Dấu mốc mở đường cho “làn sóng” DN Hàn vào Việt Nam
Ông Dương Chính Thức, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2001 – 2005 cho biết chuyến thăm của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến Hàn Quốc vô cùng đặc biệt đối với ông.
Giữa tháng 7/2001, ông nhận quyết định làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc thì đến tháng 8 năm đó, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.
Chính vì vậy, sau khi đến Hàn Quốc và tiến hành các thủ tục ban đầu như đến chào Bộ Ngoại giao nước bạn và trình quốc thư lên Tổng thống Kim Dae-Jung, ông Thức ngay lập tức bắt tay vào công tác chuẩn bị cho chuyến thăm.
“Trong một nhiệm kỳ Đại sứ, việc đón các lãnh đạo cấp cao sang thăm nước mà mình làm đại diện là một vinh dự và cũng là một nhiệm vụ trọng đại”, ông Thức nói.
Với quan hệ hai nước, chuyến thăm này là mốc thay đổi lớn nhất sau chưa đầy 10 năm kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đầu cho mốc quan hệ được nâng lên tầm cao giữa hai nước. Kể từ sau 2001, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc rất sôi động, toàn diện. Tất cả các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, LG đều vào Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ vào năm 2001, ông Thức cho hay.
Sau chuyến thăm của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2001, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2000, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc khoảng 2,4 tỷ USD thì đến năm 2008, kim ngạch thương mại đã đạt khoảng 8,5 tỷ USD. Đến năm 2010, con số này vượt 11 tỷ USD, cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc nổi lên là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG bắt đầu có những dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam trong giai đoạn này, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may và giày da.
Đến nay, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường cung cấp khách du lịch của Việt Nam; số 2 về cung cấp vốn ODA; số 3 về thương mại và hợp tác lao động. Hiện nay, Hàn Quốc có hơn 10.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 92 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 81,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 55,9 tỷ USD.
Cũng trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc này, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đến gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, thăm hỏi cán bộ, nhân viên sứ quán đồng thời động viên mọi người tích cực làm việc để thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước. Trong tiếp xúc, cố Chủ tịch nước để lại ấn tượng là một người lãnh đạo rất thân tình, cởi mở, ông Thức nói.

Chuyến thăm nối lại mối duyên Việt – Triều sau 31 năm
Ngay sau chuyến thăm đến Hàn Quốc một năm, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn thực hiện một chuyến thăm đến Triều Tiên. Theo Bà Đỗ Thị Hòa – Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên nhiệm kỳ 2000 – 2004, chuyến thăm này không chỉ làm nồng ấm lại quan hệ hai nước, mà còn đem lại cơ hội nối lại mối duyên của một chàng trai Việt Nam và một cô gái Triều Tiêu sau 31 năm chờ đợi.
Ông Phạm Ngọc Cảnh là một du học sinh ngành hóa ở Thành phố Hàm Hưng, Triều Tiên. Ông quen bà Ri Yong Hui trong một lần đi thực tập. Hai người cảm mến nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng vì những quy định khắt khe thời ấy, hai người chỉ dám giữ kín tình cảm trong lòng.
Năm 1973, ông Cảnh về nước, ôm mối tình vô vọng. Khoảng năm 1994, Triều Tiên gặp phải nạn lụt nặng, bà Ri phải rời quê nhà đi sơ tán khiến 2 người mất liên lạc với nhau.
Mãi đến sau này, một người bạn Triều Tiên tìm được thông tin của bà Ri và báo với ông Cảnh thì 2 người mới nối lại được liên lạc nhưng tình cảm cũng chỉ được thể hiện qua những lá thư, một cách rất hạn chế.
Năm 1997, biết được chuyện này, Bộ trưởng Ngoại giao ta là ông Nguyễn Mạnh Cầm đã từng đặt vấn đề với phía Triều Tiên, nhưng phía bạn chưa trả lời.
5 năm sau, khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm, nhân quan hệ hai nước đang tiến triển khá nhanh sau một thời gian trầm lắng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhắc lại câu chuyện này với người đồng cấp phía Triều Tiên.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương diễn ra vào đầu tháng 5/2002 thì đến tháng 9/2002, Sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội thông báo cho Bộ Ngoại giao của ta là phía Triều Tiên đã đồng ý. Nhận được tin, Cảnh sắp xếp để sang Triều Tiên, đồ đạc mang theo chỉ có một bộ comple, một mảnh vải may áo Hanbok cho bà Ri. Cuối tháng 10 năm đó, hai người được gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách ở thành phố Bình Nhưỡng. Gặp nhau, hai người òa khóc, sự chờ đợi đến lúc này đã là 31 năm.

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2022, ông Phạm Ngọc Cảnh từng nói: “Chủ tịch nước đích thân đi hỏi vợ cho tôi”.
Bà Ri và ông Cảnh kết hôn và sống tại Hà Nội cho đến đầu năm 2025, khi ông Cảnh qua đời.
Đọc bài gốc tại đây.