Phóng viên Brad Lendon của hãng tin CNN (Mỹ) cho biết, mặc dù Ấn Độ bác bỏ thông tin tiêm kích Rafale của nước này bị Pakistan bắn hạ trong sáng nay (7/5) nhưng hình ảnh về một trong số các máy bay rơi tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát cho thấy manh mối liên quan tới nhà sản xuất tại Pháp.
Thông tin này càng củng cố cho tuyên bố của Pakistan rằng họ đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ Ấn Độ, trong đó có Rafale do Pháp sản xuất.
Theo Lendon, phần nhãn in trên mảnh vỡ máy bay cho thấy đây là một bộ phận do công ty Le Bozec et Gautier sản xuất.
Le Bozec là công ty con tại Pháp của Tập đoàn Donaldson (bang Minnesota, Mỹ)
Thông cáo báo chí từ Donaldson năm 2025 – thời điểm công ty này mua lại Le Bozec cho biết, chi nhánh tại Pháp sẽ chuyên “thiết kế, sản xuất và bán thiết bị lọc để quản lý không khí, nhiên liệu, chất lỏng thủy lực và áp suất không khí trên máy bay, cũng như trực thăng”.
Truyền thông Pakistan đăng tải đoạn video cho thấy máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ bị bắn hạ ở Bathinda
Trước đó, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ, trong đó có 3 tiêm kích Rafale thuộc hàng “tinh nhuệ nhất thế giới”. Theo truyền thông Pakistan, Islamabad đã sử dụng tiêm kích J-10C mua từ Trung Quốc để bắn hạ Rafale.
CNN cho biết, các máy bay chiến đấu Rafale được xem là tài sản quý giá của Không quân Ấn Độ khi New Delhi chỉ mới mua về cách đây vài năm để tăng cường sức mạnh quân đội.
Trước đợt leo thang mới nhất này, Ấn Độ có 36 tiêm kích Rafale trang bị cho Không quân, mua từ nhà sản xuất Dassault Aviation (Pháp) theo đơn đặt hàng năm 2016.
Quá trình chuyển giao bắt đầu vào năm 2020. Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố, Rafale thuộc loại “tốt nhất thế giới” và sẽ giúp Không quân Ấn Độ tăng cường sức mạnh đáng kể để ngăn chặn mối đe dọa xảy ra với New Delhi.

Trước đó, truyền thông Ấn Độ lên tiếng bác bỏ một hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, đồng thời cho biết đây thực chất là tai nạn của tiêm kích MiG-29 trong năm 2024
Cuối tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã ký thêm một thỏa thuận trị giá 7,4 tỷ USD để mua thêm 26 chiếc Rafale từ Pháp, dự kiến giao hàng năm 2030.
Rafale gồm phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi, trang bị tên lửa không-đối-không, không-đối-đất, tên lửa chống hạm cùng pháo 30mm. Dassault Aviation cho biết, nhờ hệ thống kiểm soát bay hiện đại, Rafale có thể bay ở chế độ lái tự động theo địa hình trong mọi điều kiện thời tiết.
Rafale không phải là máy bay tàng hình nhưng được quảng bá là có cấu hình giúp tránh bị radar phát hiện một cách hiệu quả. Hiện tại, Rafale đã được quân đội Pháp triển khai trong các hoạt động ở Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.
(Theo CNN)
Đọc bài gốc tại đây.