Nội dung chính
Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với Nga và các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào các nước mua dầu mỏ, khí đốt và các hàng hoá khác của Nga, nếu Moscow không đạt được thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày.
Ông cũng tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev thông qua NATO. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ bán cho các nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) một lô vũ khí lớn trị giá 10 tỷ USD, gồm 17 hệ thống phòng không Patriot, tên lửa và đạn dược để chuyển giao cho Ukraine. Ông Trump xác nhận kế hoạch này đã được nhất trí với Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Lý do Tống thống Trump tuyên bố cứng rắn với Nga
Nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Các thành viên đảng Dân chủ và thậm chí nhiều thành viên của đảng Cộng hoà phê phán chính sách của Tổng thống Donald Trump làm xáo trộn tình hình trong nước. Vào giữa tháng 6/2025, khoảng 2.000 cuộc biểu tình diễn ra đồng loạt trên khắp nước Mỹ phản đối các chính sách của ông.
Trên bình diện quốc tế, ông Trump đã đặt nước Mỹ vào thế đối đầu với nhiều đối tác, kể cả các đồng minh trong khối NATO và Liên minh châu Âu (EU) thông qua chính sách thuế quan. Các bên này cũng chỉ trích ông ngừng hỗ trợ Ukraine và tỏ ra thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump đã từ chối ủng hộ một dự luật lưỡng đảng áp đặt các lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn đối với Nga, cũng như áp thuế 500% đối với các quốc gia giao thương với Moscow.
Các lời hứa của ông giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine trong 24 giờ và đem lại hoà bình cho Trung Đông đã không thành hiện thực. Israel vẫn tăng cường chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Đích thân ông ra lệnh cho các lực lượng Mỹ tham gia cùng với Israel tấn công Iran.
Để xoa dịu tình hình trong nước, đặc biệt là những nhân vật chỉ trích ông trong Quốc hội và làm yên lòng các đồng minh NATO và EU, đồng thời tìm cách cố gắng cân bằng mối quan hệ với Nga, Tổng thống Trump đã tuyên bố trừng phạt, áp thuế nặng đối với Nga và các đối tác của Nga, nếu trong thời hạn 50 ngày không đạt được giải pháp cho cuộc xung đột với Ukraine và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tối hậu thư 50 ngày khó khả thi
Trước đây, ông Trump đã đưa ra một số thời hạn để giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử và ngay sau khi nhậm chức tháng 1/2025, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ, sau đó ông đưa ra thời hạn mới 2 tuần, rồi 100 ngày và bây giờ là 50 ngày.

Đội pháo binh Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga ở Bakhmut. Ảnh: Getty
Một mình nước Nga không thể đạt được thỏa thuận cho cuộc xung đột, mà cần phải đàm phán trên cơ sở thiện chí, hợp tác tích cực của của tất cả các bên liên quan, trước hết là Ukraine, Mỹ, các nước NATO và EU. Như vậy thời hạn này không chì dành cho Nga mà cho cả Ukraine và phương Tây. Trong khi đó, cuộc đàm phán với Nga vòng 3 dự kiến tổ chức tại Istanbul ngày 22/6 đã không diễn ra do Kiev không đến vào phút chót. Các nước NATO và EU tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để kéo dài cuộc chiến.
Các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành cuộc tổng tấn công lớn nhất kể từ khi bùng nổ xung đột tháng 2/2022 đến nay trên khắp lãnh thổ Ukraine, kể cả thủ đô Kiev, thành phố lớn thứ hai Odessa và đang làm chủ trên chiến trường. Việc ông Trump đặt ra thời hạn 50 ngày có nghĩa là trong thời gian này, quân đội Nga có thể tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine mà không bị bất cứ ràng buộc nào.
Cựu tổng tư lệnh quân đội Ukraine, đại sứ đương nhiệm của Ukraine tại London Valeriy Zaluzhny nói, Ukraine không thể đứng vững được trong cuộc chiến kéo dài. Ngày 8/7, trong báo cáo định kỳ về tình hình chiến sự, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi nêu rõ tình hình khó khăn hiện nay cùng một lúc ở bốn mặt trận Pokrovsk, Limansk, Novopavlovsk và Severoslubansk.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, với đà tấn công mạnh mẽ như hiện nay, trong 50 ngày tới, tức là thời điểm kết thúc chiến dịch tổng tấn công mùa hè chuyển sang mùa thu, Nga chắc chắn sẽ chiếm thêm được nhiều lãnh thổ và lúc đó hoàn toàn có thể củng cố thêm vị thế của mình trong đàm phán. Thời hạn này buộc Kiev phải nhanh chóng trở lại bàn đàm phán với Nga, nếu chậm sẽ bị thua thiệt nhiều hơn.
Áp thuế với Nga và các đối tác thương mại của Nga: Lợi bất cập hại
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ước tính tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với Nga năm 2024 chỉ đạt 3,5 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập khẩu hàng hoá của Nga là 3 tỷ USD, gồm các nguyên liệu chiến lược phục vụ cho nền kinh tế Mỹ như uranium, nikel, đồng và các loại khoáng sản khác. Trong khi đó, Nga nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ chỉ ở mức 500 triệu USD. Như vậy, việc áp thuế lên Nga thêm 100% hoặc hơn nữa thì Mỹ sẽ thua thiệt nhiều hơn chứ không phải Nga.
Mặt khác, kể từ khi bùng nổ xung đột Nga – Ukraine đến nay, trong khi Mỹ và phương Tây đã áp đặt hơn 29.000 lệnh trừng phạt đối với Nga, nền kinh tế Nga vẫn không sụp đổ. Việc áp thêm thuế lên Nga và các đối tác thương mại của Nga cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên chính nền kinh tế các nước châu Âu vốn đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn.
Quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt. Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/1/2025, kim ngạch thương mại giữa nước này với Nga năm 2024 đạt mức cao kỷ lục tương đương 237 tỷ USD. Trong khi đó, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, tổng kim ngạch thương mại Nga – Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 43,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Cả hai nước không dễ gì từ bỏ các lợi ích to lớn trong quan hệ với Nga và đã cam kết mạnh mẽ thực hiện các thỏa thuận hợp tác với Moscow.
Kế hoạch cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine gặp khó
Năm 2025, EU đang đứng trước những khó khăn to lớn chưa từng thấy, kinh tế trì trệ, áp lực chia rẽ nội khối…, không đủ nguồn tài chính để chi trả cho việc mua vũ khí của Mỹ để cung cấp cho Ukraine.
Ủy viên Quốc phòng của Uỷ ban châu Âu Andrius Kubilius nêu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng các quy định của EU không cho phép lấy tiền trực tiếp từ ngân sách của mình để mua vũ khí Mỹ cho Ukraine.

Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ
Các nguồn tin quân sự cho biết, các hệ thống Patriot và tên lửa dẫn đường trong các kho vũ khí tại Mỹ hiện đang cạn. Các tổ hợp chế tạo vũ khí ở Mỹ, Nhật Bản và Đức mỗi năm chỉ có thể sản xuất được khoảng một nghìn tên lửa Patriot và tên lửa dẫn đường. Trong khi đó, hiện nay có khoảng 80 khẩu đội Patriot đang trực chiến tại 19 quốc gia, với tổng cộng khoảng 1.000 bệ phóng, mỗi khẩu đội cần từ 4 đến 16 tên lửa đất đối không (SAM). Như vậy, Mỹ chỉ có thể cung cấp cho hệ thống phòng không đang suy yếu của Ukraine một số lượng tên lửa rất hạn chế.
Điều hết sức quan trọng là sáng kiến mua vũ khí của Mỹ để cung cấp cho Ukraine không nhận được sự đồng thuận trong nội bộ các nước NATO và EU. Đến nay mới chỉ có Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy bày tỏ quan tâm đến việc tham gia sáng kiến này.
Trong khi đó, tờ Politico cho biết, bốn nước gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Pháp và Italia đã từ chối tham gia sáng kiến mua vũ khí của Mỹ cung cấp cho Kiev.
Tờ La Stampa của Italia cho biết, Italia đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể tham gia dự án. Ngày 15/7, phát biểu với tờ Politico, Thủ tướng Séc Petr Fiala tuyên bố Séc cũng không tham gia kế hoạch mua vũ khí từ Mỹ cho Ukraine và sẽ không đóng góp tiền cho NATO để mua vũ khí Mỹ cung cấp cho Kiev.
Về phần mình, Nga nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không đóng góp gì cho các cuộc đàm phán, làm cản trở quá trình tìm ra giải pháp và lôi kéo các nước NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng bất kỳ chuyến hàng vũ khí nào đưa tới Ukraine đều sẽ là mục tiêu hợp lệ của quân đội Nga.
Vấn đề hiện nay là thúc đẩy Nga và Ukraine nối lại đàm phán để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Việc tiếp tục gây sức ép đối với Nga và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình và kéo dài cuộc xung đột.
Đọc bài gốc tại đây.