Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 1/7 đưa tin, theo một nhà phân tích quân sự tại Jakarta, một nhà máy luyện nhôm do Trung Quốc tài trợ trên một hòn đảo ở phía tây Indonesia có thể thu hẹp quy mô của một khu vực huấn luyện hải quân quan trọng của nước này, làm dấy lên lo ngại rằng các ưu tiên quốc phòng đang bị gạt sang một bên để ưu tiên cho đầu tư nước ngoài.

Một lò luyện nickel ở Indonesia. Nhà máy luyện nhôm được đề xuất sẽ chiếm khoảng 400 ha đất hiện đang được Hải quân Indonesia sử dụng trên đảo Singkep. Ảnh: Reuters
Nhà máy 4,9 tỷ USD chiếm 400 ha đất hải quân
Theo SCMP, nhà máy trị giá 4,9 tỷ USD được đề xuất do Tianshan Alumina Indonesia – công ty con của tập đoàn luyện kim khổng lồ Tianshan Aluminium của Trung Quốc – phát triển, sẽ chiếm khoảng 400 ha đất hiện do Hải quân Indonesia sử dụng trên đảo Singkep, một phần của tỉnh Riau Islands.
Địa điểm này từ lâu đã là nơi diễn ra các cuộc tập trận quân sự cũng như tập trận chung với các đối tác nước ngoài, bao gồm cuộc tập trận Super Garuda Shield do Mỹ chỉ huy vào năm 2022 và các cuộc tập trận đổ bộ với lực lượng Australia.
“Đúng là có kế hoạch xây dựng một nhà máy luyện nhôm của Tianshan Alumina Indonesia, nằm ở phía nam đảo Singkep”, Đô đốc Tunggul Suropati – người phát ngôn Hải quân Indonesia – trả lời Tạp chí Quốc phòng Indonesia vào ngày 21/6.
Theo SCMP, kế hoạch này trước đó đã được tiết lộ tại cuộc họp ngày 18/6 giữa Văn phòng Tổng thống, Bộ Quốc phòng và Hải quân Indonesia, và nằm trong một chính sách thúc đẩy rộng hơn nhằm khuyến khích xử lý tài nguyên trong nước của Indonesia. Chính sách đã được cấp quy chế “Dự án Chiến lược Quốc gia” của nước này vào năm 2023, để đẩy nhanh quá trình triển khai.
Theo Đô đốc Tunggul, Hải quân Indonesia trước đó đã nêu mối quan ngại với các quan chức cấp cao, bao gồm cựu Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan, yêu cầu một vùng đệm giữa khu phức hợp công nghiệp và bãi tập quân sự. Họ cũng tìm kiếm quyền quản lý chung đối với khu vực này để đảm bảo việc sử dụng liên tục.
Ông Tunggul cho biết thêm rằng Hải quân Indonesia đã gửi thư nêu rõ yêu cầu của mình tới các bộ Môi trường, Quốc phòng và Nông nghiệp của nước này.
Trong bài đăng trên Instagram vào ngày 19/6, Văn phòng Tổng thống Indonesia đã thừa nhận “vị trí chiến lược của hòn đảo… đối với hoạt động quốc phòng và tác chiến của Hải quân” và cho biết những nỗ lực đang được tiến hành để cân bằng lợi ích an ninh và phát triển.
“Văn phòng khẳng định cam kết tiếp tục kiểm soát việc đẩy nhanh việc thực hiện ‘Dự án Chiến lược Quốc gia’ một cách có chừng mực và cân bằng”, Văn phòng Tổng thống Indonesia viết, đồng thời mô tả cuộc họp ngày 18/6 là “một phần của nỗ lực hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế của khu vực mà không bỏ qua lợi ích quốc phòng của đất nước”.

Một tàu hải quân Indonesia neo đậu tại cảng ở Bali trước cuộc tập trận hải quân đa phương vào tháng 2/2025. Ảnh: AFP
Alman Helvas Ali – chuyên gia về công nghiệp quốc phòng tại công ty tư vấn chính trị và an ninh Marapi Consulting and Advisory có trụ sở tại Jakarta – cho biết việc sáp nhập có thể xảy ra của trung tâm huấn luyện chiến đấu “không phải là tiền lệ tốt” vì nó sẽ gây tổn hại đến hải quân của nước này.
“Hải quân Indonesia phải có một khu vực huấn luyện, đừng để nó bị hy sinh vì những lợi ích khác. Hiện nay, đất đai ở các khu vực này ngày càng khan hiếm nên việc có được một khu vực huấn luyện rộng lớn không phải là điều dễ dàng”, Alman nói.
“Với dân số ngày càng tăng, [xây dựng] một khu vực huấn luyện sẽ rất tốn kém, bao gồm cả việc di rời cư dân. Thật không may là các khu vực huấn luyện đang bị thu hẹp vì lợi ích kinh tế.”
Trong vấn đề này, Hải quân Indonesia không thể từ chối dự án vì “chính sách xuất phát từ cấp trên“, chuyên gia Alman cho biết và nói thêm rằng yêu cầu của Hải quân về vùng đệm giữa khu vực huấn luyện và khu công nghiệp là dễ hiểu, vì “sẽ không tốt” nếu các hoạt động kinh tế và quân sự xung đột.
“Hạ nguồn” là chính sách ưu tiên của Indonesia
Theo SCMP, Indonesia đang nỗ lực nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản của mình bằng cách yêu cầu các công ty khai thác phải thiết lập các cơ sở chế biến và tinh chế trong nước theo một chính sách được gọi là “hạ nguồn”.
Năm 2020, Jakarta đã cấm xuất khẩu quặng nickel – loại quặng mà nước này là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, tiếp theo là lệnh cấm xuất khẩu bauxite thô vào tháng 6/2023. Theo báo cáo tháng 1/2025 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Indonesia đã xuất khẩu 32 triệu tấn bauxite đã qua chế biến trong năm ngoái, trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ năm thế giới.
Trong một sự kiện ở Bali vào ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã mô tả “hạ nguồn” là chính sách ưu tiên của nước này.
“Việc hạ nguồn sẽ tiếp tục. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh động lực. Chúng tôi muốn tiến triển nhanh, người dân đòi hỏi tiến triển nhanh,” ông nói.

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto mô tả “hạ nguồn” là chính sách ưu tiên của nước này. Ảnh: AFP
Hãng tin Tribun Batam (Indonesia) dẫn lời Muhammad Nizar – lãnh đạo huyện Lingga nơi có đảo Singkep – cho biết hồi tháng 4 rằng, nhà máy luyện nhôm sẽ có công suất hàng năm là 2 triệu tấn và cung cấp 3.000 việc làm cho cư dân trên đảo.
Theo chuyên gia Alman, Singkep “khá” quan trọng vì đây là khu vực huấn luyện duy nhất của Hải quân Indonesia gần Sumatra. Hải quân nước này từng huấn luyện tại khu vực ven biển Pasir Panjang trên đảo Bintan trước khi nơi này được chuyển thành địa điểm du lịch vào năm 1991, chủ yếu để thu hút du khách Singapore.
Năm 1992, Thống đốc tỉnh Riau khi đó đã đồng ý với kế hoạch của Hải quân sử dụng 180 km2 đất trên đảo Singkep làm khu vực huấn luyện cho các hoạt động đổ bộ.
(Theo SCMP)
Đọc bài gốc tại đây.