút lui có thể nhường lại ảnh hưởng cho các đối thủ cạnh tranh chiến lược của nước này, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng như quản trị AI.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết trong một tuyên bố vào ngày 22/7 rằng UNESCO “vô cùng” lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi tổ chức này của Mỹ, nhưng nói thêm rằng việc này đã được “dự đoán từ trước”.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện những cải cách cơ cấu lớn và đa dạng hóa các nguồn tài trợ”, bà nói. “Nhờ những nỗ lực của tổ chức này kể từ năm 2018, xu hướng giảm đóng góp tài chính của Mỹ đã được bù đắp, hiện chiếm 8% tổng ngân sách của UNESCO so với 40% của một số cơ quan Liên Hợp Quốc; đồng thời, ngân sách chung của UNESCO vẫn tăng đều đặn.”

Bà Azoulay cũng bác bỏ cáo buộc UNESCO thiên vị chống lại Israel, cho rằng tuyên bố của Chính quyền Tổng thống Trump mâu thuẫn với “những nỗ lực trên thực tế của UNESCO, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục về nạn diệt chủng Holocaust và cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái”.

“Những lý do Mỹ đưa ra để rút khỏi tổ chức này vẫn giống như 7 năm trước, mặc dù tình hình đã thay đổi sâu sắc, căng thẳng chính trị đã lắng xuống, và UNESCO ngày nay là một diễn đàn hiếm hoi cho sự đồng thuận về chủ nghĩa đa phương cụ thể và hướng tới hành động”, bà Azoulay nói.

Theo TIME

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan