Rạng sáng 4-7, điện thoại của tướng về hưu Keith Kellogg, Đặc phái viên Ukraine của Tổng thống Donald Trump, đổ chuông. Phía bên kia đường dây là Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski.
Đêm trước, lãnh sự quán Ba Lan ở trung tâm Kiev đã bị hư hại trong đợt tấn công dữ dội bằng tên lửa và máy bay không người lái Nga. “Moscow đang phớt lờ nỗ lực hòa bình của các ông” – ông Sikorski cảnh báo, đồng thời kêu gọi Washington khôi phục nguồn cung đạn dược phòng không cho Kiev.
Hai ngày trước đó, dòng chảy viện trợ vũ khí cho Ukraine đã bất ngờ bị đóng băng, khiến nhiều người tin rằng chính quyền ông Donald Trump một lần nữa quay lưng với Ukraine.
Nhưng thông tin về vụ tấn công vào cơ quan ngoại giao Ba Lan lập tức khiến tướng Kellogg báo cáo trực tiếp với ông Trump. Với kinh nghiệm của vị tướng ba sao, ông hiểu sự cố này có thể châm ngòi cho xung đột leo thang vượt kiểm soát.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tắt chuông điện thoại di động tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 23-5. Ảnh: AP.
Trong cuộc trao đổi, tướng Kellogg báo cáo việc Kiev vừa hứng chịu 11 quả tên lửa và 539 máy bay không người lái, trận tập kích lớn nhất từ khi xung đột nổ ra. Đáng chú ý, đòn tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về lệnh ngừng bắn.
Ông Trump lập tức yêu cầu Lầu Năm Góc giải tỏa một phần số tên lửa Patriot Pac-3 đang bị tạm giữ để viện trợ cho Ukraine, đồng thời chỉ đạo tướng Kellogg thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Cũng trong ngày 4-7, ông Donald Trump cam kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ hỗ trợ khẩn cấp năng lực phòng không cho Kiev. Giới ủng hộ Ukraine tại Washington coi đây là bước ngoặt: Lần đầu tiên ông Trump thừa nhận rằng sức mạnh quân sự Mỹ có thể giúp Ukraine tiến gần tới hòa bình.
Sau bốn ngày, 12 trong số 40 tên lửa Pac-3 tại Ba Lan – vốn được phân bổ cho Kiev từ thời Tổng thống Joe Biden nhưng khi ấy đang bị đóng băng – đã đến Ukraine.
Nhận thấy thời cơ đã đến, châu Âu lập tức nắm lấy nhằm thuyết phục tổng thống Mỹ đi xa hơn trong việc ủng hộ Kiev.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đề nghị mua hệ thống Patriot để tăng cường phòng thủ cho Ukraine, trong khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố các đồng minh châu Âu và Canada sẽ mua hàng tỉ USD vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine.
Theo Telegraph, Tổng thống Mỹ đã hồ hởi đón nhận thỏa thuận trên sau khi các cố vấn, trong đó có tướng Kellogg, chỉ ra rằng việc châu Âu mua vũ khí Mỹ chính là minh chứng cho khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông, đồng thời sẽ buộc Nga cân nhắc việc trở lại bàn đàm phán.
Sau 9 ngày nữa, ngày 13-7, ông Trump và Tổng thư ký Rutte công bố cam kết viện trợ trị giá 10 tỉ USD cho Ukraine, kèm lời đe dọa áp thuế thương mại nặng nề lên Nga và các nước mua nhiên liệu Nga.
Tới cuối tuần đó, Ukraine đã nhận thêm một hệ thống Patriot và nhiều tên lửa đánh chặn khác, nhờ thỏa thuận với Berlin. Lầu Năm Góc và Nhà Trắng cũng dùng thỏa thuận này để thuyết phục các nước châu Âu mạo hiểm chuyển giao hệ thống Patriot của họ cho Ukraine trong lúc chờ hàng bổ sung từ Mỹ.
Đọc bài gốc tại đây.