Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa chỉ trích gay gắt cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên của Estonia với hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp, gọi đây là hành động “gây hấn”.
“Nga là một quốc gia vùng Baltic và sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình tại đây” – ông Peskov tuyên bố.

Quân đội Estonia thực hiện buổi bắn thử HIMARS đầu tiên trong cuộc tập trận tại Undva – Estonia, ngày 11-7. Ảnh: Lục quân Mỹ.
Theo đài Radio Svoboda của Nga, ông Peskov cho rằng Baltic đang trở thành điểm nóng căng thẳng do chính sách của các quốc gia ven biển khu vực này.
Trước đó, ngày 12-7, quân đội Estonia tiến hành bắn thử HIMARS trên đảo Saaremaa. Toàn bộ tên lửa đã bắn trúng mục tiêu hàng hải nhỏ cách xa tối đa 15 km. Đây là lần đầu tiên hệ thống HIMARS được Estonia sử dụng trong huấn luyện thực địa kể từ khi nước này tiếp nhận lô đầu tiên hồi tháng 4.
Hợp đồng mua sắm HIMARS giữa Estonia và Mỹ trị giá 500 triệu USD, được ký kết vào tháng 12-2022, bao gồm 6 bệ phóng M142, đạn tên lửa GMLRS, hệ thống liên lạc, đào tạo nhân sự, cũng như hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật. Estonia cũng được trang bị tên lửa đạn đạo M57 ATACMS với tầm bắn tới 300 km.
Trong khi đó, ngày 14-7, Thống đốc tỉnh Leningrad – Nga (nằm gần biển Baltic), ông Alexander Drozdenko, thông báo sẽ xem xét lại các biện pháp phòng thủ không phận và vùng biển vịnh Phần Lan do số vụ tấn công bằng UAV tăng mạnh.
Theo ông Drozdenko, chính quyền địa phương đang phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan chức năng để điều chỉnh hệ thống phòng không nhằm ứng phó hiệu quả hơn.
Trong 2 tuần qua, Leningrad nhiều lần bị UAV tấn công. Cụ thể, sân bay Pulkovo ở St. Petersburg đã 2 lần phải ngừng hoạt động trong đêm 5-7. Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Nga, sự cố này gây trì hoãn 54 chuyến bay, hủy 11 chuyến và buộc 10 máy bay chuyển hướng.
Hệ thống phòng thủ khu vực – bao gồm các trạm radar, công trình kỹ thuật và thiết bị tác chiến điện tử – đã được triển khai từ năm 2024. Một “vòng radar” quanh Vịnh Phần Lan cũng được thiết lập nhằm tăng khả năng phát hiện và đánh chặn UAV.
Từ tháng 11-2024, chính quyền địa phương đã siết chặt việc sử dụng UAV. Các thiết bị nặng trên 250 g phải đăng ký, còn UAV trên 30 kg cần xin phép từ sở chỉ huy an ninh khu vực. Một số đảo ở vịnh Phần Lan cũng bị hạn chế phương tiện ra vào nhằm ngăn chặn các vụ phóng UAV trái phép.
Đọc bài gốc tại đây.