Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đưa tin, Campuchia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mới nhất gia nhập thị trường sầu riêng béo bở của Trung Quốc, nơi họ đặt mục tiêu chiếm một phần “miếng bánh” của các nước dẫn đầu là Thái Lan và Việt Nam.
Vào cuối tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã bắt đầu cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi tuân thủ quy định an toàn thực phẩm từ Campuchia, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký một thỏa thuận rộng hơn với các nhà lãnh đạo Campuchia trong chuyến thăm chính thức nước này vào đầu tháng 4.

Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Uông Văn Bân (trái) cầm một quả sầu riêng Au Khak trong chuyến tham quan nông trại tại tỉnh Kampot (Campuchia) do Hiệp hội Doanh nhân trẻ Campuchia (YEAC) tổ chức. Ảnh: Facebook
Nhưng các nhà phân tích cho biết, Campuchia sẽ cần phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng tại Trung Quốc – thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới – nơi những người yêu thích trái cây có thể tiếp cận với những quả sầu riêng thơm ngon từ khắp Đông Nam Á, cũng như ngày càng nhiều lựa chọn từ sản phẩm do chính họ trồng trong nước Trung Quốc.
“Campuchia vẫn đang xây dựng danh tiếng của mình trên thị trường quốc tế”, Lim Chin Khee – cố vấn của Học viện Durian, một tổ chức đào tạo những người trồng sầu riêng địa phương của Malaysia – cho biết. “Nó [sầu riêng Campuchia] không có thương hiệu lâu đời như [giống sầu riêng] Monthong của Thái Lan hay Musang King [giống sầu riêng] cao cấp của Malaysia.”
Zhao Yu, 38 tuổi, sống tại Thượng Hải, là người thường xuyên ăn sầu riêng, nói với SCMP rằng trước tiên cô sẽ dành thời gian để “tìm hiểu” sản phẩm của Campuchia trước khi thay đổi thói quen mua sắm của mình.
Tuy nhiên, theo Rajiv Biswas – Tổng giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Asia-Pacific Economics có trụ sở tại Singapore, một số người tiêu dùng Trung Quốc rất muốn thử giống sầu riêng Ah Khak của Campuchia.
“Với số lượng ngày càng tăng các quốc gia [Đông Nam Á] đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, người tiêu dùng Trung Quốc có thể lựa chọn nhiều loại sầu riêng chất lượng cao”, Biswas nói.
Cố vấn Lim của Học viện Durian cho biết người trồng sầu riêng Campuchia có thể cho ra đời những quả sầu riêng tương đương với những quả được trồng ở Malaysia. Ông lưu ý rằng các khoản đầu tư nước ngoài và sự hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực sầu riêng, đặc biệt là từ Trung Quốc, đang giúp cải thiện việc trồng trọt tại Campuchia.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Thái Lan từ lâu đã thống trị thị trường sầu riêng Trung Quốc, chiếm 57% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sầu riêng trị giá 6,99 tỷ USD của nước này vào năm ngoái. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai với 38%; trong khi Philippines và Malaysia bán được tổng cộng 38,2 triệu USD.
Indonesia cũng đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc; và các nhà sản xuất sầu riêng Lào đang “khám phá cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc”, Hãng Thông tấn Lào đưa tin vào năm ngoái.
Theo SCMP, sầu riêng tươi được bán ở Trung Quốc với giá lên tới 200 nhân dân tệ (27,75 USD) cho mỗi quả 6 kg. Một số người tiêu dùng nước này đề cao sầu riêng đến mức họ dùng loại quả này làm quà tặng trong những dịp trang trọng.
Theo nghiên cứu được công bố trên nền tảng du lịch Adventures Cambodia, sầu riêng Campuchia vốn đã có “giá trị thị trường cao” do quá trình trồng trọt “tốn nhiều công sức” và diện tích đất đai thích hợp để trồng trọt có hạn ở nước này.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, nơi loại trái cây này được đánh giá rất cao. Ảnh: Instagram
“Cân bằng cán cân thương mại”
Các nhà phân tích cho biết, quyết định cho phép nhập khẩu sầu riêng từ Campuchia của Trung Quốc giúp Bắc Kinh củng cố mối quan hệ với một quốc gia thân thiện nhưng có thu nhập tương đối thấp ở Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác ngoài Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắm mục tiêu vào hàng hóa Trung Quốc bằng thuế quan kể từ năm 2018 đã “thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Trung Quốc sang ASEAN”, chuyên gia Biswas cho biết.
Theo Biswas, vượt qua Mỹ, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2025, chiếm 16,6% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Vào tháng trước, Bắc Kinh và Phnom Penh đã nhất trí “thúc đẩy” việc đàm phán và ký kết các giao thức kiểm dịch để cho phép nông dân Campuchia xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp “chất lượng” hơn sang Trung Quốc, theo một tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 18/4.
Carl Thayer – giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia), người tập trung nghiên cứu về Đông Nam Á – cho biết, các lô hàng sầu riêng sẽ giúp thu hẹp thặng dư thương mại 12 tỷ USD của Trung Quốc với Campuchia.
“Đây là một cách, một cách nhỏ, để cân bằng cán cân thương mại”, ông nói.
(Theo SCMP)
Đọc bài gốc tại đây.