
.t1 { text-align: justify; }
Theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, các tướng lĩnh và đô đốc Mỹ tiếp tục tích tụ thêm lực lượng và phương tiện quân sự ở Trung Đông, trong bối cảnh tối hậu thư mà Mỹ gửi cho Iran về việc chấm dứt kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, sắp hết thời hạn trả lời là 02 tháng.
Nguồn tin giám sát đưa tin, Lầu Năm Góc đã quyết định tăng cường phòng không trong khu vực trước khi tối hậu thư mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra cho Iran kết thúc, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là Mỹ tấn công Iran và Tehran sẽ có hành động đáp trả.
Theo đó, 5 máy bay vận tải quân sự hạng nặng Lockheed C-5M Super Galaxy của Không quân Hoa Kỳ được cho là đã bay từ Châu Âu đến Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar với một số hàng hóa đặc biệt.
Các nhà phân tích cho rằng, các máy bay này mang theo hệ thống tên lửa phòng không tầm xa MIM-104 Patriot hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa di động đánh chặn tầm trung THAAD.
Căn cứ không quân nói trên ở Qatar cũng là địa điểm đang triển khai các máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52H Stratofortress, được chuyển đến đây vào đầu tháng 11 năm 2024, trong khi tại Căn cứ Không quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cũng có khoảng chục chiếc B-2A Spirit và B-52, cùng với 7 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135R Stratotanker.
Một loạt các chuyến bay cũng được thực hiện bằng máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III, vận chuyển hệ thống phòng không MIM-104 Patriot khác đến Căn cứ Không quân Isa ở Bahrain.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ hiện đang triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đỏ, do tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) và USS Harry S. Truman (CVN-75) của Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu, mỗi tàu sân bay có thể mang tới 90 máy bay cánh cố định và trực thăng.
Trong khi Washington cố gắng gây sức ép tâm lý lên Iran bằng cách triển khai máy bay ném bom chiến lược, hệ thống phòng không tối tân ở Trung Đông, Tehran lại có những hành động không thể ngờ tới là tăng cường năng lực quân sự gần hơn với lục địa Hoa Kỳ.
Các nguồn tin từ châu Mỹ cho biết, Cộng hòa Hồi giáo Iran đang thành lập các căn cứ và cơ sở sản xuất quốc phòng tại Venezuela, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương.
Các nguồn dữ liệu giám sát ghi lại các chuyến bay thường xuyên của máy bay vận tải quân sự Iran đến nước Cộng hòa Bolivar. Trong đó, một chiếc máy bay chở hàng Boeing 747 đã một lần nữa bay tới Venezuela vào hôm 31/3.
Một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng, Venezuela đã chuyển giao nhiều vùng rộng lớn cho Iran để “sử dụng cho mục đích nông nghiệp”, nhưng những khu vực này đã bị tố cáo là “sử dụng sai mục đích”.
Theo giới truyền thông địa phương, các bệ phóng tên lửa đã được đặt trên những vùng đất này và các cơ sở sản xuất tên lửa và máy bay không người lái cũng đang được xây dựng.
Theo giới phân tích, động thái như vậy của Tehran không chỉ đe dọa các căn cứ của Hoa Kỳ ở Trung Đông mà còn cả lục địa phía nam của Hoa Kỳ.
Nếu các tên lửa và máy bay không người lái Iran triển khai ở đây có phạm vi hoạt động xa hơn 2000km, nó sẽ gây ra sự uy hiếp nghiêm trọng đối với miền nam Hoa Kỳ, không khác gì cuộc ‘Khủng hoảng tên lửa Cuba’ 1962, khi Liên Xô triển khai tên lửa ở quốc gia xã hội chủ nghĩa nằm gần miền nam nước Mỹ.
Ngoài ra, Tehran cũng đang tích cực đe dọa các cơ sở quân sự của Washington ở Trung Đông, với mệnh lệnh mới nhất là đặt các hệ thống tên lửa của mình vào tình trạng báo động chiến đấu, đặc biệt là triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tại 3 hòn đảo lớn nằm giữa eo biển Hormuz, huyết mạch vận chuyển dầu thô của thế giới ở vịnh Ba Tư.
Hồi tuần trước, Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là Tướng Amir-Ali Hajizadeh cảnh cáo rằng, tất cả 50.000 quân nhân Hoa Kỳ tại một số căn cứ trong khu vực đều “ở trong nhà kính” và khuyên họ “không nên ném đá”.
Đọc bài gốc tại đây.